Chăn nuôi gia cầm cho thu nhập khá
Với tư duy nhạy bén, cùng sự mạnh dạn, quyết đoán trong phát triển kinh tế, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã đổi mới phương thức nuôi, nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gia cầm, đem lại thu nhập cao, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa, tập trung, hiện đại.
Với quy mô 7.000 gà đẻ, mỗi ngày, trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Thọ, xã Hướng Đạo (Tam Dương) thu hơn 4.000 quả trứng với mức giá hiện nay 2.700 đồng/quả, cho thu nhập hơn 10 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, thu lãi hơn 2 triệu đồng. Ngoài ra, nếu gà không bị dịch bệnh, sau thải đàn có thể bán gà thịt cũng cho nguồn thu tương đối cao.
Vốn là hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn nhưng năm 2019, toàn bộ đàn lợn của gia đình bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Với số tiền hỗ trợ của tỉnh cho các chủ nuôi có lợn bị tiêu hủy, ông Thọ đã đầu tư trang trại; mở rộng chăn nuôi gà siêu trứng quy mô lớn; chủ động kết nối với nhân viên thú y xã để chăm sóc, phòng trị bệnh, tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại.
Nhờ vậy, trang trại gà của gia đình ít bị bệnh, sinh trưởng tốt. Từ chăn nuôi, gia đình ông có điều kiện xây dựng được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi.
Theo ông Thọ, muốn gà giữ được thể trạng và đẻ nhiều, người nuôi phải chịu khó học hỏi và am hiểu kỹ thuật nuôi. Đó là theo dõi thường xuyên biểu hiện của đàn gà, cho ăn đủ khẩu phần, đúng giờ; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo định kỳ; xung quanh chuồng và trong chuồng được tiêu độc, khử trùng, đồng thời, thường xuyên thu gom xử lý chất thải; đảm bảo chuồng trại thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông, các thiết bị máng ăn, máng uống cũng bảo đảm đúng theo tiêu chuẩn.
Vừa bán 4.000 gà thịt, với giá 60 nghìn đồng/kg, bà Đinh Thị Thước, xã Hướng Đạo thu về hơn 100 triệu đồng lãi. Từ đầu năm đến nay, do đầu ra tương đối ổn định, bà Thước thu lãi ngót 300 triệu đồng. Dự kiến chục hôm nữa, bà tiếp tục xuất bán 4.000 nghìn gà thịt. Sau đó sẽ vào đàn 4.000 gà thương phẩm để phục vụ thị trường Tết.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà, bà Thước cho biết: Định kỳ 3 lần/tuần, bà xay tỏi vắt lấy nước cho gà uống, còn bã tỏi xay nhuyễn trộn cùng thức ăn giúp hạn chế bệnh đường hô hấp mãn tính trên đàn gà, giảm được chi phí thuốc, tỷ lệ chết, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Cùng với đó, thường xuyên cập nhật kiến thức chăn nuôi để áp dụng vào sản xuất. Nhờ được chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, đàn gà của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt.
Nuôi gà quy mô lớn, quan trọng nhất là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn. Chuồng trại phải mát về mùa hè, ấm về mùa đông, sạch sẽ. Mặt khác, khâu khử trùng chuồng trại phải được thực hiện thường xuyên, mỗi lần thay trấu độn chuồng phải phun thuốc khử trùng; việc tiêm phòng cho đàn gà được thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật. Nhờ vậy, đàn gà có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh.
Trước nhu cầu của thị trường tiêu dùng hướng tới sử dụng các sản phẩm an toàn, chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ chăn nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi và thực hiện quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng.
Cùng với đó, các hộ chăn nuôi đã chủ động được nguồn giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; xây dựng chuồng nuôi khép kín có hệ thống làm mát.
Theo đánh giá của các đơn vị chức năng, hiện chăn nuôi gia cầm có mức độ tăng trưởng lớn nhất trong các loại vật nuôi với đa dạng con giống. Người chăn nuôi biết dựa vào lợi thế vùng, tận dụng lợi thế của địa phương mà chọn giống gia cầm phù hợp.
Chăn nuôi gia cầm tại nhiều địa phương đã trở thành một trong những nghề sản xuất chính trong sản xuất nông nghiệp, góp phần làm thay đổi cơ cấu các ngành sản xuất trong nông nghiệp, giúp xóa đói giảm nghèo bền vững.
Tính hết tháng 8/2022, tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt hơn 12 triệu con, tăng 0,85% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đàn gà khoảng 10 triệu con chiếm hơn 86% tổng đàn. Giai đoạn 2011-2020, đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, bình quân 3,8%.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng chăn nuôi tập trung gà đẻ, gà thịt tại các huyện Tam Dương, Tam Đảo, trong đó có nhiều địa phương chăn nuôi gà trọng điểm như ở các xã: Kim Long, Hướng Đạo (Tam Dương); Tam Quan (Tam Đảo) với số lượng gà có thời điểm đạt trên 1 triệu con/xã.
Để phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển chăn nuôi theo vùng tập trung; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, nhân giống gia cầm nhất là giống gà lai, lông màu thả vườn; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP nông hộ, hữu cơ sinh thái; xây dựng và chuyển giao các mô hình chăn nuôi tiên tiến, phù hợp với từng vùng sinh thái.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/83327/chan-nuoi-gia-cam-cho-thu-nhap-kha.html