Chân dung nghệ sĩ qua triển lãm Kinh Bắc Art
Triển lãm mỹ thuật Kinh Bắc Art sẽ diễn ra từ ngày 11-17/12/2020 tại Nhà triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Triển lãm sẽ trưng bày các tác phẩm của 8 nghệ sĩ quê hương Bắc Ninh, những người qua cách đặt tên triển lãm muốn tôn vinh vùng quê văn hóa đáng tự hào đã sinh ra họ, nơi nuôi dưỡng và cho họ nguồn cảm hứng sáng tạo.
Nơi họ không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, con người mà còn là nơi tâm trí trăn trở trước hiện thực thời cuộc, trước những xung đột giữa sự phát triển nhanh chóng của thời đại và truyền thống văn hóa coi trọng lễ nghi tôn giáo, đạo đức, nếp sống hài hòa với thiên nhiên và các quan hệ xã hội.
Đa số các nghệ sĩ trong triển lãm Kinh Bắc Art đang ở giai đoạn sung sức trong sáng tạo nghệ thuật, hầu hết họ đã thành danh với bề dày sự kiện triển lãm lớn nhỏ, với các giải thưởng mỹ thuật các cấp và tác phẩm đang được sưu tập rộng rãi, thêm nữa, triển lãm Kinh Bắc Art có sự phong phú về thể loại và chất liệu mỹ thuật, từ hội họa tới đồ họa, điêu khắc, từ chất liệu sơn dầu, acrylic, tới sơn mài, kim loại, cung cấp sự đa dạng cần thiết cho việc thưởng ngoạn và sưu tập nghệ thuật.
Nguyễn Nghĩa Cương, nghệ sĩ tự do, là người có hai thập kỷ liên tục hoạt động nghệ thuật, tác phẩm của ông được trưng bày ở nhiều quốc gia, nhiều triển lãm danh tiếng và được sưu tập rộng rãi trong nước cũng như quốc tế.
Hội họa của Nguyễn Nghĩa Cương là một chuỗi dài hình sắc sảng khoái rộn ràng như chiếu chèo khai màn, như làng vào hội; xởi lởi bỗ bã như “Mẹ Đốp”, ngúng nguẩy lúng liếng như “Cô Mầu”, giễu nhại tự trào với các thành /định kiến trong đời sống và nghệ thuật như “Hề gậy, Hề mồi”.
Trong bối cảnh nghệ thuật đương thời Nguyễn Nghĩa Cương là nghệ sĩ có cảm thức sáng tạo rất phóng khoáng tự nhiên, tác phẩm thấm đẫm đặc sắc văn hóa làng và có phong cách tạo hình riêng biệt.
Nguyễn Nghĩa Dậu là họa sĩ chuyên sáng tác với chất liệu sơn mài truyền thống, là giảng viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam, hội họa của ông là là sự kết hợp của phương pháp bài bản kinh điển và cảm hứng sáng tạo hiện đại.
Từng thành công với các tác phẩm phong cảnh miền núi, làng quê Bắc Bộ, tranh sơn mài thời gian gần đây của Nguyễn Nghĩa Dậu hướng tới các bố cục hiện đại, tập trung sự tinh xảo trong kỹ thuật sơn mài vào hình thế các loài hoa cỏ; tạo ấn tượng thị giác mạnh bằng tương phản hình – nền, giữa mảng lớn ít độ chênh về sắc của nền với những chi tiết biểu tả sự tinh tế của ánh sáng và sự phức tạp hoa mỹ của cấu trúc hình thể.
Nguyễn Khắc Hân, nghệ sĩ tự do, là họa sĩ đồ họa từng nhận nhiều giải thưởng lớn của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm khắc, có thái độ quyết liệt, có tinh thần đồng cảm sâu sắc với những mất mát hữu hình, vô hình trong đề tài phản biện các bất cập thời đại.
Tác phẩm của Nguyễn Khắc Hân chứa đựng những trăn trở của hình tượng nghệ thuật, các biểu tượng, ánh sáng, hình thể được tạo ra kỹ lưỡng một cách đáng kinh ngạc bằng kỹ thuật in nổi, in lõm đen trắng hết sức công phu.
