Chân dung ông Đặng Khắc Vỹ - Từ Ông chủ Mareven Food đến Chủ tịch ngân hàng VIB

Doanh nhân Đặng Khắc Vỹ là ai? Hành trình xây dựng sự nghiệp của vị đại gia này có đặc điểm gì nổi bật?

Doanh nhân Đặng Khắc Vỹ là ai?

Ông Đặng Khắc Vỹ sinh ngày 7/6/1968 tại Nghệ An, hiện tại đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Ông Vỹ được biết nhiều nhất trong kinh doanh với tư cách là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng Quốc tế VIB từ năm 2013. Ông tốt nghiệp Kỹ sư Mỏ địa chất tại Đại học Thăm dò địa chất Matxcova - Nga sau đó lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Học viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.

Chân dung ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB

Chân dung ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB

Quá trình công tác của ông Đặng Khắc Vỹ

Ông Đặng Khắc Vỹ là một trong những thành viên sáng lập Ngân hàng Quốc Tế Việt Nam (VIB). Vào ngày 16/10/2013, Ông được Đại hội đồng Cổ đông bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị và hiện giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị khóa VIII (2019 – 2023). Trước đó, ông Vỹ giữ vai trò là Ủy viên Hội đồng Quản trị từ khóa I đến khóa VI.

Ngoài nắm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIB, ông còn là thành viên sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Mareven Food Holding Limited – doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng hàng đầu tại các thị trường Đông Âu, Tây Âu.

Bên cạnh đó, ông Đặng Khắc Vỹ là Tiến sĩ Kinh tế, quản trị hoạt động kinh doanh tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại châu Á và châu Âu.

Ông chủ công ty sản xuất mì gói lớn nhất tại Nga - Mareven Food

Đối với doanh nghiệp Mareven Food có trụ sở tại Nga, ông Đặng Khắc Vỹ đảm nhiệm vai trò là người sáng lập kiêm vị trí chủ tịch. Mareven Food - công ty sản xuất mì ống và khoai tây nghiền lớn nhất xứ sở bạch dương, đồng thời cũng là một trong những tập đoàn lớn của người Việt tại nước ngoài.

Mareven Food được xem là doanh nghiệp đầu tiên tại Nga sản xuất mì ăn liền và hiện công ty này đang dẫn đầu thị trường với thương hiệu Rolton. Nhà máy Rolton của Mareven Food từng lọt vào top 50 thương hiệu nổi tiếng nhất tại Nga trong bảng xếp hạng do Forbes công bố.

Công ty sản xuất mì gói lớn nhất tại Nga - Mareven Food

Công ty sản xuất mì gói lớn nhất tại Nga - Mareven Food

Hiện nay, sản phẩm mì gói và khoai tây nghiền của Rolton đang được xuất khẩu đi 33 quốc gia khác trên thế giới.

Vào năm 2009, nhà sản xuất mì lớn nhất Nhật Bản là Nissin Foods Holdings đã chi ra 26,8 tỷ Yên (240 triệu USD) để mua lại 33,5% cổ phần của Công ty Angleside - đây là công ty con của Mareven Food).

Theo Nissin thì Mareven Food là nhà sản xuất mì gói lớn nhất nước Nga khi đó với doanh thu hàng năm đạt khoảng 270 triệu USD, lợi nhuận ròng khoảng 20 triệu USD/ năm.

Cơ ngơi tỷ USD của ‘đại gia Đông Âu’ Đặng Khắc Vỹ

Mặc dù là một trong những doanh nhân duy trì hoạt động kinh doanh chính tại thị trường Đông Âu nhưng ông Đặng Khắc Vỹ vẫn có sức ảnh hưởng lớn tại thị trường Việt với Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB).

Cùng với các doanh nhân nổi tiếng như: Ông Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Phạm Nhật Vượng, Ngô Chí Dũng, Nguyễn Cảnh Sơn,… thì ông Vỹ cũng nằm trong nhóm “đại gia Đông Âu”. Hầu hết doanh nhân kể trên đều đã chuyển hoạt động kinh doanh về Việt Nam nhưng ông Vỹ vẫn duy trì thị trường kinh doanh chính tại Nga.

Tại Việt Nam, vị doanh nhân này sớm gây dựng sự nghiệp khi tham gia sáng lập nhà băng VIB đồng thời là một trong những cổ đông lớn nhất tại đây. Tính đến cuối năm 2018, ông Vỹ là cổ đông cá nhân lớn nhất tại VIB khi sở hữu 4,99% vốn ngân hàng.

