Chặn 'rác' văn hóa trên cõi mạng

Cư dân mạng vừa chế ra một trend mới sau vụ Youtuber Thơ Nguyễn 'cầu vía học giỏi', đó là: trẻ em Việt đang sống trong thời đại chịu sự chi phối của 4 cô: cô giáo, cô Thơ, Cô - vít và ..cô đơn.

Kênh Youtube Thơ Nguyễn hiện có 8,76 triệu người theo dõi vừa gặp sự cố khi đăng video "cầu vía học giỏi". Ảnh: cắt từ video

1. Tất nhiên, đó chỉ là cách nói vui nhưng nó ngầm ý chỉ sức ảnh hưởng cực lớn của Youtuber Thơ Nguyễn đối với rất nhiều trẻ em.

Nếu làm một phép thử điều tra xã hội học đối với trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, nhất là học sinh ở thành phố, rất ít em không biết, hoặc chưa từng xem kênh Youtube Thơ Nguyễn.

Số lượng 8,76 triệu người đăng ký theo dõi kênh Youtube Thơ Nguyễn cho thấy, cô này đã thực sự là “người của công chúng” theo cả hai nghĩa. Trong mắt rất nhiều em học sinh, Thơ Nguyễn chính là “cô giáo số”, “chị Đại online”.

Xét về lượt xem video, kênh Thơ Nguyễn xếp hạng 1.073 toàn cầu về lượng người theo dõi và xếp thứ 7 tại Việt Nam theo tiêu chí này. Đó là những con số “vàng” đối với giới kinh doanh trên nền tảng công nghệ số. Đáng tiếc là sản phẩm của nó lại là thứ “vàng thau” lẫn lộn.

Mới đây, Thơ Nguyễn đã sản xuất một video “cầu vía học giỏi” bằng cách nói chuyện với búp bê có tên là Cư Ma Mập, bị coi là phản cảm, không hợp với thuần phong mỹ tục, có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan.

Như một phản ứng đã được “lập trình”, các ngành chức năng đã vào cuộc, kênh Youtube Thơ Nguyễn đối mặt với nguy cơ bị xử phạt.

2. Nhiều người nói, thời 4.0, chúng ta phải chấp nhận sống chung với mạng xã hội. Nó tựa như một ngôi nhà không cửa, có cả gió mát mà gió độc, thoải mái ra vào. Nếu kênh Thơ Nguyễn không hấp dẫn, tại sao có tới gần 9 triệu lượt người đăng ký theo dõi. Trong số đó, đa phần là người lớn ấn nút đăng ký giúp trẻ em? Và nếu không thích kênh này, có thể hủy đăng ký, lựa chọn kênh khác.

Một điều khá kỳ lạ, không theo “logic truyền thống”, đó là kể từ ngày gặp sự cố khủng hoảng truyền thông, kênh Youtube Thơ Nguyễn không hề giảm số lượng người đăng ký theo dõi.

Một video chia sẻ kinh nghiệm học tập để giành Huy chương vàng Olimpic toán quốc tế sẽ không thể chiếm view bằng một clip “chém gió”, “chửi đổng” của Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền hay một đoạn “dạy làm giàu” của Huấn Hoa Hồng.

Thời 4.0, có những giá trị đã bị đảo lộn. Chính sự tò mò, hiếu kỳ của cư dân mạng đã trở thành mảnh đất màu mỡ để các nhà kinh doanh trực tuyến khai thác, làm giàu. Thị trường số trở thành thị trường phi truyền thống mà hành lang bảo vệ nó chưa theo kịp tốc độ chóng mặt của công nghệ.

Điều đáng nói là không phải chờ đến vụ “cầu vía học giỏi” của Thơ Nguyễn, trước đó, Hưng Vlog, Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng… cũng đã từng bị xử phạt. Nhưng có vẻ "kháng sinh" chưa đủ liều để diệt trừ những thứ “nấm độc” trên mạng. Phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đối với những Youtuber kiếm tiền tỷ từ thế giới ảo thậm chí lại làm cho họ thêm nổi tiếng thêm.

3. Sau vụ việc lùm xùm từ Youtuber Thơ Nguyên, một số phụ huynh đã kêu gọi tẩy chay, đồng thời kiện kênh Youtube này. Tẩy chay thì vốn đã là trào lưu mỗi khi xảy ra một sự cố nào đó nhưng khởi kiện một hiện tượng phản văn hóa trên mạng dường như là chuyện chưa từng có tiền lệ ở ta. Nhất là sự việc đó lại không liên quan cụ thể đến một đứa trẻ nào, một gia đình cụ thể nào mà là việc của …xã hội.

Đến lúc này, ngoài các cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực an ninh mạng, chưa thấy các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội liên quan đến văn hóa và quyền trẻ em có văn bản chính thức thể hiện quan điểm trong vụ việc trên.

Còn nhớ, năm 1968, tại tiểu bang Nevada nước Mỹ, một bà mẹ đã thắng kiện nhà trường bởi họ đã “trót” dạy cho cô con gái Edith 3 tuổi biết đọc chữa “O”. Lý do khởi kiện của bà làm cho người khác vô cùng kinh ngạc, là bởi trường mầm non đã tước đi khả năng tưởng tượng của Edith. Bởi vì khi chưa biết chữ “O”, con gái bà có thể nói “O” là mặt trời, là quả táo, là quả trứng gà…

Một câu chuyện xảy ra hơn nửa thế kỷ ở phía bên kia bán cầu thời chưa có mạng xã hội nhưng vẫn là chuyện …lạ ở ta. Rằng, ngay cả việc tước đi quyền được tưởng tượng của trẻ em thôi đã phạm luật. Còn ở ta, các video nhảm nhí, phản văn hóa đang từng ngày gặm nhấm nhân cách những mầm non tương lai vẫn đang tồn tại hằng ngày và được chia sẻ, theo dõi với tốc độc chóng mặt?

Đã đến lúc, cần phải có tiêu chí hành nghề cho Youtuber. Nội dung đăng tải của những kênh Youtube có số lượng người theo dõi nhiều cần phải được xem như sản phẩm kinh doanh, bên cạnh hàng rào của chính Youtube phải được kiểm định, đánh giá chất lượng của cơ quan chức năng. Cần phải có giới hạn những gì được làm, những gì không được làm. Nếu đi quá giới hạn cho phép, cần phải mạnh tay đóng kênh. Còn nếu cứ tiếp tục sai đến đâu xử đến đó thì chẳng khác nào tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, gió đến đâu, chắn đến đó.

Quang Duy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chan-rac-van-hoa-tren-coi-mang-post123386.html