Chăn nuôi phục hồi trong khó khăn

Sau nhiều tháng bán dưới giá thành sản xuất, hiện giá heo, gà đang hồi phục về mức giá người chăn nuôi có lợi nhuận. Nguyên nhân bởi nguồn cung giảm mạnh do người chăn nuôi giảm đàn trước khó khăn.

Trại gà công nghiệp tại H.Long Thành. Ảnh: B.Nguyên

Trại gà công nghiệp tại H.Long Thành. Ảnh: B.Nguyên

Giá heo, gà tăng cao so với những tháng trước đó cho thấy ngành chăn nuôi đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn đối mặt với nhiều khó khăn khi chi phí đầu vào, nhất là giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.

* Giá tăng vì nguồn cung giảm

Từ đầu tháng 6-2023, giá gà công nghiệp bắt đầu tăng trở lại và đang ở mức cao từ 32-34 ngàn đồng/kg. Khoảng 1 tháng trước đó, heo hơi hình thành mặt bằng giá mới khi tăng đến hơn 60 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đã có lợi nhuận.

Thế nhưng, vài ngày trở lại đây, giá heo hơi lại có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá heo hơi các công ty lớn bán ra thị trường có chương trình khuyến mãi giảm từ 1-1,5 ngàn đồng/kg. Giá heo hơi bán trong dân 57-59 ngàn đồng/kg, giảm từ 1-2 ngàn đồng/kg so với vài tuần trước đó.

Theo thương lái và doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, giá heo, gà tăng cao trở lại do nguồn cung giảm mạnh khi người chăn nuôi giảm đàn hoặc ngừng nuôi sau nhiều tháng dài gồng lỗ. Tuy nhiên, tình hình giá heo hơi lại quay đầu giảm giá cho thấy giá heo, gà tăng mang tính cục bộ, thiếu tính bền vững do nhu cầu của thị trường tiêu thụ vẫn tiếp tục ảm đạm.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Lê Văn Quyết nhận xét, hơn 1 tuần nay, giá gà công nghiệp tăng cao lên mức người chăn nuôi có lợi nhuận tốt. Giá gà tăng do nguồn cung giảm mạnh khi nhiều trại nuôi giảm đàn, thậm chí ngưng nuôi.

Ông Nguyễn Thanh Phi Long, đại diện Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình, đơn vị đầu tư hệ thống trang trại chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Đồng Nai chuyên cung cấp đi thị trường TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận cho biết, hiện công suất giết mổ của DN giảm 40% so với trước dịch bệnh Covid-19 do thị trường tiêu thụ chậm. Sức mua chậm nhưng giá heo, gà vẫn tăng cao là do nguồn cung giảm mạnh. Ngay cả thời điểm giá heo, gà tăng ở mức người nuôi có lợi nhuận nhưng DN nói riêng và nhiều trang trại chăn nuôi đang tạm ngưng hoạt động chưa tính chuyện đầu tư lứa mới. Ngành chăn nuôi vẫn chưa thoát khỏi khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí khác vẫn cao. Trong khi đó, thị trường đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi biến động bất thường, rủi ro thua lỗ vẫn rất cao.

* Chăn nuôi theo chuỗi cũng gặp khó

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, đến hết quý I-2023, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng 2,1 triệu con, tổng đàn gà khoảng 23,4 triệu con, giảm hơn so với thời điểm đầu năm.

Không chỉ chăn nuôi trang trại hoặc hộ gia đình quy mô nhỏ lẻ phải gồng lỗ, nhiều tập đoàn, DN đầu tư chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ cũng đối mặt với nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Văn Cường, chủ trang trại nuôi gà công nghiệp gia công tại xã Phú Xuân (H.Tân Phú) cho hay, giá gà công nghiệp liên tục giảm sâu trong nhiều tháng khiến các DN chăn nuôi đầu tư theo chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm cũng bị thua lỗ nặng. Chia sẻ khó khăn với DN, các trại nuôi gia công đồng thuận giảm giá bán thấp hơn giá bao tiêu DN đã ký hợp đồng trước đó. Thời gian qua, các trang trại chăn nuôi gia công phải giảm bớt lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với DN.

Các DN, cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh gặp khó khi giá heo, gà đầu vào tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ vẫn chậm do người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu. Nhiều khách hàng hoạt động trong lĩnh vực bếp ăn công nghiệp và chế biến hiện đều giảm lượng đơn hàng.

Công nhân của một lò giết mổ tại TP.Biên Hòa tổ chức pha lóc thịt heo

Công nhân của một lò giết mổ tại TP.Biên Hòa tổ chức pha lóc thịt heo

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu (ở TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, từ sau đại dịch Covid-19, công suất giết mổ của DN giảm hơn so với trước. Nguyên nhân chính vì người dân cắt giảm chi tiêu, một phần do xu hướng người tiêu dùng chuyển sang ăn chay, giảm tiêu dùng thịt. Trước khó khăn về đầu ra, DN đang đầu tư vào khâu chế biến sản phẩm từ thịt như: giò hoa ngũ thảo, chả lụa, lạp xưởng, xúc xích… Có lợi thế đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại, DN khai thác thị trường ngách khi linh động tổ chức việc giết mổ, pha lóc thịt, có đội xe cung cấp thịt cho khách hàng theo giờ. Nhiều khách hàng cần nguồn thịt nóng để làm chả giò DN vẫn đáp ứng được trong khi những tập đoàn lớn không có lợi thế này.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202306/chan-nuoi-phuc-hoi-trong-kho-khan-3169005/