Chân dung những điệp viên hoàn hảo

Để tạo nên những mốc son trong lịch sử dân tộc, không chỉ có công lao của chiến sĩ ngoài mặt trận mà còn có cả đóng góp của những chiến sĩ tình báo thầm lặng, mưu lược.

Vì tính chất bí mật của hoạt động tình báo mà lâu nay chúng ta ít được biết tới câu chuyện người thật việc thật của các nhà tình báo. Ngay cả khi đã hoàn thành nhiệm vụ và về hưu thì phần lớn các nhà tình báo vẫn chọn một cuộc sống thầm lặng, thậm chí không muốn tiết lộ bất cứ điều gì về nghiệp vụ của mình.

Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng

Thiếu tướng Đặng Trần Đức (hay còn gọi là ông Ba Quốc) là một người như thế. Suốt mấy mươi năm hoạt động trong lòng địch, nhà tình báo lỗi lạc này đã thực hiện nhiều điệp vụ khó khăn: sự kiện giải cứu Bí thư Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng bí thư Đảng) và 9 đặc khu ủy viên Sài Gòn - Gia Định thoát khỏi sự truy bắt của mật vụ; cứu ông hoàng Norodom Sihanouk thoát chết trong một vụ ám sát; xóa sạch các ổ gián điệp mà đối phương cài ở miền Bắc; phát hiện nhiều kẻ phản bội trong hàng ngũ của ta…

 Sách Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng.

Sách Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng.

Tuy có rất nhiều “điệp vụ siêu hạng” như vậy nhưng ông rất ít khi kể ra. Với mong muốn ghi dấu và vinh danh nhà tình báo thầm lặng này, nhà báo Hoàng Hải Vân và Tấn Tú đã nhờ thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh "bảo lãnh" để có thể phỏng vấn trực tiếp và ghi lại câu chuyện của ông Ba Quốc. Đồng thời, hai tác giả còn phải hỏi thăm rất nhiều người liên quan đến ông để có thể khắc họa đủ đầy chân dung của nhà tình báo tài ba này.

Cuốn sách Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng hé lộ cho bạn đọc nhiều bí mật từng được giấu kín trong quãng thời gian hoạt động tình báo đầy nguy hiểm của nhà tình báo, thiếu tướng Đặng Trần Đức.

Thông qua 36 câu chuyện, Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng không chỉ cung cấp cho bạn đọc góc nhìn về những nghiệp vụ tình báo mà còn chứa đựng nhiều bài học giá trị về cách đối nhân xử thế, quan điểm và thái độ sống mà chúng ta nên học hỏi.

Bên cạnh đó, tám bài viết kể về những hoạt động sau năm 1975 của thiếu tướng Đặng Trần Đức còn là những di sản vô giá trong kho tàng khoa học quân sự - chính trị Việt Nam mà ông và các bậc tiền nhân đã truyền lại cho thế hệ sau.

Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời

Cho tới nay, đông đảo công chúng đều biết về thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, có các biệt danh là X6, Trần Văn Trung hay Hai Trung. Nhưng trước đó, không nhiều người biết về vị tướng tình báo bí ẩn này.

 Sách Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời. Ảnh: Tâm Anh.

Sách Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời. Ảnh: Tâm Anh.

Sau 10 năm tiếp xúc với vị tướng tình báo, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải cho ra mắt cuốn sách Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời. Tác giả Ngọc Hải từng chia sẻ bà không viết về Phạm Xuân Ẩn theo cách chuẩn xác của những điệp vụ, càng không muốn liệt kê theo các bản khai lý lịch đơn thuần. Tác giả muốn tìm ra cái chất “người Việt thầm lặng” trong con người vị tướng tình báo.

Bà viết cuốn sách với mong muốn "mọi người Việt Nam đón lấy những gì dịu dàng nhất, can đảm nhất, yêu thương con người nhất, từ cuộc đời của một con người cao gầy, mỏng manh như cây sậy. Sức mạnh của con người được lấy từ mỏ năng lượng quý báu và thần diệu nào đã ban cho? Cuốn sách là một phần chân dung để chúng ta tự hiểu hình ảnh người Việt cao quý giống như chúng ta đang vẽ ra bản đồ của một tâm hồn”.

Sau cuốn sách của bà Ngọc Hải, nhiều công trình nghiên cứu về con người, chiến công của ông Phạm Xuân Ẩn đã ra đời.