Người cầm cương dẫn dắt ngân hàng VIB

Ngoài bản thân sở hữu 4,99% vốn ngân hàng thì vợ và con trai ông Vỹ cũng đang nắm giữ lần lượt 4,94% và 4,98% ngân hàng VIB. Tổng cộng, gia đình vị doanh nhân họ Đặng này đang nắm giữ trực tiếp gần 15% vốn ngân hàng VIB.

Mặc dù nắm giữ phần vốn nhiều nhất ngân hàng nhưng từ khi VIB thành lập ông chỉ đảm nhiệm vai trò thành viên HĐQT và phải đến năm 2013 mới chính thức lên giữ chức chủ tịch.

Vào giai đoạn 2011 - 2013 thì tình hình tài chính của VIB có nhiều biến động khiến các chỉ số tụt giảm mạnh từ đó ngân hàng phải tiến hành cải tổ lại bộ máy nhân sự cấp cao cũng như thay đổi chiến lược kinh doanh.

Ngân hàng Quốc tế VIB

Ngân hàng Quốc tế VIB

Trước năm 2010, các chỉ số tài sản, huy động và cho vay của ngân hàng VIB liên tục tăng trưởng từ 50% cho đến trên 70%/năm. Nhưng đến năm 2011, chỉ tiêu tổng tài sản ngân hàng chỉ tăng 3,3%, dư nợ cho vay chỉ tăng 4,2%, lợi nhuận thu về cùng năm giảm chỉ còn 19%.

Đến năm 2012, tổng tài sản ngân hàng giảm tới 33% từ mức 95.950 tỷ đồng xuống còn 65.023 tỷ đồng. Tương tự thì hình thức cho vay và huy động vốn cũng giảm lần lượt 22% và 12%.

Việc suy giảm tài sản này nguyên nhân chính là ngân hàng phải cắt giảm 80% các hoạt động và số dư của thị trường liên ngân hàng. Một phần nữa là do nợ xấu khiến cho ngân hàng phải giảm quy mô tài sản.

Năm 2013, Ngân hàng VIB đã ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 81 tỷ đồng - mức lợi nhuận thấp nhất trong hàng chục năm kinh doanh. Đây cũng là năm hoạt động của VIB mức chạm đáy.

VIB hoạt động như thế nào kể từ năm 2013 dưới trướng ông Đặng Khắc Vỹ?

Sau hơn 2 năm tụt giảm mạnh về quy mô tài sản thì sau năm 2013, các chỉ số của VIB đã tăng trưởng trở lại. Đây cũng là giai đoạn nhà băng này có sự tăng trưởng mạnh nhất với các chỉ số tài chính và lợi nhuận tăng hai số mỗi năm.

Hiện tại, Nhà băng này thuộc nhóm ngân hàng tư nhân có quy mô tầm trung với tổng tài sản 175.658 tỷ đồng, mức tài sản này tương đương với các ngân hàng như HDBank, Lienvietpostbank, Eximbank, TPBank.

Trong 6 năm trở lại đây, VIB đã duy trì được đà tăng trưởng tài sản trung bình ở mức 15%/năm, cho vay và huy động vốn tăng lần lượt là 24% và 18%/năm. Từ năm 2016, ban lãnh đạo của nhà băng này cũng đề ra chiến lược chuyển đổi với tên gọi là VIB 2.0. Chính việc thay đổi chiến lược này đã giúp ngân hàng cải thiện được hiệu quả kinh doanh. Đến năm 2018, VIB ghi nhận doanh thu tăng 49%, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 95%.

VIB hoạt động dưới trướng ông Đặng Khắc Vỹ

VIB hoạt động dưới trướng ông Đặng Khắc Vỹ

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng VIB đã tiếp tục tăng trưởng với tổng tài sản là 26%, dư nợ khách hàng tăng 28%, huy động vốn tăng 34% thuộc nhóm cao nhất trên thị trường.

Trong quý 1/2021, VIB đã có kết quả kinh doanh khả quan với tổng doanh thu đạt 3.502 tỷ đồng, trong đó thu phí đạt 609 tỉ, chiếm 18% tổng doanh thu. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu trong quý 1/2021 là nhờ vào sự tăng trưởng quy mô và chất lượng của bảng tổng kết tài sản, song song với việc đa dạng hóa nguồn thu nhập phi tín dụng. Với chi phí hoạt động được tối ưu và duy trì ở mức 1.361 tỉ đồng và chi phí dự phòng 334 tỷ đồng, ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế 1.807 tỷ đồng, tăng 68% so với quý 1 năm 2020.

Xem thêm: Mua bán cổ phiếu “chui”, người nhà của 2 lãnh đạo ngân hàng VIB và Techcombank bị xử phạt

Tâm Phạm

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chan-dung-ong-dang-khac-vy-chu-tich-ngan-hang-vib-34274.html