Chân dung người thầy đáng quý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cụ Võ Liêm Sơn là thầy dạy của các nhà cách mạng Trần Phú, Hà Huy Tập, Tạ Quang Bửu, Võ Nguyên Giáp...

Cụ Võ Liêm Sơn là một nhà giáo yêu nước có tư tưởng tiến bộ. Trong những năm tháng làm việc tại Quốc học Huế, cụ đã truyền lòng yêu nước cho nhiều thế hệ học sinh tại ngôi trường này. Cụ là thầy dạy của các nhà cách mạng Trần Phú, Hà Huy Tập, Tạ Quang Bửu, Võ Nguyên Giáp...

Hai năm, hai học vị

Võ Liêm Sơn quê ở xã Hữu Ngoại, huyện Thiên Lộc, nay là xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Quê hương ông nằm sát dưới chân núi Hồng Lĩnh. Đây cũng là vùng quê có nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du và xa hơn một chút là nhà thơ Nôm nổi tiếng Nguyễn Huy Tự.

Võ Liêm Sơn sinh ngày 8/9/1888, tức ngày 7 tháng bảy năm Mậu Tý. Thân sinh ông là Võ Kiều Sơn, đậu tú tài, từng giữ chức bang biện thời nhà Nguyễn, sau đó tham gia tích cực trong phong trào Cần Vương ở quê nhà. Năm 1905, Võ Liêm Sơn vào Huế cùng với gia đình và theo học ở trường Quốc học, cùng học với Võ Liêm Sơn có các ông Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành, Lê Đình Thám...

Tại đây, Võ Liêm Sơn đã tham gia phong trào chống thuế, đòi quyền sống cùng với nhân dân và các bạn học của mình. Năm 1911, Võ Liêm Sơn thi đậu thành chung và năm sau ông thi đậu cử nhân Hán học. Như vậy, trong hai năm, ông đã tốt nghiệp hai học vị với hai ngôn ngữ khác nhau, hai vốn văn hóa và kiến thức bổ trợ cho nhau. Đây là một trường hợp đặc biệt hiếm thấy, chứng tỏ Võ Liêm Sơn là một người thông minh học rộng.

 Bia tưởng niệm thầy Võ Liêm Sơn tại phường Trường An - Thừa Thiên - Huế.

Bia tưởng niệm thầy Võ Liêm Sơn tại phường Trường An - Thừa Thiên - Huế.

Người truyền bá tư tưởng cách mạng đầu tiên cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau khi ra trường ông được bổ nhiệm làm tri huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, thời gian chưa được một năm, ông bị huyền chức chuyển về làm thừa biện ở Huế, vì Võ Liêm Sơn chống lại tên thương chính người Pháp và phản đối tổng đốc Quảng Nam ăn hối lộ, bao che cho kẻ làm bậy. Rời Quảng Nam, nhân dân ở đây rất tiếc nuối về đức độ của một ông quan thanh liêm, thương yêu dân chúng. Nhân dân đã tặng ông đôi câu đối:

Tân chính trị diệc tân giáo dục gia, Hồng Lạc tứ thiên niên Tổ quốc chi hậu.

Chân học vấn tức chân sự nghiệp giả, Hy Giang lục bách thanh lương lệnh như kim.

(Nghĩa là: Nhà chính trị mới, cũng là nhà giáo dục mới, nước Hồng Lạc bốn nghìn năm nay mới có một người.

Tày học vấn chân chính, cũng tày sự nghiệp chân chính, huyện Duy Xuyên (Hy Giang) lại có ông quan tốt).

Những năm sau đó Võ Liêm Sơn chuyên hoạt động ở lĩnh vực giáo dục. Năm 1914, Võ Liêm Sơn được bổ dụng làm giáo thụ huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Năm 1915, ông làm huấn đạo tỉnh Ninh Thuận. Năm 1918 - 1919 làm kiểm học tỉnh Phú Yên.

Năm 1919, chế độ khoa cử của triều đại phong kiến chấm dứt, Võ Liêm Sơn được bổ làm giáo sư Hán văn và quốc văn trường Quốc học Huế. Ông là người học rộng, đọc nhiều tân thư kể cả sách viết về chủ nghĩa Mác - Lênin, nên khi dạy ở Quốc học, Võ Liêm Sơn đã tuyên truyền chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa yêu nước chân chính cho tầng lớp học sinh. Học trò của thầy Võ Liêm Sơn có Trần Phú, Đào Duy Anh, Trương Tấn Bửu, Hà Huy Tập, Tạ Quang Bửu, Võ Nguyên Giáp...

Võ Liêm Sơn đã truyền thụ lòng yêu nước cho học sinh qua những bài giảng trên lớp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này đã từng viết: "Cụ Võ là người truyền bá tư tưởng Cách mạng đầu tiên cho tôi, là người đầu tiên giới thiệu cho tôi cuốn sách trình bày khái lược về chủ nghĩa Mác".

Tất Đạt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/can-dung-nguoi-thay-dang-quy-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-373570.html