Chăn nuôi bền vững tạo lập giá trị cộng đồng

Ngày 16/7/2014, dự án vùng chăn nuôi bò sữa bền vững chính thức khởi động tại xã Mộc Bắc (Duy Tiên – Hà Nam). Sau 5 năm hợp tác xây dựng – phát triển, FrieslandCampina Việt Nam đã bàn giao chương trình cho UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục quản lý.

Dự án là sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp đứng đầu là Tập đoàn FrieslandCampina với chính quyền tỉnh Hà Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Lan thuộc khuôn khổ chương trình kinh doanh bền vững và an ninh lương thực (FDOV). Kỳ vọng của chương trình là hình thành và phát triển vùng chăn nuôi bò sữa chuyên nghiệp và bền vững theo quy mô trang trại gia đình, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm cho lao động địa phương và giảm thiểu việc nhập khẩu sữa.

UBND tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận quản lý toàn bộ dự án sau 5 năm hợp tác phát triển cùng FrieslandCampina Việt Nam

UBND tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận quản lý toàn bộ dự án sau 5 năm hợp tác phát triển cùng FrieslandCampina Việt Nam

Đàn bò tăng nhanh, cuộc sống nông dân ổn định

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam, đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh đang tăng nhanh. Nếu như năm 2015, tổng đàn bò sữa chỉ có 2.071 con, thì đến hết năm 2020, ước đạt khoảng 4.200 con. Tốc độ tăng đàn bình quân hằng năm đạt 15,38%/năm. Trong đó, đàn bò nuôi tại các hộ, nhóm hộ dân là 4.000 con. Sản lượng sữa bò tươi năm 2020 ước đạt 11.000 tấn, tăng 7.111 tấn so với năm 2015 - thời điểm trước khi triển khai dự án. Giá trị sản phẩm đạt 143 tỷ đồng, tăng 88 tỷ đồng so với năm 2015, đóng góp khoảng 4,06% tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2020.

Với dự án “Vùng chăn nuôi bền vững”, nông dân Việt Nam được chia sẻ các kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa chuẩn quốc tế bởi các chuyên gia Hà Lan (Ảnh: FrieslandCampina Việt Nam)

Với dự án “Vùng chăn nuôi bền vững”, nông dân Việt Nam được chia sẻ các kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa chuẩn quốc tế bởi các chuyên gia Hà Lan (Ảnh: FrieslandCampina Việt Nam)

Quy mô chăn nuôi bò sữa có bước chuyển biến mạnh mẽ, từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, từ 3-5 con/hộ, nay đã phát triển theo hướng tập trung, số lượng lớn trong khu quy hoạch bước đầu hình thành được những vùng chuyên chăn nuôi bò sữa. Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ chăn nuôi bò sữa với doanh nghiệp chế biến sữa được tăng cường, 100% sản phẩm sữa bò tươi được thu mua và chế biến.

Theo ghi nhận tại trung tâm thu mua của FCV cho thấy sữa thu mua đạt chất lượng cao: hàm lượng béo trung bình là 3.7, lượng chất khô là 12.24 và hàm lượng đạm là 3.10%. Hiện tại, có 13 trại chính, gọi là trại dự án (trại FDOV), bao gồm 8 trại trong diện tích 66 ha đất tỉnh Hà Nam giao cho dự án, và 5 trại ở ngoài. Giá sữa được xác định theo chất lượng sữa, thu nhập bình quân của một trại từ tiền bán sữa là 1.905.000 đồng/ngày vào tháng 10/2016 đã tăng lên 6.310.000 đồng. Trong khi đó các hộ nông dân nuôi bò ở ngoài vùng chuyên canh bò sữa ghi nhận thu nhập bình quân từ bán sữa là 1.772.000 đồng/ngày vào năm 2018 nay tăng lên 2.186.000 đồng.

