Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo: Hướng đi hiệu quả ở Bình GiaTin khácThể lệ tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm 'Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' năm 2022Tổng đài viên đặc biệt: Chỗ dựa vững chắc cho F0 điều trị tại nhà

Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bình Gia đã chủ động phát triển các mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Hướng đi này đã mang lại hiệu quả thiết thực, đem lại thu nhập cao cho người dân, góp phần thúc đẩy chăn nuôi bền vững của huyện.

Những ngày giữa tháng 3/2022, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình ông Lăng Văn Eng, thôn Nà Bản, xã Hồng Thái – một trong những hộ điển hình trong phong trào chăn nuôi bò vỗ béo đem lại thu nhập cao.

Mô hình nuôi bò vỗ béo của người dân xã Thiện Long

Mô hình nuôi bò vỗ béo của người dân xã Thiện Long

Dẫn chúng tôi tham quan chuồng trại, ông Eng cho biết: Năm 2017, được tham gia các lớp tập huấn của xã, huyện, gia đình tôi biết đến phương pháp nuôi bò vỗ béo và đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi bò. Từ đó, trong chuồng luôn duy trì từ 30 đến 40 con. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán khoảng 20 con bò, đem lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Cũng chăn nuôi theo hướng nhốt chuồng vỗ béo, gia đình ông Phạm Văn Duệ, thôn Kéo Coong, xã Tân Văn chọn hướng phát triển đàn trâu. Ông Duệ chia sẻ: Nếu như trước đây, chăn nuôi truyền thống phải mất 3 năm, tôi mới nuôi được một lứa trâu để bán thì hiện nay, mỗi năm, gia đình tôi vỗ béo được 2 lứa trâu, mỗi lứa 10 con, cho lãi trên 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, với hình thức chăn nuôi này giúp tôi tiết kiệm thời gian, mỗi ngày tôi chỉ mất vài tiếng cho trâu ăn và vệ sinh chuồng trại.

Không chỉ 2 hộ trên, khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào nuôi trâu, bò vỗ béo được nhiều người dân trên địa bàn huyện áp dụng vào thực tế để phát triển kinh tế gia đình. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia, đến nay, toàn huyện có 7.805 con trâu, 2.862 con bò. Toàn huyện có trên 300 hộ phát triển mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo theo hướng hàng hóa với số lượng từ 10 con/hộ trở lên, tập trung nhiều ở các xã như: Hồng Thái, Tân Văn, Hoa Thám, thị trấn Bình Gia, Hưng Đạo, Minh Khai…

Để tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi, hằng năm, các cơ quan chuyên môn huyện thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con, trung bình từ 15 đến 20 lớp/năm. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại bệnh cho đàn trâu, bò, hằng năm, thực hiện tiêm phòng 2 đợt/năm. Từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã thực hiện tiêm phòng cho trâu, bò được 14.533 lượt con, phòng các bệnh như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng; cấp phát 1.004 lít thuốc sát trùng để phun khử trùng vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Nhờ đó, đàn trâu, bò của huyện phát triển ổn định, hiện không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo không chỉ giúp bà con giảm công lao động mà còn tăng thu nhập so với chăn nuôi truyền thống. Nếu chăn nuôi truyền thống phải mất từ 3 đến 5 năm thì với hình thức nuôi vỗ béo chỉ 1 năm là người dân có thể xuất bán. Theo tính toán, 1 con trâu, bò nuôi vỗ béo giúp người dân thu lãi 1 triệu đồng/con/tháng (nếu chăn nuôi tốt có con được 5 triệu đồng/con/tháng), giá trị kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần so với chăn thả tự nhiên. Từ hiệu quả như vậy, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền bà con tập trung phát triển và nhân rộng mô hình này, đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi… Từ đó, hình thành các mô hình chăn nuôi quy mô lớn theo hướng hàng hóa, hướng đến phát triển vùng chăn nuôi tập trung.

Từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự chủ động của người dân, mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân các hộ có thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 41 triệu đồng/người/năm, tăng 23,4 triệu đồng so với năm 2016.

HIỂU LAM

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/488327-chan-nuoi-trau-bo-vo-beo-huong-di-hieu-qua-o-binh-gia.html