Chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường
Trong những ngày hè nắng nóng, mùi hôi thối từ các bao tải chứa xác gia cầm kết hợp với mùi từ hệ thống rãnh thoát nước khiến không khí xung quanh thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) càng trở nên ngột ngạt. Thay vì mở cửa để đón gió mát thì người dân nơi đây phải đóng chặt cửa để tránh ô nhiễm...
Sở dĩ có tình trạng này là do một số hộ gia đình ở đây chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn nhưng chưa có biện pháp xử lý nước thải, chất thải. Hầu hết nước thải, chất thải từ chăn nuôi đều được xả tự do ra môi trường, chảy lan ra con suối đầu nguồn. Bên cạnh đó, một số người thiếu ý thức còn ngang nhiên vứt cả bao tải chứa xác gia cầm ra đường. Tình trạng này không chỉ làm ô nhiễm không khí mà còn khiến nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng nặng nề.
Hộ gia đình anh P.M.H. ở thôn Tây Sơn làm nghề chăn nuôi đã gần 10 năm nay với hàng vạn con gà, hàng trăm con lợn nhưng chưa có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi. Bà N.T.L.-một người dân sống gần đó-chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, chúng tôi phải thường xuyên ngửi mùi hôi thối phát sinh trong quá trình chăn nuôi gia súc, gia cầm của hộ ông P.M.H. và một số hộ chăn nuôi khác. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu các hộ này cần phải xử lý dứt điểm mùi hôi thối, đồng thời ý kiến lên chính quyền địa phương nhưng không có kết quả”.
Theo điểm e, khoản 1, Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Điểm a, khoản 6, Điều 5 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định hành vi vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng. Đề nghị chính quyền và các cơ quan chức năng xã Bình Khê, thị xã Đông Triều tăng cường tuyên truyền, có biện pháp nhắc nhở, xử lý nghiêm để chấm dứt tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm, vứt xác động vật ra môi trường như nói trên, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân nơi đây.