Điệp viên hoàn hảo X6

Phạm Xuân Ẩn là một cái tên chứa biết bao điều bí ẩn, không chỉ với người Việt Nam, mà còn đối với nhiều chính khách lẫn báo chí thế giới, đặc biệt là báo chí Mỹ. Người ta thường bình luận, phỏng đoán hoặc tranh cãi về cuộc đời của ông với một thắc mắc chung, rằng làm thế nào để Phạm Xuân Ẩn có thể sống trọn vẹn cả hai cuộc đời, giữa một nhà báo Phạm Xuân Ẩn của tờ Times và một chiến sĩ tình báo Phạm Xuân Ẩn?

 Sách Điệp viên hoàn hảo X6.

Sách Điệp viên hoàn hảo X6.

Điệp viên hoàn hảo X6 là cuốn sách trả lời cho câu hỏi đó. Trong gần 400 trang sách, tác giả Larry Berman - nhà sử học, giáo sư Chính trị học (thuộc Đại học California), và là một chuyên gia nghiên cứu về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ - đã tái hiện cuộc đời phi thường nhưng cũng lắm hiểm nguy của điệp viên Phạm Xuân Ẩn (bí danh X6) thuộc cụm tình báo H63.

Larry Berman là người Mỹ duy nhất được Phạm Xuân Ẩn tin tưởng kể lại những bí mật trong hoạt động tình báo chưa từng công bố và giao trọng trách chấp bút cho cuốn sách về cuộc đời của mình.

Cuốn sách không chỉ hé lộ nhiều bí mật về con người và sự nghiệp của một nhà tình báo vĩ đại, tài năng mà còn lý giải vì sao Phạm Xuân Ẩn luôn được mọi người yêu mến, không chỉ đối với đồng bào Việt Nam mà còn được nhiều người Mỹ khâm phục, kính trọng.

Điệp viên hoàn hảo X6 là một trong số ít những cuốn sách viết về các nhà tình báo Việt Nam. Thông qua cuốn sách, độc giả không chỉ được tiếp cận giai đoạn đáng nhớ của lịch sử mà còn được dẫn dắt vào những tầng sâu hơn để hiểu về những khó khăn, tinh thần bất khuất, dũng cảm và yêu nước của những người làm tình báo.

Một người Việt trầm lặng

Nếu với tác giả Larry Berman, Phạm Xuân Ẩn là một “điệp viên hoàn hảo” (Perfect Spy) thì nhà báo người Pháp Jean-Claude Pomonti, đồng nghiệp của Phạm Xuân Ẩn trong chiến tranh Việt Nam, gọi ông là “Một người Việt trầm lặng” (A Quiet Vietnamese) - đây cũng là tên một cuốn sách khác viết về Phạm Xuân Ẩn.

 Sách Một người Việt trầm lặng.

Sách Một người Việt trầm lặng.

Một người Việt trầm lặng không phải là một cuốn sách nghiên cứu phức tạp về Phạm Xuân Ẩn mà chỉ đơn thuần là những trang viết được thể hiện dưới góc độ của một nhà báo, pha trộn giữa trải nghiệm và hồi ức.

Jean-Claude Pomonti là một nhà báo Pháp từng làm việc tại Sài Gòn trong những thời điểm khốc liệt của cuộc chiến nên ông luôn có nhiều chất liệu thực tế để đưa vào trang viết. Tác giả dẫn dắt người đọc đi vào những điểm nhấn, khúc quanh quan trọng của bối cảnh và tiểu sử để làm tỏ tường hơn hai phương diện: nhân cách vĩ đại và sự nghiệp phi thường của điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn.

Trên những trang sách, cuộc đời và lý tưởng của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn hiện lên một cách sống động và chi tiết dựa trên bối cảnh “dầu sôi lửa bỏng” của thời cuộc. Không chỉ vậy, sự nhân ái, thành tín với bạn bè, đồng nghiệp không phân biệt chiến tuyến của ông cũng được đặc tả khá chi tiết.

Do vậy, độc giả có cảm tưởng như đang xem bộ phim hành động ly kỳ về một điệp viên được cài cắm vào phía bên kia chiến tuyến để thu thập và cung cấp cho chính quyền Hà Nội rất nhiều thông tin quý giá.

Minh Đức

Nguồn Znews: https://znews.vn/chan-dung-nhung-diep-vien-hoan-hao-post1473135.html