Chấn thương của tiền đạo Bùi Vĩ Hào nặng đến mức nào

Chuyên gia đánh giá Bùi Vĩ Hào gặp chấn thương nặng, có thể mất thời gian rất dài để hồi phục và trở lại thi đấu.

 Vĩ Hào lần đầu lên tuyển Việt Nam dưới thời HLV Philippe Troussier, là cầu thủ trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Minh Chiến.

Vĩ Hào lần đầu lên tuyển Việt Nam dưới thời HLV Philippe Troussier, là cầu thủ trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Minh Chiến.

Trong buổi tập chuẩn bị cho trận tứ kết Cúp Quốc gia 2024/25, Bùi Vĩ Hào không may gặp chấn thương lúc tự tập luyện.

Ban đầu, chấn thương của nam tiền đạo có vẻ không quá đáng kể. Tuy nhiên, kết quả chụp phim ghi nhận mức độ tổn thương nghiêm trọng hơn dự đoán: gãy 1/3 dưới xương mác và đứt dây chằng Delta cổ chân.

Ngay lập tức, CLB Bình Dương đã chủ động tìm kiếm phương án điều trị tốt nhất cho Vĩ Hào. Theo kế hoạch, anh sẽ được đưa vào TP.HCM nhập viện sáng 3/4 và mổ vào chiều cùng ngày.

Sinh năm 2003, Bùi Vĩ Hào là tiền đạo hàng đầu của U23 Việt Nam hiện nay, đồng thời là cầu thủ U23 duy nhất đá chính trong đội hình tuyển Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024.

Thông tin về chấn thương nghiêm trọng của anh khiến người hâm mộ lo lắng. Việc nam cầu thủ có thể góp mặt trong các giải đấu quan trọng sắp tới, như vòng loại Giải U23 châu Á 2026 vào tháng 9 hay SEA Games 33 vào cuối năm, đang trở thành nỗi lo lớn.

Chấn thương nặng nhất trong các loại chấn thương thể thao

Trao đổi nhanh với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa II Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, nhận định chấn thương của cầu thủ Bùi Vĩ Hào thuộc nhóm nghiêm trọng nhất trong các chấn thương thể thao.

Tổn thương này thường xảy ra khi khớp cổ chân bị xoay quá mức. Cụ thể, trong tình huống này, bàn chân sẽ bị xoay vào trong trong khi cẳng chân xoay ra ngoài, vượt quá giới hạn vận động của khớp, từ đó dẫn đến chấn thương.

Nguyên nhân chấn thương cổ chân có thể xuất phát từ hai yếu tố: tác động bên ngoài hoặc tự chấn thương. Trong trường hợp của Vĩ Hào, chấn thương xảy ra do động tác đổi hướng đột ngột trong lúc tập luyện, khi bàn chân vẫn còn tiếp xúc với mặt sân, khiến cổ chân bị xoắn vặn quá mức.

Nếu lực xoắn chỉ ở mức trung bình, tổn thương thường chỉ ảnh hưởng đến dây chằng. Tuy nhiên, khi lực tác động quá lớn, có thể gây tổn thương nghiêm trọng hơn như gãy mắt cá ngoài và đứt dây chằng Delta.

 Vĩ Hào có thể phải mất thời gian dài để hồi phục sau chấn thương. Ảnh: Minh Chiến.

Vĩ Hào có thể phải mất thời gian dài để hồi phục sau chấn thương. Ảnh: Minh Chiến.

Chấn thương tự thân tuy có lực không cao so với chấn thương do tác động bên ngoài nhưng lại tạo ra tác động xoắn mạnh, dễ dẫn đến tổn thương kết hợp giữa xương và dây chằng vùng cổ chân.

Theo bác sĩ Vũ, so với các dạng chấn thương phổ biến trong thể thao như gãy xương ống đồng của Xuân Son hay tổn thương dây chằng đầu gối của Hồ Tấn Tài, chấn thương vùng cổ chân được đánh giá là nghiêm trọng hơn.

Lý giải nhận định này, vị chuyên gia cho biết vùng cổ chân có một cấu trúc khớp quan trọng gọi là khớp gọng chày - mác, nơi xương sên bị kẹp giữa hai xương lớn của cẳng chân là xương chày và xương mác.

Để duy trì sự ổn định của khớp này, xương sên phải đủ vững chắc trong khi hệ thống dây chằng cần linh hoạt để hỗ trợ các hoạt động như đi lại, chạy nhảy. Khi khu vực này bị tổn thương, khả năng di chuyển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, quá trình hồi phục cũng kéo dài và phức tạp hơn so với các chấn thương khác.

Mất một năm để trở lại sân cỏ

Theo bác sĩ Vũ, với mức độ tổn thương nghiêm trọng này, phẫu thuật là điều kiện tiên quyết. Quá trình can thiệp sẽ bao gồm cố định xương mắt cá ngoài, khóa khớp gọng chày - mác để đảm bảo sự ổn định và khâu lại dây chằng Delta nhằm khôi phục chức năng cổ chân.

Đối với chấn thương gãy xương, phẫu thuật sẽ tập trung vào việc kết hợp xương bằng cách cố định bởi vít và nẹp.

Mặc dù vậy, tổn thương này vẫn ít nghiêm trọng hơn so với chấn thương dây chằng hoặc tổn thương sụn khớp xương sên.

 Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn động viên Vĩ Hào trong một trận đấu. Ảnh: Minh Chiến.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn động viên Vĩ Hào trong một trận đấu. Ảnh: Minh Chiến.

Ca phẫu thuật có thành công thì quá trình hồi phục của Vĩ Hào vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Do cổ chân là bộ phận thấp nhất cơ thể, khi vận động, đi đứng, máu dễ dồn xuống khu vực này, gây sưng tái phát nhiều lần và làm chậm quá trình hồi phục. Điều này khiến nam cầu thủ không thể vận động sớm như các loại chấn thương khác. Nếu đứng dậy hoặc tập luyện quá sớm, tình trạng sưng đau có thể gia tăng, buộc cầu thủ phải kéo dài thời gian tịnh dưỡng.

Ngoài ra, xương sên – bộ phận quan trọng giúp chịu lực khi con người đứng, đi lại và nhảy – cũng là một yếu tố đáng lo ngại. Khi xuất hiện vết nứt hoặc tổn thương tại đây, dù đã qua phẫu thuật, bệnh nhân vẫn dễ cảm thấy đau nhói khi vận động mạnh, đặc biệt là trong các động tác đặc trưng của bóng đá như bật nhảy, rê bóng hay trụ để sút.

Nặng nề nhất, việc tập phục hồi chức năng không đúng cách hoặc quay lại tập luyện khi cổ chân chưa đủ vững có thể làm tăng nguy cơ tái chấn thương, kéo dài thêm thời gian điều trị. Với mức độ tổn thương như trên, bác sĩ Vũ nhận định Vĩ Hào cần ít nhất một năm để có thể trở lại sân cỏ.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chan-thuong-cua-tien-dao-bui-vi-hao-nang-den-muc-nao-post1542708.html