Chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ cửa khẩu

Nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao làm gia tăng nguy cơ lây lan nhiều loại dịch bệnh mới nổi, tái nổi. Trước bối cảnh đó, công tác kiểm dịch y tế biên giới luôn được ngành y tế TPHCM tăng cường kiểm soát nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập.

Nhiều dịch bệnh bùng phát ở các nước

Theo các chuyên gia y tế, năm 2024, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn luôn diễn biến khó lường, xuất hiện nhiều đợt bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Điển hình là xuất hiện chủng mới của virus Mpox (bệnh đậu mùa khỉ) tại châu Phi, khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải ban hành tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng trên toàn cầu lần thứ 2 đối với dịch bệnh này vào ngày 14-8-2024. Tiếp theo là tình trạng bùng phát dịch sốt xuất huyết do virus Marburg tại Rwanda vào tháng 10-2024. Bên cạnh đó, nhiều dịch bệnh khác cũng bùng phát tại các nước trên thế giới, như: cúm gia cầm độc lực cao; hội chứng hô hấp Trung Đông; bệnh do virus Ebola; bệnh do virus sốt Tây sông Nile ở Israel; sốt xuất huyết Crimean-Congo…

 Lực lượng kiểm dịch TPHCM giám sát hành khách đến từ vùng có dịch

Lực lượng kiểm dịch TPHCM giám sát hành khách đến từ vùng có dịch

Bác sĩ Trần Việt Phương, Phó trưởng Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), thông tin, do tình hình di chuyển quốc tế ngày càng phổ biến, dễ tiếp cận... nên làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan. TPHCM có 2 cửa khẩu quốc tế quan trọng là Cảng hàng hải TPHCM (với lưu lượng phương tiện xuất nhập cảnh mỗi ngày khoảng 40 chuyến tàu) và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (mỗi ngày đón khoảng 130 chuyến bay quốc tế với 25.000 khách). Tùy theo thời điểm cuối năm hoặc mùa lễ hội, số lượng phương tiện, hành khách quốc tế đến TPHCM có thể tăng cao đột biến, khiến mầm bệnh có nguy cơ phát tán từ các nơi có dịch lây lan nhanh, bùng phát mạnh, gây ra những tình trạng nghiêm trọng về y tế. Một số loại virus không ngừng đột biến cũng như thay đổi cấu trúc gene làm xuất hiện những chủng virus mới với độc lực, khả năng lây lan và thích ứng cao, như cúm gia cầm độc lực cao (AH5), chủng virus mới của bệnh đậu mùa khỉ... là những thách thức đối với công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại thành phố.

Chủ động giám sát

“Hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát cũng như phòng chống các bệnh, dịch bệnh quốc tế xâm nhập vào TPHCM được thực hiện một cách nghiêm ngặt, nhất là dịp cuối năm, khi lưu lượng di chuyển cũng như nhu cầu đi lại quốc tế tăng cao”, bác sĩ Trần Việt Phương lưu ý. Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, HCDC là khoa chuyên môn thực hiện công tác kiểm dịch y tế biên giới tại Cảng hàng hải TPHCM và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Khoa cũng chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin dịch bệnh, truyền nhiễm trên thế giới để tăng cường các quy trình giám sát, ứng phó, tùy theo tình hình dịch bệnh thực tế...

Còn theo ThS Trương Thị Thanh Lan, Trưởng Khoa Giám sát cảnh báo, chuẩn bị và đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh, HCDC, ngành y tế thành phố đang đẩy mạnh triển khai giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu. Hoạt động này đóng vai trò quan trọng, giống như người “gác cổng” đầu tiên nhằm kịp thời phát hiện những dịch bệnh có thể xâm nhập vào thành phố. Khi phát hiện những trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, đội ngũ nhân viên y tế sẽ kịp thời xử lý ngay, bảo vệ được cộng đồng bên trong. Ngành y tế thành phố cũng triển khai hệ thống giám sát dịch bệnh chặt chẽ, chủ động và hiệu quả. Hệ thống này không chỉ giúp phát hiện các nguy cơ dịch bệnh sớm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Khi có một dịch bệnh mới, ngành y tế sẽ triển khai nhanh cho các đơn vị trong hệ thống biết được những đối tượng nào có nguy cơ, dấu hiệu hay triệu chứng gì bất thường cần đưa vào giám sát, cách ly và tổ chức phân tuyến điều trị, xét nghiệm, chẩn đoán một cách sớm nhất. Đồng thời phối hợp với ngành thú y nếu dịch bệnh lây lan giữa người và động vật, nhằm kịp thời giám sát hiệu quả nhất.

Nhấn mạnh các dịch bệnh hiện nay có xu hướng diễn biến nhanh hơn, xảy ra nhiều hơn, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng, Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều. Ngoài ra, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn. Có những loại virus trước kia chỉ lưu hành ở động vật, nhưng giờ đã lây sang người; gây ra dịch và tiếp tục lây lan từ người sang người. Do vậy, việc phòng các bệnh qua biên giới là điều nên lưu ý, nhất là khi các bệnh lây qua biên giới thường đã có biến chủng, độc lực cao, lây lan nhanh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo việc chủ động tổ chức triển khai sớm, hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025; nâng cao năng lực y tế dự phòng, dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, các sự kiện khẩn cấp về y tế công cộng và chuẩn bị các phương án ứng phó với các tình huống xảy ra của dịch bệnh.

THÀNH SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chan-nguy-co-dich-benh-xam-nhap-tu-cua-khau-post776199.html