Cuộc sống nông dân đã thay đổi tích cực từ việc được đào tạo kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, kỹ năng quản lý trang trại (Ảnh: FrieslandCampina Việt Nam)

Cuộc sống nông dân đã thay đổi tích cực từ việc được đào tạo kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, kỹ năng quản lý trang trại (Ảnh: FrieslandCampina Việt Nam)

Giá trị cộng đồng được tạo lập, vùng chuyên chăn phát triển bền vững

Ông Trần Quốc Huân, Trưởng ban chỉ đạo dự án cho biết, trong luận chứng kinh tế kỹ thuật trình lên UBND tỉnh Hà Nam để xin giấy phép hoạt động cho khu chăn nuôi bò sữa tập trung, FrieslandCampina Việt Nam đã đề ra những biện pháp bền vững để cùng với chính quyền địa phương tạo ra giá trị lớn nhất từ đất. Qua đó, người nông dân có thể tiếp cận đất đai và nguồn vốn để hình thành và khai thác hiệu quả trại bò sữa quy mô nông hộ, và để các đối tác Hà Lan có thể phát huy năng lực chuyên môn của mình để tăng thêm giá trị làm ra. “Tuyên ngôn sứ mệnh của FrieslandCampina Việt Nam khi đó là 'Điều ta làm có ý nghĩa lớn. Chúng ta tin ở việc tạo lập giá trị chung với Việt Nam’. Cộng đồng chăn nuôi bò sữa đã phản ánh sinh động niềm tin và cam kết của chúng tôi." – Ông Huân chia sẻ thêm.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước CHXHCN Việt Nam cùng Thủ tướng Vương quốc Hà Lan, vào ngày 10/4/2019, bà Marjolijn Sonnema, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất Lượng thực phẩm Hà Lan đã đến thăm Dự án Phát triển Vùng chăn nuôi bò sữa bền vững tại xã Mộc Bắc. Kết thúc chuyến thăm, bà Marjolijn Sonnema chia sẻ: “Đây là một dự án rất hay và ý nghĩa với doanh nghiệp và sự phát triển dân sinh ở địa phương. Tôi đánh giá rất cao sự hợp tác của các doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam, đặc biệt là công tác trao đổi các chuyên viên kỹ thuật của cả hai phía trong dự án FDOV này”.

Thứ trưởng Marjolijn Sonnema (hàng đầu, bên phải) đánh giá cao những đóng góp của FCV trong dự án và nỗ lực của công ty cho quan hệ đối tác chiến lược hai quốc gia Hà Lan – Việt Nam (Ảnh: FrieslandCampina Việt Nam)

Thứ trưởng Marjolijn Sonnema (hàng đầu, bên phải) đánh giá cao những đóng góp của FCV trong dự án và nỗ lực của công ty cho quan hệ đối tác chiến lược hai quốc gia Hà Lan – Việt Nam (Ảnh: FrieslandCampina Việt Nam)

Khởi điểm, mô hình vùng chuyên canh bò sữa được nhìn nhận là giải pháp chuỗi giá trị tích hợp tổng thể tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ các hộ nông dân từ chăn nuôi qui mô nhỏ lẻ, kinh tế phụ tiến lên các trang trại lớn được quản lý chuyên nghiệp. Về sau, dự án đổi chiến lược từ thành lập vùng chuyên canh bò sữa sang xây dựng năng lực. Sự chuyển đổi này vẫn giữ được tính phù hợp vì vẫn đảm bảo cung cấp đều đặn thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, liên kết nông dân với các định chế tài chánh, và thị trường tiêu thụ ổn định nhờ đó duy trì việc làm và thu nhập cho nông dân chăn nuôi bò.

Theo ông Berend van Wel, Tổng Giám đốc FrieslandCampina Việt Nam, vùng chăn nuôi bò sữa bền vững tại tỉnh Hà Nam là mô hình thành công của phương thức hợp tác công- tư với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, sự hợp tác, cam kết và hỗ trợ của các đối tác Hà Lan đã xây dựng niềm tin vào những thành quả tốt đẹp từ việc chung tay tạo lập giá trị chung cho cộng đồng. Với việc chuyển giao dự án để tỉnh quản lý, cùng với những vùng chăn nuôi bò sữa bền vững đang hình thành của FCV sẽ góp phần đáng kể cho việc phát triển bộ mặt nông thôn mới của Việt Nam, cũng như nâng tầm chất lượng nguồn sữa tươi sản xuất tại Việt Nam.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/chan-nuoi-ben-vung-tao-lap-gia-tri-cong-dong-d166943.html