Chân dung tỷ phú Mỹ liên quan đến hai sự cố công nghệ toàn cầu

George Kurtz đóng vai trò quan trọng trong hai sự cố công nghệ lớn. Tất cả đều liên quan đến bản cập nhật phần mềm bị lỗi.

Hôm 19/7, một phần thế giới đã đứng yên vì một trong những sự cố công nghệ ảnh hưởng diện rộng nhất mọi thời đại.

Sự cố "màn hình xanh" toàn cầu đã làm gián đoạn hoạt động tại các ngân hàng lớn, hãng hàng không, nhà bán lẻ và nhiều ngành khác sau khi CrowdStrike, gã khổng lồ về an ninh mạng được Microsoft và nhiều đơn vị khác sử dụng, đưa ra một bản cập nhật phần mềm bị lỗi.

CrowdStrike đã thừa nhận sai lầm, đưa ra lời xin lỗi và cách giải quyết vào ngày 19/7. Nhưng công ty vẫn chưa nêu chi tiết làm thế nào một bản cập nhật phần mềm bị lỗi có thể được phát hành rộng rãi, mà không bị ngăn chặn từ các vòng kiểm tra, chạy thử.

Sau vụ việc, Giám đốc điều hành CrowdStrike George Kurtz bị đổ lỗi và phải trả lời nhiều câu hỏi.

Hai sự cố công nghệ lớn

Nhà phân tích ngành công nghệ Anshel Sag chỉ ra rằng đây không phải là lần đầu tiên Kurtz đóng vai trò quan trọng trong một sự cố công nghệ quy mô lớn.

Ngày 21/4/2010, công ty công nghệ McAfee đã tung ra bản cập nhật cho phần mềm diệt virus được nhiều khách hàng doanh nghiệp sử dụng. Bản cập nhật đã xóa một file Windows quan trọng, khiến hàng triệu máy tính trên thế giới gặp sự cố và phải khởi động lại liên tục. Giống như lỗi CrowdStrike, sự cố McAfee yêu cầu khắc phục bằng cách thủ công.

Kurtz là giám đốc công nghệ của McAfee vào thời điểm đó. Nhiều tháng sau, Intel mua lại McAfee. Và một thời gian ngắn sau đó, Kurtz rời công ty. Ông thành lập CrowdStrike vào năm 2012 và giữ chức Giám đốc điều hành công ty kể từ đó.

 George Kurtz, CEO của CrowdStrike, liên quan đến hai sự cố công nghệ lớn.

George Kurtz, CEO của CrowdStrike, liên quan đến hai sự cố công nghệ lớn.

Sag viết trên X: "Đối với những ai chưa nhớ, vào năm 2010, McAfee đã gặp một trục trặc lớn với Windows XP, làm sập phần lớn Internet. Người từng là CTO của McAfee vào thời điểm đó hiện là CEO của CrowdStrike".

CrowdStrike đã chia sẻ các bài đăng nêu chi tiết vấn đề và cách khắc phục được đề xuất, nhưng không giải thích chi tiết về cách bản cập nhật lọt qua các vòng kiểm tra của công ty.

Công ty cho biết trong bài đăng: "Chúng tôi hiểu sự cố này và đang thực hiện phân tích nguyên nhân gốc rễ kỹ lưỡng để xác định xem lỗi đã xảy ra như thế nào. Nỗ lực này sẽ được tiếp tục. Chúng tôi cam kết xác định mọi cải tiến nền tảng hoặc quy trình làm việc có thể thực hiện để củng cố quy trình của mình".

Bản cập nhật CrowdStrike đã gây ra sự cố "màn hình xanh" hàng loạt, buộc các hãng hàng không, ngân hàng và đài phát thanh trên toàn cầu phải ngừng hoạt động. Sky NewsCBBC đã buộc phải ngừng phát sóng do trục trặc, trong khi sự cố này cũng ảnh hưởng đến các mạng lưới giao thông. Gần 1.400 chuyến bay đã bị hủy trên toàn thế giới cho đến nay.

