Chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam
(GLO)- Sáng 24-11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khai mạc trọng thể tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội) với sự tham dự của gần 600 đại biểu các bộ, ngành, các văn nghệ sĩ và đại diện các tổ chức chính trị-xã hội trong cả nước, đồng thời được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.
Tại điểm cầu Gia Lai, hội nghị được tổ chức trực tuyến đến cấp xã. Các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Trong phiên khai mạc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã trình bày báo cáo tóm tắt về “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Tiếp đó, hội nghị đã lắng nghe tham luận của các đại biểu xoay quanh những vấn đề như: Động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành văn hóa-thể thao và du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; để văn hóa, văn nghệ “soi đường cho quốc dân đi”; xây dựng môi trường văn hóa: nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; vấn đề nguồn nhân lực và đa dạng hoạt động ở các thiết chế văn hóa xã; phát huy giá trị của các di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam-thực trạng và giải pháp; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới; xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới, từ Nghị quyết Đại hội XIII đến hành động…
Sau khi lắng nghe tham luận của lãnh đạo một số địa phương, đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tổng Bí thư nhận định, đây là hội nghị ý nghĩa về nhiều phương diện, qua đó khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc trong thời đại mới. Cách đây 75 năm, ngày 24-11-1946, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Từ đó đến nay, trong mỗi giai đoạn, thời kỳ, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh thành tựu đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, yếu kém, gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội cũng như mục tiêu xây dựng con người và môi trường văn hóa như: văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc, chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.
Để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, Tổng Bí thư đề nghị cần tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa. Quán triệt nghiêm túc quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn mới. Mặt khác, cần chú trọng bồi dưỡng để có thêm nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, mang lại ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay. Tổng Bí thư cũng yêu cầu cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa thời đại.
Chiều cùng ngày, hội nghị tiếp tục diễn ra với nội dung triển khai chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.