'Chán như Tết': Nỗi buồn dâu ngoan toàn ăn Tết quê chồng
Không phải một năm mà suốt 5 năm liền, không năm nào chị dâu tôi được về nhà mẹ đẻ, dù chỉ ít ngày. 'Chán như Tết': Nhà chồng 'bơ' Tết nhà dâu mới 'Chán như Tết': Đau đầu vì osin vào mùa 'chảnh'
Người ta nói “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” nhưng tôi thương chị dâu của mình lắm, khi Tết này qua Tết khác, đêm giao thừa nào cũng thấy chị lặng lẽ đi vào nhà vệ sinh, lúc ra mắt hoe đỏ vì khóc nhớ nhà.
Anh trai và chị dâu tôi đều là dân ngoại tỉnh, sinh sống và lập nghiệp ở Hà Nội. Hồi chị yêu anh trai tôi, cả gia đình nhà chị phản đối gay gắt. Chị xinh đẹp, hiền dịu, là con gái út nên ở nhà được bố mẹ và hai anh trai chiều chuộng vô cùng, chả bao giờ phải đụng tay vào việc gì. Quê chị cách Hà Nội hơn trăm cây số nhưng nếu con gái cưng ốm, bố mẹ chị ngay lập tức bắt xe mang gà xuống, nấu cháo, vắt nước cam bắt chị uống rồi ở lại chăm sóc từng li từng tí.
Bố mẹ chị mong chị ra trường về quê, có một công việc nhẹ nhàng, một ông chồng tử tế cách nhà bán kính vài ba cây số. Chẳng hiểu duyên phận thế nào mà chị lại yêu rồi quyết tâm cưới anh tôi, không những quê xa mà còn khó tính và gia trưởng, lúc nào cũng muốn vợ ngoan ngoãn dạ vâng, răm rắp nghe theo lời mình. Chuyện Tết nhất thì như một luật bất thành văn, quy định ngầm, cứ thế mà diễn, hết năm thì phải về quê chồng ăn Tết.
Năm đầu tiên chị đón Tết ở nhà chồng, tôi là sinh viên năm thứ nhất đại học. Hồi ở nhà thì ương bướng, hay cãi mẹ, nhưng xa nhà mấy tháng, tôi nhớ bố mẹ lắm, về nhà vui như sáo, vừa dọn nhà vừa hát, tíu tít đi chợ sắm Tết với mẹ, tỉa hoa cà rốt ướp dưa hành… Chị dâu cũng tham gia vào mọi việc trong nhà, nhưng có vẻ lặng lặng, buồn buồn.
Đêm giao thừa, hai mẹ con tôi vo viên bột nếp, thả vào nồi mật, làm bánh ngào – món bánh ngọt ngào mà Tết nào nhà tôi cũng làm. Mùi mật thơm lừng và gừng tươi bốc lên. Tôi thấy chị dâu ra ngoài cửa một lúc, lúc vào mắt ươn ướt. Có lẽ nhìn cảnh ấm áp giữa tôi và mẹ, chị thấy buồn và nhớ mẹ mình, nhớ cảnh đêm giao thừa năm ngoái, chị cũng được ở bên mẹ, sửa soạn mâm cúng, nấu bát chè thơm.
Năm sau rồi năm sau nữa, đến hẹn lại lên, cứ Tết là lên đường về quê chồng. Có năm chị mang bầu em bé đầu lòng, lúc về Tết đã gần 8 tháng, cái bụng to như quả mít chín sắp rụng xuống. Tôi gợi ý chị nói với chồng là bầu bí mệt nhọc xin phép về ăn Tết bên ngoại, kẻo nhà nội đường xá xa xôi, hơn nữa ba năm rồi đều ăn tết bên nội. Chị dâu tôi cười buồn, nói anh trai tôi không bao giờ đồng ý, nóng tính lên anh tung hê hết, bảo “một mình cô thích về cứ việc” thì Tết lại lục đục, ầm ĩ. Nhìn chị bụng to, cố gắng đi qua lối đi hẹp để đến chỗ ngồi trên ô tô mà lòng tôi xót xa, vừa thương vừa lo cho chị.
Đến lúc con trai anh chị ra đời - đứa cháu đầu lòng đáng yêu như thiên thần, lại nhanh nhẹn, tình cảm - cách Tết cả tháng ông bà nội đã gọi điện giục giã, đặt vé cho cả nhà về Tết. Công bằng mà nói, bố mẹ tôi cũng rất yêu thương con dâu. Mẹ tôi chiều con dâu còn hơn cả con gái, mấy ngày Tết chị dâu tôi tha hồ ngủ nướng, chả bao giờ phải dậy sớm, công việc thì mẹ chồng cũng lo toan cho hết. Mặc dầu vậy, tôi vẫn biết chị ôm nỗi buồn tủi trong lòng, dù chị dâu chẳng mở miệng nói ra, không một lời oán thán.
Duy chỉ có một lần, nghe điện thoại của mẹ xong, chị buột miệng kể rằng mẹ chị khóc nhớ con gái, rồi trách con sao lấy chồng xa, một quê hai chốn, mấy xuân không về mẹ một lần nào. Chị bảo bố mẹ già rồi, đời này không biết được gặp bố mẹ bao nhiêu lần nữa, khi quanh năm suốt tháng, công việc bận rộn, cả tuần được mỗi ngày chủ nhật được nghỉ xoay đi xoay lại việc nhà, con cái cũng hết ngày.
Mấy lần tôi góp ý, bảo bố mẹ sau này con lấy chồng xa, Tết nhà chồng không cho về nhà thì bố mẹ thế nào, có buồn không, có tức không? Tôi cũng bảo anh trai mình:" cho “con gái nhà người ta về nhà với”, con nào cũng là con, cả năm đã đi xa, Tết muốn quây quần bên cha mẹ. Nhưng bố mẹ và anh đều im lặng, chẳng suy chuyển gì.
Tôi trách bố mẹ mình thương con nhưng cũng ích kỷ, trách anh trai trọng nội khinh ngoại nhưng cũng nghĩ, lỗi một phần là ở chị. Bởi chị cứ ngoan ngoãn, chấp nhận mọi quyết định vô lý của chồng mà không bao giờ tranh luận, đòi hỏi cái quyền lợi mà mình xứng đáng được hưởng.
Mình là con gái, nhưng mình cũng là đứa con mà bố mẹ chăm chút yêu thương, nuôi lớn từng ngày, đến lúc tuổi già chỉ chờ mong mình về một năm đôi lần mà cũng không làm được, chẳng há tội nghiệp cho bố mẹ mình ư? Suy cho cùng, phụ nữ lấy chồng để được hạnh phúc, chứ đâu để nuốt buồn ngậm tủi vào mình, để chồng như vua muốn gì được nấy?!
Thanh Mai
(Ghi theo lời kể của chị Trần Thanh Phong, TP Vinh, Nghệ An)
Xót xa phận nghèo, con không dám về quê ăn Tết!
Bỏ cả đống tiền thuê "người yêu" về quê ăn Tết
"Chán như Tết": Giam nhau trong nhà mới là sum họp?!
Gần Tết, vợ cứ mở miệng là ‘tiền tiền’
"Chán như Tết": Nhà chồng "bơ" Tết nhà dâu mới
"Chán như Tết": Đau đầu vì osin vào mùa “chảnh”
BÀI ĐỌC NHIỀU
Làm hợp đồng đi, rồi sẽ có đăng ký kết hôn!
Chán vì vợ như bát nước rau không mì chính
Hận "người tình mặt vuông" của vợ