Chân dung nghi phạm vụ lộ tài liệu an ninh mật của Mỹ
Đặc vụ Mỹ vừa bắt giữ một binh sĩ Vệ binh Quốc gia được cho là nghi phạm chính đằng sau vụ rò rỉ hàng trăm trang tài liệu an ninh mật.
Ngày 13-4 (giờ địa phương), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Merrick Garland ra thông báo xác nhận các đặc vụ thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ Jack Teixeira (21 tuổi, một binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia). Người này là nghi can chính trong vụ rò rỉ hàng trăm trang tài liệu an ninh mật gây rúng động nước Mỹ thời gian qua.
Jack Teixeira là ai?
Nghi phạm tên đầy đủ là Jack Douglas Teixeira, được tờ The New York Times xác định là một thành viên đơn vị tình báo số 102 thuộc lực lượng Vệ binh Không quân đóng tại bán đảo Cape Cod, bang Massachusetts.
Một trong những người bạn của Teixeira mô tả nghi phạm là một người thông minh, yêu nước và là một người Công giáo sùng đạo, có niềm đam mê với súng đạn. “Teixeira là một người thông minh. Anh ta tất nhiên biết rõ mình đang làm gì khi đăng những tài liệu đó. Đây không phải là những vụ rò rỉ vô ý dưới bất kỳ hình thức nào” - người này nhấn mạnh.
Điều tra lý lịch cho thấy Teixeira xuất thân từ một gia đình có truyền thống quân ngũ. Tờ Cape Cod Times cho biết cha dượng của Teixeira từng phục vụ 34 năm tại chính căn cứ mà hiện Teixeira đang làm việc. Anh trai kế của người này cũng đang làm việc ở đó. Mẹ của Teixeira mở tiệm bán hoa gần đó.
Mẹ của Teixeira xác nhận con trai bà là binh sĩ Vệ binh Không quân và cho biết Teixeira gần đây thường xuyên làm đêm tại căn cứ. Bà còn cho hay vài ngày qua, nghi phạm đã đổi số điện thoại.
Ở đơn vị tình báo số 102, công việc cụ thể của Teixeira chủ yếu liên quan đến “hệ thống truyền thông mạng”, gồm bảo trì hệ thống cáp và trung tâm dữ liệu của mạng truyền thông quân sự. Với vị trí này, một quan chức quốc phòng giấu tên cho biết Teixeira được cấp quyền bảo mật cao hơn so với một binh sĩ mới nhập ngũ. Trên thực tế bản thân Teixeira cũng chưa tại ngũ lâu, bởi trang Facebook chính thức của đơn vị tình báo số 102 có đăng thông tin kèm ảnh người này và một số binh sĩ khác mới được thăng lên hàm binh nhất hồi tháng 7 năm ngoái.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết khi vào quân đội Mỹ, tùy vào cấp bậc, binh sĩ sẽ được cấp quyền an ninh phù hợp. Khi làm trong đơn vị tình báo, để cấp quyền an ninh, binh sĩ sẽ được kiểm tra cẩn thận. Mỗi binh sĩ sau khi được cấp quyền an ninh đều ký một thỏa thuận không tiết lộ (NDA) và được đào tạo về cách xử lý tài liệu mật. Do đó, việc rò rỉ lần này là “một hành vi tội phạm có chủ ý, vi phạm các nguyên tắc được đào tạo”.
Mỗi binh sĩ sau khi được cấp quyền an ninh đều ký một thỏa thuận không tiết lộ (NDA) và được đào tạo về cách xử lý tài liệu mật. Do đó, việc rò rỉ lần này là “một hành vi tội phạm có chủ ý, vi phạm các nguyên tắc được đào tạo”.
Jack Teixeira làm rò rỉ thông tin ra sao?
Về cách thức mà Teixeira làm rò rỉ các tài liệu mật, tờ The Washington Post cho biết nghi phạm được cho là một thành viên rất tích cực của một nhóm gồm 24 người mang tên Thug Shaker Central trên mạng xã hội Discord. Nhóm này được thành lập vào khoảng giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, thành viên chủ yếu là những thanh niên bàn về súng và các chủ đề quân sự khác. Một số là công dân Mỹ nhưng cũng có những thành viên đến từ quốc gia khác.
Lợi dụng quyền hạn được cấp, Teixeira được cho là đã bắt đầu chia sẻ các tài liệu tuyệt mật từ nhiều tháng trước, đầu tiên là bản gõ tay các chi tiết nhạy cảm và sau đó chia sẻ trực tiếp ảnh chụp của các tài liệu. Những bức ảnh sau đó bị các thành viên trong nhóm Thug Shaker Central chia sẻ ra các nhóm Discord khác, trước khi phát tán ra những nền tảng lớn hơn như Twitter và 4chan. Dù không biết chính xác số lượng tài liệu nhưng ước tính có hơn 300 trang tài liệu mật bị rò rỉ theo đường này.
Một trong những thành viên của nhóm Thug Shaker Central tiết lộ rằng một trong những cuộc trò chuyện gần đây nhất, Teixeira tỏ ra hoảng loạn về vụ rò rỉ. “Tôi không bao giờ muốn nó trở nên như thế này. Tôi đã cầu nguyện với Chúa rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Và tôi cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện. Chỉ có Chúa mới có thể quyết định điều gì sẽ xảy ra kể từ giờ trở đi” - nội dung được cho là một đoạn tin nhắn của Teixeira.
