Chặn lối thoát hiểm - Chặn đường sống!

Hơn một tuần sau khi hai vụ cháy liên tiếp tại phòng trà Nhật-Hàn, số 144, phố Văn Cao (Ngô Quyền, Hải Phòng) và nhà dân tại số 24, phố Thành Công (Hà Đông, Hà Nội) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa.

Điều tra nguyên nhân vụ cháy tại Hà Nội (ngày 13-5), cơ quan chức năng cho biết, ngôi nhà rộng 40m2, có 3 tầng 1 tum; mặt tiền tầng 2 và tầng 3 lắp khung sắt bảo vệ nên khi hỏa hoạn xảy ra đã cản trở việc thoát hiểm cũng như công tác cứu người, dập lửa. Phía sau ngôi nhà tuy có lối thoát nhưng do hoảng loạn và ngạt khói; kỹ năng thoát hiểm của người già và trẻ em hạn chế nên cả 4 bà cháu trong gia đình đều không qua khỏi.

Điều đáng suy nghĩ, đây không phải là vụ cháy đầu tiên có nguyên nhân “chuồng cọp” cản trở, bịt đường sống của các nạn nhân khi hỏa hoạn xảy ra. Đã nhiều vụ cháy để lại hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng chính từ việc các lối thoát hiểm bị bịt kín.

Hiện trường vụ cháy ở Hà Đông. Ảnh: CTV

Hiện trường vụ cháy ở Hà Đông. Ảnh: CTV

Qua vụ việc thương tâm này, vấn đề phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu hộ, cứu nạn (CHCN) một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động. Nếu như phía trước ngôi nhà không bị bịt kín, 4 bà cháu đã có thể thoát hiểm; việc hỗ trợ của lực lượng chức năng, người dân cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Trong khoảng “thời gian vàng” dành cho CHCN, việc phá dỡ “chuồng cọp” khi không có đồ chuyên dụng là vô cùng khó khăn. Đấy là chưa kể đến các ngôi nhà, khu dân cư nằm sâu trong ngõ hẻm, phương tiện và lực lượng chữa cháy rất khó tiếp cận.

Vì thế, rất nhiều vấn đề đặt ra đối với công tác PCCC, CHCN, trong đó việc xử lý các “chuồng cọp” phải được đặc biệt quan tâm và có ngay giải pháp. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, chủ động phòng, chống trộm đi đôi với PCCC, mở lối thoát hiểm phù hợp.

Các trường hợp làm khung sắt phải thiết kế ô cửa thoát nạn; chìa khóa để nơi dễ tìm, dễ lấy, dễ mở; khóa cũng cần được bảo dưỡng thường xuyên để tránh sự cố han gỉ, hỏng hóc. Các nhà dân liền kề phối hợp xây dựng phương án, tạo lối thoát hiểm cũng cần được nghiên cứu, triển khai ngay, tránh để sự việc đau thương xảy ra mới "nếu...". Đối với các khu dân cư, công trình xây dựng mới phải có lối thoát hiểm, thiết bị cứu hỏa và hệ thống PCCC. Vấn đề này cần được luật hóa để bảo đảm tính khả thi cao nhất với tất cả loại công trình. Lối thoát nạn, thoát hiểm là điều kiện để cứu mạng sống, ngược lại, nếu không có, hoặc bị bịt kín là chặn con đường sống khi gặp nạn.

Mô hình tổ liên gia an toàn và điểm chữa cháy công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh nên được nghiên cứu, phổ biến, nhân rộng ra các địa phương. Các cấp, các ngành, cơ quan chức năng chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân; rà soát, kiểm tra, vận động nhân dân tháo dỡ “chuồng cọp” hoặc mở lối thoát hiểm an toàn.

Sau hai vụ hỏa hoạn thương tâm nêu trên, ngày 17-5, một vụ cháy nữa xảy ra tại ngôi nhà 4 tầng ở phường Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội), thiêu rụi nhiều tài sản, may mắn cả 5 thành viên trong gia đình đã thoát nạn qua ban công sang nhà hàng xóm. Vì thế, ngoài nâng cao ý thức PCCC của cộng đồng, mỗi người, mỗi nhà cần chủ động có kỹ năng và phương án thoát hiểm, bảo đảm an toàn cho chính gia đình mình.

HUY PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/chan-loi-thoat-hiem-chan-duong-song-728877