Chăn nuôi an toàn sinh học vẫn gặp nhiều khó khăn

Trước thực tế về dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) được xem là giải pháp hữu hiệu; mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, người chăn nuôi đang phải đối mặt với không ít khó khăn...

Trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi gà tại xã Quảng Hợp (Quảng Xương).

Trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi gà tại xã Quảng Hợp (Quảng Xương).

Theo lời giới thiệu của cán bộ nông nghiệp xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) chúng tôi đến trang trại tổng hợp của chị Nguyễn Thị Thanh, thôn Thanh Sơn. Với số lượng đàn lợn hơn 60 con, sau khi trải qua nhiều lần dịch bệnh tả lợn châu Phi bùng phát, để tránh rủi ro do dịch bệnh, sau mỗi lứa lợn xuất bán, chị luôn ưu tiên thực hiện vệ sinh, sát trùng, diệt côn trùng, để trống chuồng. Sau đó, lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ giấy kiểm dịch của nơi xuất, nuôi nhốt riêng và có chế độ chăm sóc, phòng bệnh hợp lý. Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi ATSH, chị Thanh cho biết: “Trang trại của gia đình tôi chỉ có 2 nhân công ra vào thường xuyên và phải thực hiện sát khuẩn; có những thời điểm cả 2 nhân công phải ăn, ngủ trong trại để hạn chế tối đa tình trạng dịch bệnh lây lan từ bên ngoài vào trang trại. Bên cạnh đó, tôi đã đầu tư kết hợp xây dựng hầm biogas gạch để xử lý chất thải, xử lý mùi hôi, tiêu diệt các vi khuẩn mang mầm bệnh, ngăn ngừa phát sinh dịch bệnh nguy hiểm; đồng thời, còn tạo ra được khí gas để đun nấu hằng ngày, nước thải sau hầm biogas để tưới cây, nuôi trùn quế...”.

Tuy nhiên, theo ông Triệu Văn Kinh, Chủ tịch UBND xã Minh Tiến, lợi ích của chăn nuôi ATSH có thể thấy rõ nhưng gia đình chị Thanh chỉ là một trong số ít hộ dân của xã thực hiện chăn nuôi ATSH. Hiện, toàn xã có khoảng 540 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhưng chỉ có khoảng 10% hộ nuôi đáp ứng các yêu cầu của ATSH bởi nhiều nguyên nhân như: hầu hết quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, tổng đàn ít; phương pháp chăn nuôi này mất nhiều thời gian trong khâu phối trộn thức ăn nên hầu hết người dân sử dụng thức ăn công nghiệp để tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, số vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, hầm biogas tương đối lớn... người dân lại chưa nắm vững kiến thức về ATSH nên việc áp dụng còn hạn chế.

Trong chăn nuôi gia cầm, áp dụng chăn nuôi ATSH cần thực hiện nghiêm túc kỹ thuật trong chăm sóc, từ lựa chọn nguồn giống để tránh việc giống bị thoái hóa, đến lượng thức ăn hàng ngày phải phối trộn đảm bảo chất lượng và đúng hàm lượng quy chuẩn. Đồng thời, cần theo dõi lịch trình tiêm vắc-xin, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chuồng trại để giảm thiểu ô nhiễm... Tuy nhiên, chi phí đầu tư để đạt tiêu chuẩn ATSH lớn, trong khi đó, chăn nuôi gia cầm liên tục phải đối mặt với rủi ro do giá bán thấp, đầu ra không ổn định, giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh luôn rình rập, đe dọa...

Bên cạnh đó, nhiều hộ chăn nuôi tỏ ra lúng túng với việc áp dụng chăn nuôi theo hướng ATSH do ngoài việc chi phí đầu tư chuồng trại, hệ thống thu gom chất thải... thì chăn nuôi theo hướng ATSH phải đáp ứng đồng bộ các điều kiện như khu vực chăn nuôi cách xa nhà ở, có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác; trước cổng khu vực chăn nuôi và ở mỗi dãy chuồng phải có hố sát trùng; chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý đàn vật nuôi thông qua việc cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi; con giống phải có nguồn gốc, giấy kiểm định chất lượng, trước khi nhập vật nuôi phải nuôi cách ly theo quy định... cũng “làm khó” các hộ chăn nuôi khi điều kiện sản xuất không cho phép.

Hiện nay, việc đầu tư phát triển chăn nuôi ATSH vẫn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn; toàn tỉnh mới chỉ có trên 10% số hộ với khoảng 800 nghìn hộ chăn nuôi ứng dụng phương pháp chăn nuôi ATSH. Tuy nhiên, với thực tế về giá cả, dịch bệnh, yêu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn của thị trường ngày càng cao... đòi hỏi người chăn nuôi phải có sự thay đổi, chuyển biến về hình thức chăn nuôi. Vì vậy, để nhân rộng mô hình này, các sở, ban, ngành có liên quan cần tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của việc chăn nuôi theo hướng ATSH. Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật phục vụ chăn nuôi ATSH cho người sản xuất. Mặt khác, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi, tham gia vào chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn, bền vững...

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc-nbsp-van-gap-nhieu-kho-khan-225857.htm