Chấn Hưng - họa sĩ từng khoác áo lính

Ngoài chuyên môn hội họa, họa sĩ Chấn Hưng còn đam mê viết thư pháp bằng chữ Hán. Ảnh: HOÀNG HÀ THẾ

Ở tuổi 60, họa sĩ Chấn Hưng vẫn thể hiện phẩm chất của người lính, vẫn “cháy hết mình” với niềm đam mê mỹ thuật và chữ Hán - Nôm.

Vươn lên từ gian khó

Họa sĩ Chấn Hưng (tên đầy đủ là Dương Chấn Hưng) sinh năm 1960, ở làng Kim Long (Kim Luông), cố đô Huế (nay là phường Kim Long, ở phía tây bên bờ bắc sông Hương). Lên 3 tuổi, anh theo gia đình vào Nam, chọn Tuy Hòa để lập nghiệp. Chấn Hưng có năng khiếu hội họa từ nhỏ nhưng gia đình khó khăn nên việc học bị gián đoạn vì anh phải lao động để phụ giúp gia đình.

Năm 1982, Chấn Hưng đi bộ đội, biên chế ở Sư đoàn 315 với nhiệm vụ công binh và Đồ bản chiến trường Campuchia. Chấn Hưng luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, được Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 tặng huy chương, kỷ niệm chương và nhiều bằng khen, giấy khen. Cuối năm 1986, anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự, phục viên trở về Tuy Hòa lao động và tự ôn luyện mỹ thuật để thực hiện ước mơ của mình.

Năm 1987, anh thi đậu vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ngành Hội họa - Thiết kế. Năm 1989 tốt nghiệp, Chấn Hưng vào TP Hồ Chí Minh làm nghề quảng cáo và học thêm về chữ Hán ở chùa Già Lam (phường 1, quận Gò Vấp).

Anh trải lòng: “Chữ Hán được tạo nên từ các nét. Mỗi nét là một dấu bút có thể là một đường thẳng, đường cong, đường gấp khúc, đường có móc hoặc dấu chấm. Đầu tiên căn bản là viết đúng số nét, khi đã quen dần với mặt chữ tiếp đến giai đoạn thứ hai là xác định được bộ thủ, việc này gần giống với học tiếng Anh là biết được động từ bất quy tắc và chia được các động từ…”.

Đầu năm 1990, Chấn Hưng rời Sài Gòn trở về Tuy Hòa, tiếp tục làm nghề vẽ tranh, vẽ bảng hiệu, vẽ họa tiết trên áo dài… và rèn chữ Hán - Nôm. Đồng nghiệp với Chấn Hưng nhận xét anh là một họa sĩ đa năng. Anh ký họa, vẽ chân dung, tranh lụa, dựng tranh liên hoàn khổ lớn… Gia đình anh hiện sống ở phường 8, TP Tuy Hòa.

Đam mê nghiên cứu chữ Hán - Nôm

Ngoài thời gian dành cho mỹ thuật, họa sĩ Chấn Hưng còn đam mê nghiên cứu chữ Hán - Nôm. Anh nghiên cứu rất cẩn thận trước khi “trình làng” trên các báo, như bài Minh triết một chữ tâm. Khi đọc, độc giả sẽ cảm nhận được thiện tâm, chân tâm, công tâm và cuộc sống này cần có chữ tâm soi rọi để đóng góp cho xã hội.

Trong bài Chữ lộc trước đã, Chấn Hưng phân tích chữ lộc và lồng vào đó triết lý cho những ai biết hưởng lộc thì phải biết tạo phúc… Có những bài viết mang tính chuyên khảo, như Chữ thọ - niềm mơ ước của con người, Chữ phú trong lịch sử và thế giới ngày nay, Kiến giải một chữ nhàn…, được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao.

Chấn Hưng trải lòng: “Vui sướng nhất và không thể quên khi lần đầu tiên cầm trên tay tờ báo Phú Yên hay tạp chí Văn nghệ Phú Yên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên có đăng bài viết của mình. Bài viết dù nhỏ thôi nhưng cũng làm cho tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc”.

Với nền tảng kiến thức chuyên môn cùng niềm đam mê cháy bỏng, người họa sĩ tài hoa ấy sẽ còn vẽ, viết và cống hiến cho đời nhiều hơn nữa trong hành trình khám phá cái đẹp từ cuộc sống quanh mình.

Hiện nay, họa sĩ Chấn Hưng không chỉ vẽ tranh, nghiên cứu chữ Hán - Nôm mà còn sáng tạo tranh thư pháp chữ Hán. Gu của họa sĩ Chấn Hưng là vẽ tranh phong cảnh, ở mỗi bức tranh anh đều ghi những câu chữ Hán đi kèm.

Tranh sơn dầu về phong cảnh, tĩnh vật… hoặc tranh thư pháp chữ Hán của anh hầu hết dành tặng bạn bè tri kỷ.

Họa sĩ Võ Tĩnh, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên) cảm nhận: “Ngoài sáng tác tạo hình, họa sĩ Chấn Hưng có niềm đam mê viết tranh thư pháp chữ Hán. Chúng tôi rất ngưỡng mộ Chấn Hưng”. Còn TS Đào Nhật Kim, Trưởng Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế (Trường đại học Phú Yên) nhận xét: “Ngoài sáng tạo mỹ thuật, trong nghiên cứu dịch thuật chữ Hán - Nôm, họa sĩ Chấn Hưng cũng rất cẩn thận và chỉn chu. Chúng tôi mến mộ và đánh giá cao”.

Chấn Hưng còn là Trưởng Ban Liên lạc truyền thống chiến trường Campuchia Sư đoàn 315 tại Phú Yên. Anh luôn tận tâm với tập thể là nhà tài trợ chính cho các sự kiện của ban liên lạc như: gặp mặt đầu năm mới, kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12…

Ngoài ra anh còn chia sẻ, giúp đỡ đồng đội khi ốm đau, gia đình có hiếu, hỉ… Họa sĩ Chấn Hưng cũng quan tâm đến các hoạt động xã hội, từ thiện như: công đức cho các chùa, đóng góp, giúp đỡ những cuộc đời cơ nhỡ và tham gia tài trợ nhiều chương trình sự kiện thiết thực cho các hội, đoàn thể trong tỉnh.

Đại tá Nguyễn Như Trí, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên, cho biết: “Là một họa sĩ nhưng với tinh thần người lính chiến trường K, Chấn Hưng đã đóng góp nhiều hoạt động có ích cho Hội Cựu chiến binh tỉnh nói chung và Ban Liên lạc truyền thống Chiến trường Campuchia Sư đoàn BB315 tại Phú Yên nói riêng”.

Họa sĩ Chấn Hưng đang “thai nghén” tập sách Một cách nhìn mới các địa danh ở Phú Yên. Anh hy vọng khi tập sách được xuất bản sẽ góp phần giúp bạn đọc gần xa hiểu thêm về bề dày lịch sử văn hóa hơn 400 năm của Phú Yên.

Tin rằng với nền tảng kiến thức chuyên môn cùng niềm đam mê cháy bỏng, người họa sĩ tài hoa ấy sẽ còn vẽ, viết và cống hiến cho đời nhiều hơn nữa trong hành trình khám phá cái đẹp từ cuộc sống quanh mình.

HOÀNG HÀ THẾ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/250263/chan-hung-hoa-si-tung-khoac-ao-linh.html