Nguyễn Văn Hưng, nghệ sĩ tự do, tham gia triển lãm Kinh Bắc Art với các tác phẩm hội họa phong cảnh phong cách hiện thực. Anh có khả năng biểu cảm màu sắc và chiều sâu không gian lớp cảnh cũng như ấn tượng của ánh sáng.
Tranh phong cảnh của Nguyễn Văn Hưng tình cảm bình dị, dễ đồng cảm như người xa quê chợt bồi hồi trước nếp nhà tranh ẩn sau bụi chuối, trước vạt nắng hanh đầu hồi vắng bóng người sau khuôn cửa.
Vũ Bình Minh, giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội, là nhà điêu khắc có thể tạo ra những bất ngờ từ chất liệu kim loại. Gây ấn tượng mạnh tại không gian Đại Lải năm 2017 bằng tác phẩm “Mây mùa hạ” khổng lồ (dài 90m, cao 5m, nặng 28 tấn) tạo bởi các khối sắt cuộn, hiện tại Vũ Bình Minh đã có nhiều tác phẩm kích thước vừa và nhỏ khai thác biến thể tạo hình của các đám mây và cơn mưa bằng kim loại.
Gần đây nhất, tác phẩm của Vũ Bình Minh xuất hiện trong trại điêu khắc quốc tế lớn ở Trung Quốc, giữa hoang mạc mênh mông hiện ra một cơn mưa rào tạo bởi hàng chục tấn kim loại - một ấn tượng sửng sốt về khả năng công nghệ và trí tượng của con người. Sức sáng tạo của Vũ Bình Minh cho thấy anh còn có thể tạo ra nhiều bất ngờ hấp dẫn với chất liệu kim loại.
Nguyễn Minh Nam, nghệ sĩ tự do, là người tạo ra các tác phẩm hội họa “xuyên thời gian”, ông có thể chồng các lớp hình trong suốt từ nền vải vẽ lên lớp sơn sau cùng, vừa là phương pháp tạo hình, vừa là ý tưởng /concept sáng tạo. Hội họa của Nguyễn Minh Nam bày tỏ một cách nhìn ý nhị, một câu hỏi kín đáo về sự khuyết thiếu truyền thống?
Sự đối kháng, bất toàn, phù phiếm của những giá trị mới, thẩm mỹ mới? Những mâu thuẫn cố tình giữa sự dư thừa các yếu tố trang trí rực rỡ và màu sắc ảm đạm của các hình ảnh lịch sử đã tạo ra phong vị riêng của Nguyễn Minh Nam giữa các nghệ sĩ cùng có phong cách pop art.
Nguyễn Thanh, nghệ sĩ tự do, trưng bày trong triển lãm Kinh Bắc Art những tác phẩm hội họa có phong cách đặc biệt, ấn tượng đầu tiên khi xem tranh của Nguyễn Thanh là mật độ các họa tiết trang trí sặc sỡ dày đặc như cách các thổ dân làm đẹp hay trang trí đồ vật.
Các họa tiết kỳ dị như các lớp tế bào hay ổ ký sinh trùng phóng to dưới kính hiển vi lấp đầy các mảng hình chia xẻ ngang dọc; những kết hợp phi lý của các họa tiết bạch tuộc, sâu bọ, hoa hồng không thể giải thích về logic hình ảnh. Có lẽ hình ảnh áo comple và bàn tay người là những tín hiệu dẫn dắt tới nội dung tác phẩm, một cách nhìn hoài nghi, phê phán, dị ứng về con người /xã hội hiện đại?...
Nguyễn Văn Thuật là họa sĩ chuyên sáng tác bằng chất liệu sơn mài, ông là chuyên viên của Trung tâm bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – nơi ông có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu về chất liệu và lịch sử mỹ thuật.
Những tác phẩm trong giai đoạn 5 năm trở lại đây của Nguyễn Văn Thuật là sự kết hợp các yếu tố trang trí và biểu diễn hình thể, ông trộn các tư thế nhào lộn phi trọng lực của nữ vũ công trong một không gian tràn ngập hoa cỏ, nhấn mạnh các chi tiết diễn hình và đơn giản hóa các mảng hình nền, chú trọng hiệu quả chất cảm và hòa sắc. Không đặt vấn đề nội dung trong tác phẩm, hội họa sơn mài của Nguyễn Văn Thuật hấp dẫn thị giác bằng phong cách riêng.