Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo ở Chi Lăng: Nhân rộng mô hình điểmTin khácThông tin về đầu mối liên lạc, ứng trực 24/24 giờ hỗ trợ công dân nước ngoài của Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng SơnThư kêu gọi vận động ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19

Thời gian qua, từ hiệu quả kinh tế rõ rệt của mô hình vỗ béo trâu, bò tại xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình này. Qua đó, góp phần giúp bà con chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định.

Trước đây, người dân xã Bằng Hữu chủ yếu chăn nuôi trâu, bò theo phương pháp truyền thống nên hiệu quả thấp. Năm 2020, xã Bằng Hữu được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ triển khai mô hình vỗ béo trâu bò với 98 hộ dân tham gia. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với UBND xã Bằng Hữu hỗ trợ thức ăn cho 180 con trâu, bò của các hộ trên. Đồng thời, các hộ dân tham gia được hỗ trợ 50% kinh phí mua thức ăn, thuốc thú y và được tập huấn quy trình chăn nuôi.

Người dân xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng chăm sóc đàn bò

Người dân xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng chăm sóc đàn bò

Ông Lý Văn Làn, thôn Kéo Phị, xã Bằng Hữu, là người dân tham gia mô hình vỗ béo trâu, bò cho biết: Đầu năm 2020, được xã tuyên truyền, vận động, tôi đã quyết định đầu tư chuồng trại và nuôi 10 con trâu, bò. Tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 540 kg cám để làm thức ăn cho trâu, bò và tập huấn kỹ thuật chăm sóc, trị bệnh cho trâu, bò và cách trộn thức ăn theo tỷ lệ để đạt hiệu quả cao. Nhờ đó, sau 3 tháng, gia đình tôi đã xuất chuồng cả 10 con bò, thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi nuôi được 4 lứa như trên.

Qua triển khai cho thấy, mô hình này đã dần giúp người dân chăn nuôi tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Sau 3 tháng triển khai, với mỗi con trâu, bò xuất bán, người dân thu lãi từ 3 đến 4 triệu đồng.

Từ kết quả trên, Phòng NN& PTNT huyện Chi Lăng và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với UBND các xã tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình này. Theo đó, từ đầu năm đến hết tháng 9 năm 2021, Phòng NN& PTNT huyện đã tổ chức được 15 lớp tập huấn chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân tại các xã, thu hút hơn 2.245 lượt người tham gia. Trong đó, các nội dung tập huấn gồm: cách lựa chọn con giống; kỹ thuật chăm sóc, trộn thức ăn để trâu, bò tăng cân đều; cách phòng, chống dịch bệch thường gặp. Bên cạnh đó, đơn vị còn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ voi để chủ động về nguồn thức ăn cho trâu, bò; cấp phát 1.750 tờ rơi và 120 tờ áp phích tuyên truyền về phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. Ngoài ra, huyện hỗ trợ kinh phí tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trâu, bò.

Nhận thấy mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân trong huyện đã học tập, làm theo. Điển hình như hộ ông Nông Văn Còn, thôn Nà Pe, xã Bằng Mạc cuối năm 2020 nuôi 24 con trâu, bò. Ông Còn cho biết: Sau khi được tham gia các lớp tập huấn của Phòng NN&PTNT huyện tổ chức và được tham quan, học hỏi tại một số mô hình điểm trên địa bàn huyện, tôi nhận thấy triển vọng phát triển kinh tế từ mô hình vỗ béo trâu, bò là rất lớn. Vì thế, cuối năm 2020, gia đình tôi đã quyết định đầu tư trên 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và trồng gần 2 ha cỏ voi để làm nguồn thức ăn cho trâu, bò. Sau 3 tháng, lứa đầu tiên tôi xuất bán 24 con thu nhập gần 100 triệu đồng. Từ đó đến nay, đàn trâu, bò của gia đình tôi luôn duy trì ở mức 24 con. Thu nhập từ mô hình mỗi năm của gia đình tôi đạt trên 250 triệu đồng. Năm tới, gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô chuồng trại, phát triển đàn lên 35 – 40 con/lứa.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng, đến nay, trên địa bàn huyện có 113 hộ nuôi vỗ béo trâu, bò với tổng số 514 con, được nuôi tập trung tại các xã: Vạn Linh, Bằng Mạc, Hòa Bình… Từ mô hình trên, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm như: hộ ông Nông Văn Thi (thôn Nà Lai, xã Vạn Linh), ông Hoàng Văn Khởi (thôn Nà Pe, xã Bằng Mạc)…

Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo là một trong những hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Do đó, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng chăn nuôi hàng hóa, hướng đến phát triển các vùng chăn nuôi tập trung. Đồng thời, làm tốt công tác dự báo thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi.

Tin rằng, với sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng, sự hưởng ứng tích cực của người dân, thời gian tới, mô hình vỗ béo trâu, bò trên địa bàn huyện tiếp tục được nhân rộng. Qua đó, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển mạnh, bền vững, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

NGUYỄN PHÚC

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/451641-chan-nuoi-trau-bo-vo-beo-o-chi-lang-nhan-rong-mo-hinh-diem.html