Chân dung những nhà khoa học Việt được quốc tế vinh danh năm 2024

Năm 2024, các nhà khoa học Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trên trường quốc tế với những giải thưởng danh giá và thành tựu nghiên cứu đáng tự hào.

4 nhà khoa học Việt được vinh danh 'ngôi sao mới nổi xuất sắc' năm 2024

Tháng 8/2024, Trang Research.com công bố kết quả xếp hạng các nhà khoa học có thành tích xuất sắc. Theo đó Việt Nam có 6 nhà khoa học được gọi tên, gồm 4 người trong nước và 2 người nước ngoài đang giảng dạy tại các trường đại học. 4 nhà khoa học đó làTS Trần Nguyễn Hải, TS Thái Hoàng Chiến, TS Hoàng Nhật Đức, TS Phùng Văn Phúc.

TS Trần Nguyễn Hải đã có nhiều bài báo khoa học đượccông bố trên các tạp chí quốc tế uy tín với chỉ số trích dẫn cao. Số lượng các bài báo thuộc hạng Q1 của TS Hải trong lĩnh vực Khoa học Môi trường theo WoS chiếm trên 70% và chỉ số trích dẫn hơn 8.500 lần (theo cơ sở dữ liệu của Google Scholar).

TS Thái Hoàng Chiến, trường Đại học Tôn Đức Thắng, xếp hạng 771. Anh là thành viên của nhóm Cơ học tính toán (DCM), một trong những nhóm nghiên cứu đầu tiên tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng. TS Chiến đã công bố gần 100 công trình nghiên cứu, trong đó có nhiều bài trên các tạp chí ISI.

TS Phùng Văn Phúc, Đại học Công nghệ TP HCM, xếp hạng 859. Anh là nhà khoa học thuộc top 1% thế giới chuyên ngành Cơ khí và hàng không vũ trụ.

TS Hoàng Nhật Đức, trường Đại học Duy Tân, xếp hạng 776. Anh là nhà khoa học trẻ tại Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao (IRD), trường Đại học Duy Tân. Anh công bố hơn 120 công trình, bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó nhiều công trình thuộc danh mục ISI.

Nhà khoa học Việt Nam đầu tiên giành Giải thưởng TechWomen 100 của Anh

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Bá Linh, Đại học UCL (University College London) đã trở thành nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng TechWomen 100.

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Bá Linh giành giải thưởng nhờ những đóng góp trong nghiên cứu, phát triểncông nghệ y sinh tiên tiến, cách mạng hóa kỹ thuật tái tạo mô và chữa lành vết thương.

Cô cũng dẫn dắt nhiều dự án công nghệ sinh học quan trọng, gồm công nghệ vật liêụtái tạo xươngvà da.

Được khởi xướng từ năm 2017, TechWomen 100 là giải thưởng đầu tiên tại Anh tôn vinh và ghi nhận những đóng góp, thành tựu xuất sắc của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ.

Giải thưởng này nhằm tìm kiếm những tài năng đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời tạo ra hệ sinh thái trong đó những phụ nữ làm công nghệ kết nối và hỗ trợ lẫn nhau.

Người Việt đầu tiên đoạt giải thưởng thiên văn quốc tế Đài Loan

PGS.TS. Hoàng Chí Thiêm, 45 tuổi, đoạt Giải thưởng bài giảng cho nhà thiên văn học trẻ toàn thế giới do Đại học Trung ương Đài Loan và Tập đoàn điện tử Delta tặng.

PGS. Thiêm hiện làm việc tại Viện nghiên cứu khoa học thiên văn vũ trụ Hàn Quốc và Đại học khoa học công nghệ Hàn Quốc. Ông là người Việt đầu tiên, đồng thời là người thứ 4 đang làm việc ở châu Á đoạt giải thưởng này.

Giải thưởng bài giảng dành cho nhà thiên văn học trẻ (NCU-DELTA Young Astronomer Lectureship Award) tổ chức hàng năm, bắt đầu từ 2012 dành cho 1 - 2 nhà khoa học dưới 45 tuổi, không phân biệt quốc tịch, sắc tộc. Giải thưởng do Hội đồng quốc tế gồm các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực thiên văn và vật lý thiên văn đề cử, đánh giá và lựa chọn trao tặng.

Ủy ban giải thưởng đánh giá PGS Thiêm có nền tảng học thuật sâu và kinh nghiệm nghiên cứu phong phú. Ông đạt được nhiều thành tựu xuất sắc trong các lĩnh vực như bụi vũ trụ, sự ra đời của các ngôi sao và quá trình hình thành hành tinh. Nghiên cứu của ông đã làm sâu sắc thêm hiểu biết của cộng đồng về vật chất liên sao và sự tiến hóa của các hệ hành tinh trong vũ trụ, đồng thời có đóng góp quan trọng trong nghiên cứu về nền vũ trụ vi sóng.

Các nghiên cứu của PGS Thiêm và cộng sự đã góp phần giải quyết vấn đề lớn trong vật lý thiên văn đã tồn tại gần 70 năm, đó là quá trình định hướng của các hạt bụi trong môi trường liên sao gây ra hiện tượng phân cực của ánh sáng từ các ngôi sao xa xôi. Nhóm đã xây dựng thành công một lý thuyết định lượng thống nhất để mô tả và dự đoán sự định hướng của các hạt bụi trong từ trường, dựa trên mô-men xoắn bức xạ và sự hồi phục siêu từ tính. Từ lý thuyết này nhóm đã phát triển mô hình vật lý để mô phỏng sự phân cực ánh sáng do sự hấp thụ và phát xạ của bụi.

Các mô hình phân cực dựa trên vật lý của bụi do nhóm phát triển hiện là nền tảng cho việc sử dụng dữ liệu phân cực thu được từ các kính thiên văn hiện đại nhất thế giới như ALMA, SMA, JCMT, SOFIA và Planck để nghiên cứu vai trò của từ trường, bụi trong quá trình hình thành các ngôi sao, hành tinh và sự tiến hóa của thiên hà.

Theo Sở hữu trí tuệ

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/chan-dung-nhung-nha-khoa-hoc-viet-duoc-quoc-te-vinh-danh-nam-2024/20250105092059487