Chặn sim 'rác': Cơ quan quản lý, nhà mạng cùng vào cuộc

Nhằm ngăn chặn sim 'rác', góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, quyền lợi của khách hàng, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bắc Giang cùng các nhà mạng đã tích cực thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Xử lý nhiều vi phạm

Tại Bắc Giang, hoạt động kinh doanh sim “rác” hiện không sôi động, công khai như những năm trước. Thế nhưng với quyết tâm loại bỏ triệt để sim “rác”, vừa qua, Sở TT&TT đã kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý thông tin thuê bao di động trả trước đối với 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động trả trước trên địa bàn gồm: Viettel Bắc Giang, Trung tâm Kinh doanh VNPT Bắc Giang và Mobifone Bắc Giang.

Nhân viên Trung tâm Kinh doanh VNPT Bắc Giang hướng dẫn khách hàng bổ sung thông tin đăng ký cho thuê bao di động trả trước.

Nhân viên Trung tâm Kinh doanh VNPT Bắc Giang hướng dẫn khách hàng bổ sung thông tin đăng ký cho thuê bao di động trả trước.

Đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra điều kiện của 15 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của 3 doanh nghiệp trên. Kết quả cho thấy, 3/15 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của nhà mạng Viettel không bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 49/2017/NĐ-CP; 457 thuê bao thuộc nhà mạng VNPT và Mobifone có ảnh chân dung không chụp ở điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.

Sở đã yêu cầu Viettel Bắc Giang tạm dừng việc cấp quyền đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước (đăng ký mới) đối với các điểm này, hướng dẫn các chủ điểm bổ sung, hoàn thiện các điều kiện cung cấp dịch vụ viễn thông bảo đảm theo quy định. Đối với thuê bao đăng ký sai, Sở yêu cầu các đơn vị thông báo tới khách hàng thực hiện lại theo đúng quy định.

Cùng với hoạt động thanh tra của cơ quan chức năng, thời gian qua, 3 nhà mạng trên cũng chủ động kiểm tra, rà soát và chặn khóa hai chiều hơn 304 nghìn thuê bao do nghi ngờ kích hoạt sẵn nhằm loại bỏ sim “rác”. Trong đó VNPT Bắc Giang có nhiều thuê bao vi phạm nhất, gồm: Hơn 235 nghìn thuê bao vi phạm, trong đó có hơn 76,7 nghìn thuê bao bị khóa 2 chiều; gần 99 nghìn thuê bao phải cập nhật lại thông tin và hơn 59,5 nghìn thuê bao bị thu hồi.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Bắc Giang, để ngăn chặn sim “rác”, VNPT đã quét toàn bộ hệ thống mạng và các thuê bao với 2 bộ tiêu chí: Tiêu chí theo thông tin thuê bao trên hệ thống và tiêu chí căn cứ trên thực tế sử dụng để giảm thiểu và ngăn ngừa tối đa tình trạng sim kích hoạt sẵn, sim “rác” trên địa bàn. Mobifone Bắc Giang cũng tìm ra hơn 9,6 nghìn thuê bao vi phạm...

Kiểm soát qua ứng dụng công nghệ số

Theo ông Lê Hồng Việt, Chánh Thanh tra Sở TT&TT, hiện Bắc Giang có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động. Thời gian qua, các doanh nghiệp này chấp hành khá tốt những quy định của pháp luật trong quản lý thông tin thuê bao di động trả trước. Tuy nhiên, còn một số nội dung thực hiện chưa đúng. Nguyên nhân là do các biện pháp được áp dụng để hạn chế, loại bỏ sim “rác” chưa hữu hiệu. Trong khi đó vấn đề phát sinh từ sim “rác” gây nhiều bức xúc trong xã hội như tin nhắn, thư điện tử “rác”, cuộc gọi lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Vừa qua, 3 nhà mạng gồm: Viettel Bắc Giang, Trung tâm Kinh doanh VNPT Bắc Giang và Mobifone Bắc Giang cũng chủ động vào cuộc kiểm tra, rà soát và chặn khóa hai chiều hơn 304 nghìn thuê bao do nghi ngờ kích hoạt sẵn nhằm loại bỏ sim “rác” một cách quyết liệt".

Ông Lê Hồng Việt, Chánh Thanh tra Sở TT&TT.

Để hạn chế tình trạng trên, năm 2017, Bộ TT&TT đã ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Theo đó, Bộ TT&TT yêu cầu doanh nghiệp viễn thông di động phải xây dựng ngay hệ thống kiểm soát nội bộ, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tự động hóa trong việc cập nhật, rà soát lại thông tin thuê bao.

Thời gian qua, UBND tỉnh cũng quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán, đăng ký, quản lý thông tin thuê bao tại điểm bán sim, đăng ký thông tin thuê bao trên địa bàn. Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích sử dụng sim chính chủ, tác hại của việc sử dụng sim “rác”; mức xử phạt với những trường hợp vi phạm trong quản lý, kinh doanh, sử dụng thuê bao di động.

Được biết, để tăng cường việc xác thực thông tin thuê bao, hiện nay, nhà mạng viễn thông triển khai giải pháp công nghệ cuộc gọi hình ảnh (video-call) để xác thực khách hàng trước khi kích hoạt thuê bao. Giải pháp công nghệ này được tích hợp trên thiết bị đầu cuối tại các cửa hàng của nhà mạng. Nhà mạng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc đăng ký, quản lý thông tin thuê bao. Vì vậy, các nhà mạng thống nhất không cho phép đại lý ủy quyền kích hoạt sim như trước.

Đại diện nhà mạng Viettel Bắc Giang thông tin, đơn vị thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về công nghệ để quản lý sim ngay từ khi bán cho khách, bảo đảm toàn bộ sim phải được đăng ký chính chủ, đúng quy định.

Ngoài việc sử dụng cuộc gọi có hình ảnh để xác thực khách hàng chính chủ mua sim, đơn vị còn tiếp nhận, giám sát kích hoạt sim được thực hiện trên hệ thống quản lý tập trung của Viettel, theo đúng quy trình như: Công nghệ AI eKYC tự động nhận diện.

Đơn vị cũng đưa ra các bộ tiêu chí để hệ thống nghi ngờ, phát hiện sim rác như: Trong tháng phát sinh tiêu dùng các tài khoản dưới 3 nghìn đồng, phát sinh dưới 5 cuộc gọi hoặc dưới 5 phút, phát sinh dưới 10MB lưu lượng Data… Đối với những thuê bao này, Viettel liên tục nhắn tin trong 5 ngày, mỗi ngày 1 lần yêu cầu tổ chức, cá nhân đăng ký lại thông tin theo yêu cầu.

Nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện sẽ tạm khóa 1 chiều sau 15 ngày, khóa 2 chiều sau 15 ngày tiếp theo và thanh lý chấm dứt thuê bao sau 30 ngày kế tiếp. Bằng cách làm này, Viettel Bắc Giang đang là một trong những nhà mạng lớn nhất nhưng có tỷ lệ thuê bao di động vi phạm ít nhất.

Thực tế cho thấy việc ngăn chặn triệt để sim “rác” không đơn giản và phải thực hiện theo lộ trình. Thời gian tới, Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, quyết tâm vào cuộc từ phía các nhà mạng và tích cực ứng dụng CNTT sẽ mang lại kết quả tốt nhất. Tại Bắc Giang, UBND tỉnh tích cực chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này.

Bài, ảnh: Minh Hương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/378378/chan-sim-rac-co-quan-quan-ly-nha-mang-cung-vao-cuoc.html