Chặn những nỗi đau từ pháo nổ

Nhiều vụ tai nạn do tự chế pháo nổ để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Cần làm gì để chặn nỗi đau này?

Bùi Văn Toàn trú ở thôn Hợp Nhất, xã Lai Khê (quê ở xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) và tang vật sản xuất pháo bị Công an Kim Thành phát hiện, bắt giữ tối 15/12 (ảnh cơ sở cung cấp)

Bùi Văn Toàn trú ở thôn Hợp Nhất, xã Lai Khê (quê ở xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) và tang vật sản xuất pháo bị Công an Kim Thành phát hiện, bắt giữ tối 15/12 (ảnh cơ sở cung cấp)

Hằng năm, cứ đến Tết Nguyên đán, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về pháo lại diễn biến phức tạp. Nhiều vụ sản xuất, tàng trữ, sử dụng pháo nổ đã gây tai nạn nghiêm trọng, để lại những hậu quả nặng nề.

Ngày 23/12, tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên (Tây Ninh) xảy ra vụ nổ khiến nhóm thanh, thiếu niên từ 14 - 17 tuổi bị bỏng, đa chấn thương. Nguyên nhân do các em tự đặt mua thuốc pháo qua internet về tự chế pháo, bất cẩn dẫn đến nổ gây thương vong. Các bệnh nhân trong vụ nổ đều bị bỏng nặng (từ 40% - 60%) và bị đa chấn thương.

Đầu tháng 12, tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cũng xảy ra một vụ nổ do 4 học sinh tự tìm hiểu và chế tạo pháo theo hướng dẫn trên YouTube. Trong quá trình làm thì pháo phát nổ khiến cả 4 em phải nhập viện trong tình trạng bỏng nặng, sưng phù toàn bộ vùng mặt, cẳng tay, bàn tay, cẳng chân…

Trên địa bàn Hải Dương hiểm họa cũng luôn rình rập. Hơn 10 ngày đầu ra quân tấn công trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hàng loạt đối tượng liên quan đến vi phạm về pháo đã bị công an các địa phương xử lý. Tình trạng buôn bán, vận chuyển, nhất là chế tạo pháo nổ trái phép có xu hướng diễn biến phức tạp hơn. Những năm trước cũng từng xảy ra thương tích do pháo nổ.

Các ca bỏng hóa chất từ pháo tự chế càng nguy hiểm hơn, vì chúng có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan nội tạng, cần phẫu thuật lâu dài để cứu chữa. Một vụ việc đau lòng đã xảy ra cuối tháng 1/2024. bệnh nhân T.V.V., 11 tuổi, ở TP Chí Linh bị dập nát bàn tay phải do đốt pháo tự chế.

Hậu quả của những vụ tai nạn do pháo nổ không chỉ gây tổn hại tài sản, sức khỏe, tính mạng của những nạn nhân mà còn để lại di chứng lâu dài về tinh thần cho gia đình.

Pháp luật đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo. Mọi hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, chế tạo trái phép các loại pháo nổ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự tùy tính chất, mức độ của hành vi.

Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo dưới mọi hình thức.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, những hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, thuốc pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người vi phạm liên quan đến pháo còn có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm với mức phạt tù từ 1 - 5 năm, cao nhất từ 8 - 15 năm. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo Bộ luật Hình sự có mức phạt tù thấp nhất từ 6 tháng - 3 năm và cao nhất là từ 5 - 10 năm…

Luật đã quy định rõ, chế tài xử lý cao, nhiều trường hợp bị xử lý hình sự, mất tương lai, tuổi trẻ; nhiều vụ tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra để lại hậu quả rất nghiêm trọng, không chỉ cho chính nạn nhân mà còn biến họ thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đó cũng là lời cảnh báo mạnh mẽ cho mỗi người, nhất là với thanh, thiếu niên về việc cần nhận thức rõ ràng và có những biện pháp phòng tránh.

Tết Ất Tỵ 2025 đang đến gần. Để ngăn chặn những hiểm họa do pháo nổ, pháo tự chế gây ra, mỗi người cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không tham gia sản xuất, mua bán hay sử dụng pháo nổ dưới bất kỳ hình thức nào.

TRƯƠNG HÀ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chan-nhung-noi-dau-tu-phao-no-401857.html