Chán nản khi trở lại văn phòng

Nhân sự không muốn quay lại công sở chỉ để họp online hoặc ăn trưa một mình, những điều họ có thể làm tại nhà.

Elon Musk, CEO Tesla, yêu cầu toàn bộ nhân viên trở lại văn phòng hoặc nghỉ việc, theo một thông báo của công ty được phát đi hôm 1/6.

Hành động của Musk gây chấn động, đặc biệt trong bối cảnh các công ty trên toàn thế giới đã và đang mở cửa chào đón nhân viên trở lại sau dịch bệnh. Nhiều người đặt câu hỏi liệu kỳ vọng của vị tỷ phú có tác động đến các doanh nghiệp khác hay không? Và phải chăng nhân viên không thể chứng minh năng suất của mình trong suốt giai đoạn giãn cách?

Theo CNA, các công ty cho rằng nhân sự cần làm việc cùng nhau trong một không gian vật lý để xây dựng nhóm và hợp tác tốt hơn. Một số đơn vị thúc đẩy kế hoạch làm việc toàn thời gian tại văn phòng (work from office - WFO) hoặc mô hình kết hợp giữa văn phòng và nhà ở.

Laszlo Bock, cựu giám đốc nhân sự của Google, nói trên Bloomberg rằng các công ty lớn đều muốn nhân viên quay lại văn phòng: "Một CEO của Google nói với tôi rằng cuối cùng họ cũng sẽ đưa mọi người đến công sở, chỉ là chưa muốn thực hiện ngay bây giờ".

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore, phần lớn người lao động thích sắp xếp công việc linh hoạt, thay vì chỉ làm việc tại nhà hoặc tại văn phòng vào tất cả ngày trong tuần.

Trong khi đó, một nghiên cứu của Mỹ cho thấy một nửa nhân viên thà nghỉ việc còn hơn đến văn phòng toàn thời gian, làm trầm trọng hơn những tác động của làn sóng nghỉ việc sau dịch.

Đây chính là thời điểm các công ty buộc phải có giải pháp và kế hoạch phù hợp để vừa đạt lợi ích, vừa giữ chân nhân viên của mình.

 Sự kết nối, giao tiếp giúp nhân sự hào hứng quay lại văn phòng. Ảnh minh họa: Julian V/Pexels.

Sự kết nối, giao tiếp giúp nhân sự hào hứng quay lại văn phòng. Ảnh minh họa: Julian V/Pexels.

Đầu tiên, các nhà quản lý cần chấp nhận rằng WFO đã là dĩ vãng đối với phần lớn người lao động, đặc biệt là những người làm công việc tri thức hoặc văn phòng.

Trong trường hợp này, mô hình kết hợp được cho là giải pháp phù hợp. Dù cho biết không thích đến công sở mỗi ngày, nhưng số lượng lớn nhân sự cũng nhận ra nhiều điểm bất lợi của làm việc từ xa.

Theo đó, nghiên cứu cho thấy nhân viên yêu thích văn phòng bởi có được sự hợp tác và giao lưu cùng đồng nghiệp. Tiếp theo, họ đánh giá cao các yếu tố khác như có thể tập trung tốt hơn, hưởng chế độ tại nơi làm việc và các cơ hội thăng tiến.

Thứ hai, nếu như người lao động mong muốn được giao tiếp tại nơi làm việc, nhà quản lý cần đảm bảo thực hiện điều này thay vì chỉ hứa suông. Nhân viên không muốn đến văn phòng chỉ để họp online, ngồi trong phòng riêng, ăn trưa một mình và không tham gia bất kỳ cuộc thảo luận nào. Điều họ cần là sự kết nối.

Trên thực tế, một khảo sát tại Singapore cho thấy 56% nhân viên trải qua tình trạng kiệt sức trong đại dịch, khiến sức khỏe tâm thần trở nên tồi tệ. Giờ đây, họ không hề mong muốn đến công sở và chỉ để lặp lại những điều mình đã làm đến phát chán tại nhà.

Theo CNA, kế hoạch thay đổi tại nơi làm việc có xu hướng bị đổ lên vai các trưởng nhóm và quản lý cấp trung. Thật không may, họ không phải lúc nào cũng được tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ này.

Trong thời kỳ đại dịch, 66% nhân viên không cảm thấy thoải mái khi nói chuyện về sức khỏe tâm thần với người quản lý. Nguyên nhân của vấn đề này có thể do cấp quản lý không được công ty hướng dẫn, đào tạo về tư vấn ngay từ đầu.

 Nhân viên chán ngán cảnh đến văn phòng chỉ để họp online. Ảnh minh họa: Diva Plavalaguna/Pexels.

Nhân viên chán ngán cảnh đến văn phòng chỉ để họp online. Ảnh minh họa: Diva Plavalaguna/Pexels.

Trên hết, không phải tất cả nhà quản lý cấp trung đều có quyền tiếp cận thông tin mình cần để thực hiện các thay đổi trong nhóm. Do vậy, nếu muốn họ thay đổi, công ty phải trao quyền nhằm giúp họ tự tin hơn trong việc đưa ra các quyết định có lợi nhất cho nhóm và doanh nghiệp.

Trong một nghiên cứu gần đây của EngageRocket về các nhà tuyển dụng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 42% cho biết có bất cập khi để quản lý cấp trung lắng nghe phản hồi từ nhân sự.

Những người quản lý này không thiếu năng lực mà gặp khó khăn vì công ty không hề phân công hoặc có cơ chế rõ ràng để họ tham gia cải thiện văn hóa doanh nghiệp.

Một chương trình cải thiện năng suất thành công sẽ cần những người quản lý được trao quyền. Họ cần được hướng dẫn về cách thức kết nối tập thể, chỉ ra những việc cần thiết để nâng cao tinh thần, năng suất và cảm giác hạnh phúc của nhân viên.

Thục Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chan-nan-khi-tro-lai-van-phong-post1326226.html