Chặn đứng việc lạm quyền, thao túng công tác cán bộ
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ là vấn đề hết sức quan trọng, là công việc gốc của Đảng. Thế nhưng, bên cạnh những kết quả, công tác cán bộ còn không ít tồn tại, hạn chế, đặc biệt là tình trạng lạm quyền, thao túng công tác cán bộ đã xuất hiện, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ. Chặn đứng hiện tượng này chính là góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
1. Bản chất chế độ ta là chế độ xã hội chủ nghĩa, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; chủ thể kiểm soát quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Để kiểm soát quyền lực, ngăn chặn những biểu hiện lạm quyền, thao túng, vi phạm nguyên tắc không phải đến bây giờ mà trong suốt hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng đã tiến hành nhiều chủ trương, giải pháp. Tuy nhiên, những biểu hiện lộng quyền, lạm quyền, thao túng nói chung và trong công tác cán bộ nói riêng vẫn diễn ra. Vấn đề này đã được chỉ rõ trong nhiều văn kiện, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.
Phân tích kỹ tình hình, Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra thực trạng “tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”…
Thời gian qua, những biểu hiện lạm quyền, thao túng công tác cán bộ diễn ra ở nhiều nơi, ở mọi cấp, mọi ngành. Điển hình phải kể đến là trường hợp ông Lê Phước Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (nhiệm kỳ 2010-2015). Do có những biểu hiện ưu ái trong việc quy hoạch, điều động và bổ nhiệm con trai là Lê Phước Hoài Bảo, mặc dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm nguyên tắc công tác cán bộ, nên ông Lê Phước Thanh đã bị cách chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015.
Hay như trường hợp ông Bùi Ngọc Bảo, với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương (nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, ông Bảo cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã có hàng loạt các vi phạm. Một trong những sai phạm khiến ông Bùi Ngọc Bảo bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng là vi phạm nguyên tắc công tác cán bộ...
Tương tự là trường hợp ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng vì nhiều lý do, trong đó có quyết định chủ trương công tác cán bộ không đúng quy định, để xảy ra nhiều sai phạm trong thời gian dài; trực tiếp ký bổ nhiệm trên 30 trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn...
Đó chỉ là 3 trong số nhiều vụ việc bị “lộ sáng”, trong khi hành vi lạm quyền, thao túng công tác cán bộ diễn ra khá tinh vi, thường mang danh tập thể để che đậy cho hành vi sai trái… Hệ lụy của tình trạng lạm quyền, thao túng công tác cán bộ là rất lớn, rõ nhất là sinh ra tệ “chạy chức, chạy quyền”, thui chột tài năng, triệt tiêu động cơ phấn đấu của những cán bộ có phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực tốt... Đây cũng là lý do để các thế lực thù địch khai thác, khoét sâu chống phá, nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Thấy rõ tính chất, mức độ nguy hại của những sai phạm liên quan đến công tác cán bộ, trong nhiều văn kiện, Đảng ta đã chỉ rõ thực trạng, phân tích nguyên nhân và đề ra nhiều giải pháp ngăn chặn. Trong nhiệm kỳ khóa XII, nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định cụ thể về công tác cán bộ đã được ban hành. Đáng chú ý, ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TƯ về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Ngày 24-3-2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 71-KL/TƯ về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo thông báo Kết luận số 43-TB/TƯ ngày 28-12-2017 của Bộ Chính trị... Đặc biệt, trong chỉ đạo tiến hành các khâu, các bước để tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cùng với chuẩn bị văn kiện, Đảng rất coi trọng công tác chuẩn bị nhân sự.
2. Những gì mà Đảng ta đã và đang làm cho thấy một tinh thần trách nhiệm rất cao, thái độ nghiêm túc và quyết liệt trong chống lộng quyền, lạm quyền, thao túng công tác cán bộ. Điều đó càng được khẳng định rõ hơn trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị cán bộ toàn quốc tổ chức ngày 23-4-2020. Sau khi nêu rõ quan điểm "dưới có vững thì trên mới bền chắc được", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo: Phải lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài.
Sau hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cán bộ tham gia Ban Chấp hành Trung ương là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ. Do đó kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán; trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị...
Để thực hiện được tinh thần ấy, Đảng phải làm rất nhiều việc, trong đó, khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác cán bộ là việc làm cấp thiết. Đặc biệt, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị…
Có thể thấy, một trong những khâu yếu nhất hiện nay của công tác cán bộ là việc đánh giá cán bộ. Do một thời gian dài việc này chưa được làm bài bản, có quy trình chặt chẽ, công tâm, khách quan trong nhìn nhận, đánh giá cán bộ nên mới dẫn đến quy hoạch sai; thực hiện quy trình bổ nhiệm trái nguyên tắc; bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ không đúng với phẩm chất, trình độ năng lực. Nói cách khác, công tác cán bộ đã có lúc, có nơi bị một số cán bộ chủ trì lộng hành, thao túng. Để khắc phục tình trạng ấy cùng với xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm, chúng ta cần đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ xa.
Thực chất những việc mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã làm vừa qua là quá trình từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế, quy chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ để ngăn chặn biểu hiện lạm quyền, thao túng công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm hệ thống thể chế, cơ chế, quy định ấy cùng những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chính là giải pháp tốt nhất để kiểm soát chặt chẽ quyền lực, khắc phục tình trạng lộng quyền, lạm quyền, thao túng trong công tác cán bộ. Đồng thời đó cũng là dịp để Đảng ta tổng rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ được giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp, đặc biệt là tham gia Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ sắp tới. Đây cũng là những giải pháp thiết thực để Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) mang lại hiệu quả sâu rộng trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ.