CHẶN NẠN XÂM HẠI DI TÍCH: Không xử nghiêm, lịch sử sẽ phán xét
Ngoài căn cứ theo quy định để truy trách nhiệm, các cơ quan liên quan cần mạnh dạn thay đổi cách làm, mô hình quản lý
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, chuyên gia khảo cổ học, cho biết ở đô thị như TP HCM, Hà Nội, việc xâm hại các di tích, công trình kiến trúc có dấu ấn văn hóa, lịch sử ngày càng nhiều và điều này đã thực sự đến lúc cần báo động.
Những việc phải làm ngay
Theo TS Nguyễn Thị Hậu, có rất nhiều nguyên nhân khiến di tích bị xâm hại nhưng có một nguyên nhân dễ thấy là hiện nay ở TP HCM "tấc đất tấc vàng" nên nhiều người sẵn sàng cơi nới, thay đổi hiện trạng di tích để đáp ứng mục đích kinh tế. "Xét tính lâu dài thì điều này đã gây ra sự tổn thương đối với kiến trúc và giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh của công trình di tích mang lại. Nói rộng hơn thì nếu cứ để tình trạng xâm hại xảy ra thì chắc chắn sau này lịch sử sẽ phán xét chúng ta" - TS Nguyễn Thị Hậu nói.
Kiến trúc sư (KTS) Trần Vĩnh Nam còn nhận định giá trị các di tích không những lưu trữ dấu ấn về văn hóa, tâm linh và lịch sử mà còn là nơi khai thác ngành du lịch. Nếu nhìn vào "city tour" ở TP HCM sẽ thấy các công ty lữ hành đều chọn công trình cổ như Bưu điện TP HCM, nhà thờ Ðức Bà, chùa cổ... làm nơi dừng chân. Qua việc này cho thấy tâm lý người du lịch có xu hướng muốn đến những nơi tâm linh, các công trình nhuốm màu thời gian.
KTS Nam dẫn chứng: "Trong một lần tham quan các nhà cổ ở Bình Thủy (TP Cần Thơ), chúng tôi bực bội vì cách hành xử. Khi đi vào trong, du khách chụp ảnh sẽ bị ngăn chặn và những người quản lý đòi thu tiền. Họ lấy lý do, đây là nhà sở hữu của gia đình muốn tham quan phải xin ý kiến, đồng ý thì chấp nhận bỏ chi phí để gia đình trùng tu. Hình thức này không minh bạch gây ra khó chịu".
Từ dẫn chứng trên, KTS Nam cho rằng muốn bảo tồn di tích không những chú ý vào công trình xây dựng, mỹ quan xung quanh mà còn quan tâm đến cách ứng xử từ người quản lý, cộng đồng xung quanh. Ðơn cử, tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), có thể nói bất động sản tại đây "đắt xắt ra vàng" nhưng đình, chùa cổ không có chuyện bị xâm hại, xâm chiếm, kinh doanh. Khách du lịch và người dân khi đến tham quan đều cảm nhận được sự tĩnh lặng sau các tòa nhà cao tầng. Muốn mua sắm thì phải bước ra khu quy hoạch cận kề và ở đó có hàng loạt ki-ốt của người dân buôn bán. Ðây là khu vực ưu đãi cho những người có công bảo tồn các di tích, vừa giúp họ có kế sinh nhai.
Ðừng nói khó!
Một chuyên gia công tác tại Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM thông tin người xâm hại đình, đền, miếu tại TP HCM thường là những người gắn kết lâu dài với di tích. Thứ nhất, họ là người có công trong việc giữ gìn, quét dọn và bảo quản công trình. Hoặc những người có quan hệ huyết thống với tiền nhân có công góp phần tạo dựng nên công trình đó. "Giải pháp quan trọng là phải hài hòa lợi ích đôi bên. Trước hết, bảo đảm bảo tồn di tích nhưng vẫn không mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân trên" - vị này nêu.
Cũng theo người này, hiện nay các quy định trong Luật Di sản có nhiều điều để bảo vệ các di tích, công trình cổ. Thế nhưng, các quy định của luật này vẫn đang còn chồng chéo với các quy định từ luật khác; vì vậy đang tiếp tục thảo luận trao đổi để điều chỉnh lại cho phù hợp.
Luật sư Nguyễn Anh Minh (Ðoàn Luật sư TP HCM) khẳng định không thể nói khó ngăn chặn các hành vi xâm hại di tích rồi để di tích bị xâm hại. Nếu phát hiện việc kinh doanh, mua bán ngay trước các công trình di tích có thể căn cứ vào quy định xử phạt vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường; nếu trổ cửa bên hông các công trình di tích thì xử phạt về việc xây dựng công trình trái phép. "Nếu căn cứ vào trách nhiệm thì phải là lãnh đạo UBND cấp phường đã thực thi không nghiêm" - luật sư Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Minh, điều 345 Bộ Luật Hình sự đã định rõ tội danh "vi phạm quy định bảo vệ và sử dụng di tích danh thắng gây hậu quả nghiêm trọng". Vì vậy, các cơ quan hữu trách không thể nói là khó xử lý, để rồi vi phạm diễn ra tràn lan.