Chân dung George Kurtz

Trang web Crowdstrike liệt kê Kurtz là "một chuyên gia an ninh, tác giả, doanh nhân và diễn giả được công nhận trên toàn thế giới".

Sinh ra ở Parsippany, New Jersey, doanh nhân công nghệ 59 tuổi này đã học kế toán tại Đại học Seton Hall. Sau khi tốt nghiệp đại học, Kurtz bắt đầu sự nghiệp của mình tại Price Waterhouse - hiện là PwC - với vai trò là kế toán viên, và là một trong những người đầu tiên được tuyển dụng vào nhóm an ninh của công ty.

Năm 1999, ông đồng sáng tác Hacking Exposed, một cuốn sách về an ninh mạng dành cho quản trị viên mạng, với Stuart McClure và Joel Scambray. Cuốn sách đã bán được hơn 600.000 bản và được dịch sang hơn 30 ngôn ngữ.

Vào tháng 10 cùng năm, Kurtz thành lập Foundstone, công ty sản phẩm bảo mật và phần mềm diệt virus toàn cầu, được mô tả là có "một trong những hoạt động ứng phó sự cố hàng đầu trong ngành". Ông giữ chức vụ CEO của công ty. Foundstone đã được McAfee mua lại vào tháng 10/2004 với giá 90 triệu USD.

 George Kurtz có tài sản ròng trị giá 2,9 tỷ USD.

George Kurtz có tài sản ròng trị giá 2,9 tỷ USD.

Tại McAfee, công ty bảo mật được định giá 2,5 tỷ USD, ông đảm nhiệm các chức vụ bao gồm Giám đốc công nghệ toàn cầu, Tổng giám đốc cũng như Phó chủ tịch điều hành doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Kurtz cảm thấy thất vọng vì phản ứng chậm chạp của McAfee trước "bản chất thay đổi của các mối đe dọa an ninh mạng", được nêu bật trong một sự cố trên máy bay năm 2011. Ông nhớ lại cảnh một hành khách mất 15 phút để tải xuống dịch vụ của công ty trên máy tính xách tay.

Phát biểu với Forbes năm 2020, ông cho biết: "Anh chàng đó đang nói chuyện với tiếp viên hàng không, anh ta đang đọc báo và làm tất cả những việc đó trong khi phần mềm đang hoạt động. Tôi chỉ ngồi đó và nghĩ: 'Trời ơi, mình là giám đốc công nghệ của công ty này và điều này thật tệ hại'".

Cùng với Dmitri Alperovitch, Kurtz đồng sáng lập CrowdStrike tại Irvine, California và chính thức ra mắt công ty vào tháng 2/2012. Alperovitch đã rời công ty.

Theo Forbes, Kurtz sở hữu khoảng 5% cổ phần trong CrowdStrike. Công ty đã ghi nhận doanh thu 2,24 tỷ USD trong năm tính đến tháng 1/2023.

Hôm 19/7, Kurtz đã xin lỗi "sâu sắc" tới tất cả những người bị ảnh hưởng bởi sự cố "màn hình xanh" và trấn an khách hàng rằng vấn đề này không phải là "sự cố bảo mật hoặc tấn công mạng".

Kurtz còn là một tay đua xe từng giành chiến thắng ở hạng LMP2 tại giải đua 24 giờ Le Mans năm 2019. CrowdStrike là "đối tác an ninh mạng chính thức" của đội đua Công thức 1 Mercedes-AMG Petronas, đội cũng bị ảnh hưởng bởi sự cố hôm 19/7.

Theo Forbes, tài sản theo thời gian thực của Kurtz hiện là 2,9 tỷ USD, giảm hơn 500 triệu USD, vì sự cố "màn hình xanh". Forbes sử dụng giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái để ước tính giá trị tài sản ròng. Cổ phiếu của Crowdstrike giảm gần 15% trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq ở New York vào ngày 19/7, xóa sổ khoảng 12,5 tỷ USD khỏi tổng giá trị của công ty.

Lê Vy

Ảnh: Bloomberg

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chan-dung-ty-phu-my-lien-quan-den-hai-su-co-cong-nghe-toan-cau-post1487433.html