'Chẩn trị' từ nhận thức sai lạc
Tình trạng mạo danh bác sĩ để chữa bệnh, bán thuốc: Cần nâng cao cảnh giác
(HNM) - Cùng với việc tự kê đơn (người bệnh chỉ định thuốc cho mình, người thân), dược sĩ kê đơn (người bán thuốc tư vấn, bán thuốc cho người bệnh), thăm khám ở… “bác sĩ Google”, thì tình trạng sử dụng lại đơn thuốc, mượn đơn thuốc khi bệnh tái phát cũng diễn ra tương đối phổ biến. Hậu quả của tình trạng này là bệnh không khỏi, kháng thuốc, bệnh nặng hơn, thậm chí tai biến…
"Căn bệnh" trên có nguyên nhân gốc rễ từ nhận thức sai lệch của người bệnh. Rất nhiều người quan niệm đơn giản khi bệnh chứng tương tự bệnh đã từng bị thì cứ đơn thuốc cũ mà dùng. Rồi không ít người khi nghe người khác miêu tả, kể lại bệnh có vẻ như mình đang mắc thì… hồn nhiên mượn đơn thuốc về tự điều trị theo. Nguyên nhân khách quan, gián tiếp khác là tâm lý ngại đi bệnh viện, mạng lưới y tế gia đình chưa phát triển, y tế cơ sở thì vẫn chịu nhiều định kiến. Đó là chưa kể, thời buổi thông tin mạng phát triển, “bác sĩ mạng” mang lại nhiều thông tin bổ trợ, giúp kiểm chứng chéo khiến nhiều người thêm vững tâm để tái sử dụng đơn thuốc, mượn đơn thuốc.
Để kê đơn không phải chuyện đơn giản. Đó là kết quả của quá trình thăm khám - chẩn đoán - đưa ra phác đồ điều trị. Y học cổ truyền đề ra bốn bước: Vọng - văn - vấn - thiết. Vọng là nhìn, quan sát hình dáng, sắc thái, cử chỉ… của người bệnh. Văn là nghe tiếng nói, tiếng ho, nhịp thở, nhịp tim... Vấn là hỏi thăm bệnh chứng. Thiết là sờ nắn, bắt mạch... để chẩn bệnh. Y học hiện đại, hay Tây y, kế thừa các bước này, được hỗ trợ thêm bởi các quy trình, thiết bị hiện đại khác: Nội soi, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, điện tâm đồ, xét nghiệm sinh hóa… Như vậy, có thể thấy, ra đơn thuốc là một quá trình khám, điều trị chặt chẽ, khoa học, phải được thực hiện bởi người có chuyên môn.
Chấm dứt tình trạng mua thuốc bừa bãi nói chung, “trị bệnh” tái sử dụng đơn thuốc, mượn/cho mượn đơn thuốc nói riêng, dù vậy, là câu chuyện không dễ. Nhận thức sai lệch của không ít người bệnh cần được “chữa” bằng hoạt động truyền thông, tuyên truyền. Thông tin truyền thông y tế, thông qua nhiều hình thức, phương tiện như báo, đài, loa truyền thanh… và đặc biệt có ý nghĩa nếu được thực hiện bởi các đơn vị y tế cộng đồng, y tế cơ sở.
Thứ hai là ý thức tự phòng, dự phòng của mỗi người. Quá trình truyền thông có ý nghĩa quan trọng nhưng bản thân mỗi người phải hiểu về hậu quả có thể xảy ra nếu tái sử dụng đơn, mượn đơn thuốc người khác. Điều mà người có bệnh cần đặc biệt lưu ý ở đây là: Mỗi đơn thuốc chỉ có “thời hiệu” nhất định. Đồng thời, cùng một bệnh hay cùng những biểu hiện lâm sàng nhưng phương pháp điều trị có thể không giống nhau, đặc biệt càng không có chuyện tương tự giữa những người bệnh với thể trạng, điều kiện thể chất, tuổi tác, giới tính khác nhau.
Sau "chẩn trị" nhận thức sai lạc, điểm tiếp theo là yêu cầu kiểm soát hoạt động của các nhà thuốc. Ngoại trừ nhà thuốc bệnh viện, hiện nay có thể dễ dàng thấy tình trạng bán thuốc bừa bãi từ không ít nhà thuốc ngoài viện: Bán thuốc theo mô tả bệnh chứng, bán thuốc theo yêu cầu của khách hàng, thậm chí nhân viên nhà thuốc sẵn sàng tư vấn - kê toa cho người mua. Chưa giảm thiểu tình trạng này thì khó nói được rằng sẽ ngăn chặn hiệu quả tình trạng người bệnh tái sử dụng đơn thuốc, mượn đơn thuốc hay không.
Chính vì thế, việc kết nối điện tử liên thông nhà thuốc phải được thực hiện một cách thực chất, nhằm kiểm soát chặt chẽ đầu vào (thuốc nhập về để bán) cũng như đầu ra (việc bán thuốc, trong đó có bán theo đơn). Khi trên hệ thống này, thông tin đơn thuốc (bác sĩ kê, loại thuốc, thời gian điều trị…) rõ ràng, không khó để quy trách nhiệm nhà thuốc khi cần.
Cuối cùng, trách nhiệm chính ở lực lượng thanh tra y tế. Chỉ có kiểm tra, thanh tra, rà soát thường xuyên, cả trên hệ thống kết nối điện tử liên thông và theo địa bàn, tình trạng tái sử dụng đơn thuốc, mượn đơn thuốc mới chấm dứt.