Ðến lúc nghĩ đến mô hình "hợp tác công - tư"
KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích: Vấn đề ứng xử giữa bảo tồn và phát triển phù hợp hiện còn nhiều bất cập, trong đó khung pháp lý cũng không thể hiện rõ ràng. Từ đó dẫn tới hàng loạt hệ lụy như việc nhiều di tích bị xâm hại, ảnh hưởng đến văn hóa. Theo ông Nam Sơn, hiện việc bảo tồn hoặc trùng tu các di sản chủ yếu theo Luật Di sản, tuy nhiên khung pháp lý này chủ yếu để bảo vệ di tích, các công trình văn hóa được công nhận. Mặt khác, việc quan tâm, phân bổ ngân sách để nghiên cứu, đưa vào danh sách bảo tồn và có những chính sách phù hợp, hàng chục năm qua rất chậm.
Vì vậy, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng để bảo vệ các di tích, di sản thì vấn đề pháp lý là đặc biệt quan trọng. Riêng về di sản có rất nhiều loại, trong đó số lượng nhiều nhất và cần được sự quan tâm nhất là các công trình di sản có thể chỉnh trang, cải tạo hoặc mở rộng. Tuy nhiên, với nhóm những công trình di sản này lại không có khung pháp lý rõ ràng để bảo vệ, ứng xử. Cụ thể là chưa có quy định rõ về cách liệt kê và xác định phần nào có thể giữ nguyên hiện trạng, phần nào chỉnh trang, mở rộng và thực hiện như thế nào...
KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất trong việc bảo vệ các di tích, di sản cần có sự hợp tác công - tư, tức nhà nước là một phần, còn lại là chủ sở hữu. "Ðể việc hợp tác này thành công, nhà nước cần có pháp lý rõ ràng và hỗ trợ về chính sách, ngân sách trong việc bảo vệ di tích, di sản. Tại TP HCM có thể vận dụng cơ chế đặc thù để đưa ra hướng dẫn về luật pháp, xây dựng chính sách để thực hiện những vấn đề trên. Trong đó cần liệt kê và phân loại rõ ràng để ứng xử phù hợp. Như vậy mới mong di tích, di sản không bị xâm hại như hiện nay" - KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.
"Nói về trách nhiệm thì dễ nhưng khó xử lý. Trước mắt cơ quan nhà nước cần phải phối hợp với cộng đồng xung quanh di tích thực hiện các công tác giữ gìn, bảo tồn".
TS NGUYỄN THỊ HẬU
Cần lắm một nhạc trưởng
Thật xót xa cho nhiều di sản, di tích của TP HCM đang bị xâm hại không thương tiếc.
Có thật là hết cách hay không? Tôi không nghĩ như vậy, nếu như những người có trách nhiệm từ các cơ quan chức năng thật sự làm cho tới với những cơ chế "bảo tồn di sản" đang có thì các di sản, di tích riêng tại TP HCM sẽ không bị khổ sở, nhếch nhác như hiện nay.
Phải khẳng định trước rằng một loạt những địa chỉ di tích tại TP HCM bị xâm hại mà Báo Người Lao Ðộng đã nêu, nếu như được quản lý hiệu quả thì đây là những địa điểm cực kỳ hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Thế nhưng, dù cơ chế chính sách "khung" cho việc bảo tồn, quản lý di tích, di sản hiện nay được các chuyên gia chỉ ra khá đầy đủ và chặt chẽ nhưng xem ra chỉ thiếu ai là người sẽ chịu trách nhiệm chính để kết nối, xử lý "toàn cảnh" chuyện bảo tồn và quản lý di tích, di sản. Cụ thể đã có những văn bản pháp luật như Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung 2009; Bộ Luật Hình sự năm 2015; Nghị định 158/2013/NÐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa... Tuy nhiên, việc xử phạt vẫn chưa đến nơi đến chốn, hiếm trường hợp bị xử lý hình sự hành vi xâm hại di tích. Vấn đề còn lại vẫn là thực thi pháp luật cần phải quyết liệt, xử lý nghiêm minh các hành vi hủy hoại, xâm hại di tích, di sản mới mong ngăn chặn tình trạng xâm hại di tích.
Nói vậy để thấy hiện đang rất cần một nhạc trưởng để chỉ huy, điều phối, chịu trách nhiệm chính cho việc thực hiện công tác quản lý, bảo tồn di tích, di sản và chỉ đạo xử lý nghiêm minh tình trạng xâm hại di tích.
Bảo vệ di tích cũng là góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và cũng để sau này con cháu nhớ về lịch sử hình thành đất Nam Bộ, nhớ về tổ tiên. Sẽ có lỗi với tổ tiên, với lịch sử nếu chúng ta cứ thả nổi cách quản lý di tích, di sản như hiện nay, bởi lẽ với tình trạng này thì không bao lâu nữa nhiều di tích, di sản sẽ thành phế tích, thậm chí bị xóa sổ.