Chăn nuôi an toàn sinh học - giải pháp nhằm phòng dịch tả lợn châu Phi

Bộ NN&PTNT vừa đưa ra một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn tại các nông hộ để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 62/63 tỉnh, TP. Hiện, cả nước chỉ còn tỉnh Ninh Thuận chưa phát sinh dịch bệnh. Tổng số lợn phải tiêu hủy là trên 3,3 triệu con. Riêng tại Hà Nội, DTLCP đã xảy ra tại 27.689 hộ chăn nuôi (chiếm 34,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) thuộc 24 quận, huyện; làm mắc bệnh và tiêu hủy 481.649 con (chiếm 25,7% tổng đàn lợn toàn TP). Đến nay, TP đã chi tới 1.500 tỷ đồng cho công tác phòng, chống DTLCP; trong đó, kinh phí hỗ trợ lợn tiêu hủy là 1.300 tỷ đồng.

Ông Đỗ Cao Bằng, Tổng GĐ Cty CP GreenFeed Việt Nam chia sẻ, trong lúc DTLCP diễn biến phức tạp, việc thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) chính là giải pháp hiệu quả nhất giúp người chăn nuôi bảo vệ đàn lợn của mình. Kinh nghiệm từ mô hình chăn nuôi, kinh doanh theo chuỗi từ thức ăn, chuồng trại, con giống cho đến chế biến giết mổ, bảo quản sản phẩm của GreenFeed cho thấy, việc thực hiện các biện pháp ATSH không chỉ giúp tiết kiệm chi phí chăn nuôi mà còn giúp nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, từ đó phòng chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm, trong đó có DTLCP.

Chăn nuôi hướng an toàn sinh học là biện pháp được kỳ vọng sẽ góp phần phòng các loại bệnh ở lợn hiệu quả.

Chăn nuôi hướng an toàn sinh học là biện pháp được kỳ vọng sẽ góp phần phòng các loại bệnh ở lợn hiệu quả.

Theo ông Đỗ Cao Bằng, các trang trại chăn nuôi phải được xây dựng ở địa điểm phù hợp, đảm bảo cự ly an toàn với các khu vực xung quanh. Mặt khác, cần áp dụng các biện pháp ATSH theo 3 vùng gồm: vùng lõi, vùng đệm và vùng giám sát, đồng thời áp dụng chương trình phòng trị theo điều kiện dịch tễ giúp các trại lợn phòng tránh dịch bệnh hiệu quả. Nếu kiểm soát tốt quy trình chăn nuôi ATSH như trên, các trang trại có thể tự tin duy trì môi trường an toàn dịch bệnh cho đàn lợn trong thời gian dài và cung ứng cho thị trường các sản phẩm thịt đảm bảo chất lượng.

Hay đơn cử như Cty CP Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) đã áp dụng “Quy trình chăn nuôi lợn hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh” đối với 15 mô hình nuôi từ 50 đến 80 con/lứa nuôi/ hộ/gia trại của 5 huyện, thị xã ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hầu hết các mô hình chăn nuôi của tập đoàn nằm trong vùng dịch (bùng phát dịch và tái phát dịch), nhưng lợn hoàn toàn khỏe mạnh, không bị bệnh. Khối lượng xuất chuồng bình quân gần 90 kg/con, tăng trọng từ 19 đến 20 kg/con/tháng; tiết kiệm chi phí lao động hơn 70%; giảm từ 10 đến 12% thức ăn so với chăn nuôi truyền thống; tiết kiệm khoảng 80% lượng nước do hoàn toàn không phải tắm lợn, không rửa chuồng hàng ngày, bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi. Mô hình này không thải phân, nước thải ra môi trường, không mùi hôi, tận dụng toàn bộ phân, nước tiểu lợn làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Lợi nhuận bình quân từ 600 nghìn đến 750 nghìn đồng/con (trong khi nuôi theo các phương pháp khác chỉ thu được từ 200 nghìn đến 300 nghìn đồng/con). Theo đánh giá của các chuyên gia chăn nuôi, quy trình chăn nuôi lợn hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm đạt nhiều hiệu quả về kinh tế, chất lượng thịt ngon, bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh. Nếu quy trình này được sản xuất, áp dụng trên diện rộng sẽ góp phần đắc lực vào tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn của nước ta.

Thực tế nêu trên cho thấy tín hiệu tích cực từ chăn nuôi ATSH, song mới chỉ dừng lại ở các trang trại, gia trại quy mô lớn, chưa tới được các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bởi họ chủ yếu vẫn chăn nuôi dựa trên kinh nghiệm, trong khi chuyển sang chăn nuôi ATSH phải đầu tư bài bản từ chuồng trại, tới ghi chép sổ sách, nhật ký chăm sóc... Do vậy, muốn đạt kết quả tốt hơn nữa, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ kinh phí, tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tuyên truyền lợi ích chăn nuôi ATSH cho người chăn nuôi...

Ngoài việc thực hiện các biện pháp chăn nuôi ATSH, ngăn chặn các yếu tố lây lan mầm bệnh, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến, cần phải khắc phục ngay những bất cập như: Việc tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh nhiều nơi chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Tại một số địa phương có địa hình thấp, hố chôn bị ngập nước, gây khó khăn cho quá trình xử lý lợn bệnh bằng phương pháp chôn lấp; chưa tổ chức triển khai công tác vệ sinh, sát trùng hoặc có nhưng chưa thường xuyên, chưa rộng khắp. Chưa làm tốt công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật chưa đúng với quy định, không thực hiện kiểm dịch tại nơi xuất phát, không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến chủ phương tiện vận chuyển tự phá hủy niêm phong, bán lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh trong quá trình vận chuyển...

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc-giai-phap-nham-phong-dich-ta-lon-chau-phi-158178.html