Trong tin nhắn cuối cùng gửi vào nhóm, Teixeira đã dặn các thành viên “giữ kín và xóa bất kỳ thông tin nào có thể liên quan đến anh ta”.
Thành viên này cũng cho biết Teixeira thực sự không có ý đồ chính trị nào, mà chỉ khoe tài liệu với những người trong nhóm. Nghi phạm cũng chỉ muốn các tài liệu này được chia sẻ nội bộ trong nhóm, chứ không chủ đích muốn các tài liệu này lộ ra ngoài.
“OG (tên gọi mà Jack Teixeira sử dụng trên Discord) thường sẽ giảng giải cho chúng tôi về các vấn đề quốc tế và hoạt động bí mật của chính quyền Mỹ. Anh này theo Công giáo, có quan điểm phản chiến (ở Ukraine) và chỉ muốn cho chúng tôi biết những thông tin đang diễn ra ở đó. Chúng tôi có một số người trong nhóm đang sống ở Ukraine. Chúng tôi chỉ thích chơi trò chơi điện tử về chiến tranh” - bạn của Teixeira cho hay.
Theo bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ, Jack Teixeira có phiên trình diện đầu tiên trước tòa án liên bang ở TP Boston, bang Massachusetts vào ngày 14-4 (giờ địa phương). Quá trình điều tra nghi phạm hiện vẫn đang được FBI tiến hành với sự phối hợp chặt chẽ của quân đội Mỹ.
Jack Teixeira sẽ bị xử lý ra sao?
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Merrick Garland, nghi phạm nhiều khả năng sẽ bị buộc tội di chuyển hoặc phát tán trái phép thông tin mật về quốc phòng, một tội danh chiếu theo Đạo luật Gián điệp.
Vẫn chưa rõ hình phạt mà Teixeira sẽ phải đối mặt nếu bị kết án nhưng cựu công tố viên Brandon Van Grack nhận định nghi phạm có thể phải ngồi tù tới 10 năm, ngay cả khi Teixeira không có chủ đích rò rỉ tài liệu mật. Bất kỳ bản án nào sẽ phụ thuộc vào số lượng tội danh mà bị cáo bị kết án.•
Nhìn lại những vụ rò rỉ tình báo lớn nhất của Mỹ
Một trong những lời chỉ trích hướng về phía chính quyền Mỹ nhiều nhất thời gian qua là việc tại sao Washington vẫn để rò rỉ thông tin khi Mỹ đã từng xảy ra hàng loạt vụ rò rỉ chấn động khác liên quan đến thông tin an ninh nhạy cảm.
Vào năm 2013, Edward Snowden, một nhân viên làm việc trong Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), đã tiết lộ hàng ngàn trang tài liệu mật về việc chính quyền Mỹ bí mật theo dõi hàng triệu người dân nước này. Theo đó, chương trình giám sát người dân bắt đầu sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9 khi giới chức Mỹ nhận thấy cần phải tăng cường các chương trình an ninh và hoạt động giám sát để tìm ra các mối đe dọa tội phạm và khủng bố tiềm tàng. Tuy nhiên, những thông tin mà Snowden tiết lộ cho thấy chính phủ Mỹ đang thu thập cả thông tin từ những công dân bình thường, chứ không chỉ thông tin về các mối đe dọa khủng bố tiềm tàng.
Các tiết lộ của Snowden cũng cho thấy Mỹ có cả các chương trình do thám các chính quyền, đơn cử là tại một số văn phòng của Liên minh châu Âu (EU) và ít nhất 38 đại sứ quán nước ngoài.
Quay ngược về năm 2010, tổ chức WikiLeaks do Julian Assange thành lập đã tiết lộ một kho tài liệu quân sự khổng lồ, trong đó mô tả chi tiết các hành động của Mỹ và lực lượng liên quân trong cuộc chiến tranh Iraq từ năm 2004 đến 2009. Các thông tin rò rỉ gồm gần 400.000 báo cáo do những binh sĩ làm nhiệm vụ ở Iraq ghi lại. Một số tài liệu tiết lộ con số thường dân thiệt mạng lên tới hàng chục ngàn người, trong khi một số khác tố cáo các vụ lạm dụng tù binh chiến tranh nghiêm trọng của nhiều binh sĩ liên minh ở nhà tù Abu Ghraib. Vụ rò rỉ đã lập tức khiến sự ủng hộ của dư luận Mỹ vào chiến dịch can thiệp Iraq, dẫn tới việc tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama tuyên bố rút quân vào năm 2011.
Vào năm 1971, một nhân viên phân tích của RAND Corporation (RAND Corporation) là Daniel Ellsberg đã bí mật sao chụp hàng ngàn trang tài liệu tối mật của Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam và tuồn ra ngoài cho tờ The New York Times. Các tài liệu nêu chi tiết các quyết định và cân nhắc về chính sách của Mỹ từ năm 1945 đến 1967, cho thấy các đời tổng thống Mỹ như Harry Truman, Dwight Eisenhower, John Kennedy và Lyndon Johnson đã ngấm ngầm và công khai đẩy mạnh cuộc chiến này ra sao.
Vụ việc cũng dẫn đến một trong những cuộc chiến lớn nhất giữa chính quyền liên bang và báo chí với việc Bộ Tư pháp Mỹ ban lệnh cấm báo chí đăng các báo cáo bị lộ trong ba tháng trước khi hủy lệnh.
Nguồn PLO: https://plo.vn/chan-dung-nghi-pham-vu-lo-tai-lieu-an-ninh-mat-cua-my-post728868.html