Chặn sóng 2G sớm, sợ thiếu điện thoại 'cục gạch'

Nhiều người sử dụng điện thoại phím bấm không thực hiện được cuộc gọi đi dù chưa đến thời hạn tắt sóng 2G. Vội vã mua điện thoại phím bấm hỗ trợ 4G trên mạng, một số người đã bị lừa.

Theo lộ trình dừng mạng di động 2G tại Việt Nam mà Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, từ ngày 16-9-2024 sẽ không cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn 2G. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 này, nhiều người sử dụng điện thoại phím bấm đã không thể thực hiện chiều gọi đi, chỉ có thể nhận cuộc gọi đến.

Theo các nhà mạng, việc chặn chiều gọi đi sớm hơn quy định để nhắc nhở người dùng nhanh chóng chuyển đổi thiết bị phù hợp, tránh bị ảnh hưởng khi chính thức tắt sóng 2G.

Nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng để rao bán điện thoại phím bấm có hỗ trợ 4G với giá rẻ, chỉ 200.000 - 300.000 đồng/máy. Một số người mua hàng phản ánh sau khi đặt mua trên mạng, họ nhận được những chiếc điện thoại "cục gạch" đã qua sử dụng và không hỗ trợ sóng 4G. Thậm chí, trên mạng xã hội còn rao bán các dòng feature phone 4G với giá rẻ bất ngờ, chỉ 150.000 - 200.000 đồng/chiếc, nhưng khi nhận hàng, người mua mới phát hiện đây là điện thoại bàn phím 2G thông thường.

Thông tin từ Viettel Telecom cho hay gần đây nhận được phản ánh của khách hàng về việc bị lừa mua phải điện thoại "cục gạch" sóng 2G, được giới thiệu là feature phone 4G. Trước đó, nhà mạng này đã tắt sóng 2G tại 700 huyện trên cả nước và đặt mục tiêu giảm số lượng thuê bao 2G xuống khoảng 2,2 triệu vào giữa tháng 9 tới.

Liên quan thị trường điện thoại phím bấm hỗ trợ sóng 4G, các hệ thống bán lẻ như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Di Động Việt, CellphoneS đều cho biết có nguồn hàng đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tại hệ thống bán lẻ có thị phần lớn nhất hiện nay là Thế Giới Di Động, sức mua điện thoại phím bấm giá rẻ hỗ trợ sóng 4G tăng gấp 10 lần so với thời điểm tháng 7, từ 1.500 vọt lên 15.000 máy/ngày. Trước sức mua tăng đột biến, một số cửa hàng có nguy cơ thiếu nguồn cung trong thời gian tới.

Với dòng smartphone giá rẻ 2 - 3 triệu đồng/máy, Thế Giới Di Động ghi nhận sức mua tăng 15% - 20%, đạt doanh số 250.000 máy/ngày. Hệ thống phải tăng nguồn dự trữ thêm khoảng 30% so với thông thường.

Tuy nhiên, các hãng điện thoại giá rẻ và hệ thống bán lẻ đang lưỡng lự trước thông tin một số nhà mạng có công văn xin gia hạn cắt sóng 2G. Nếu hệ thống trữ lượng hàng lớn mà nhà mạng không cắt sóng, hàng tồn sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Chưa kể, hồi đầu năm, cơ quan quản lý thông tin có đến 20 triệu thuê bao sóng 2G. Song, hiện nay có nhiều thông tin cho thấy chỉ có hơn 10 triệu thuê bao đang hoạt động. Các hãng và hệ thống bán lẻ phải vừa sản xuất, tiêu thụ vừa quan sát thị trường để tránh rủi ro.

Nguyễn Hải - Ngọc Ánh - Vương Fương Anh -

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chan-song-2g-som-so-thieu-dien-thoai-cuc-gach-196240809221410876.htm