Chặn xuất nhập cảnh trái phép

Cán bộ, chiến sĩ trong mỗi chốt canh dọc tuyến biên giới Việt - Lào căng mình tuần tra, kiểm soát nhằm chặn đứng tình trạng xuất nhập cảnh trái phép

Chốt 34 hay còn gọi là chốt lò gạch (đóng trên địa bàn thôn Nại Cửu, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nằm ngay bên bờ sông Sê Pôn, nơi chia đôi biên giới Việt - Lào. Bên kia sông là bản Ka Túp 1, huyện Sê Pôn (tỉnh Savannakhet - Lào) với hàng chục nhà dân sinh sống.

Bộn bề khó khăn

Thượng úy Nguyễn Hồng Văn (40 tuổi, trưởng chốt 34) cho biết chốt gồm 8 cán bộ, chiến sĩ biên phòng, quân sự, dân quân túc trực 24/24 giờ với nhiệm vụ bảo vệ vùng biên và ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Đây là một trong những chốt khó khăn nhất của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) bởi ngoài đi lại khó khăn, đến nay chốt vẫn chưa có điện và nước sạch sinh hoạt. Muốn tắm rửa, cán bộ, chiến sĩ trực chốt phải thay phiên di chuyển hơn 1,5 km; điện thắp sáng phải dùng bình ắc-quy, mỗi đêm dùng chỉ khoảng 2 giờ.

Cách chốt 34 khoảng 2 km dọc theo bờ sông Sê Pôn là chốt 38 (đóng tại thôn Bích La Đông, xã Tân Thành), do thượng tá Nguyễn Hoài Thương (52 tuổi) làm chốt trưởng, cùng làm nhiệm vụ còn có 6 cán bộ, chiến sĩ khác. Chiều tối 4-5, mưa đá kèm lốc xoáy cuốn bay chốt 38 hàng chục mét. Thượng tá Nguyễn Hoài Thương cũng bị lốc cuốn theo nhưng may mắn không bị thương.

Lực lượng chốt 34 tuần tra, kiểm soát trên biên giới Việt - Lào

Lực lượng chốt 34 tuần tra, kiểm soát trên biên giới Việt - Lào

"Sau khi lốc xoáy đi qua, nhìn cảnh chốt canh tan hoang, ai cũng buồn. Bởi người lính biên phòng không chỉ xem đồn là nhà, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, anh em xem chốt canh cũng là ngôi nhà thân thương. Giờ chốt bị cuốn bay, cán bộ, chiến sĩ phải tá túc ở những chốt cạnh bên để làm nhiệm vụ" - thượng tá Nguyễn Hoài Thương bộc bạch.

Tại các chốt dọc biên giới Việt - Lào, ngoài các cán bộ, chiến sĩ vừa được tăng cường, có những người lính bám chốt đã hơn 1 năm nay. Thời điểm dịch bệnh căng thẳng, nhiều tháng liền họ không được về thăm nhà. Ngay cả chuyện cưới hỏi cũng phải tạm hoãn để tập trung phòng chống dịch. Bám chặt địa bàn, kiểm soát 24/24 giờ nên mọi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ của họ đều bị đảo lộn. Dù vậy, nhiệm vụ chống dịch nơi tuyến đầu không vì thế mà sao nhãng.

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ

Thượng tuần tháng 5, chúng tôi theo chân thượng úy Nguyễn Hồng Văn cùng 3 cán bộ, chiến sĩ khác đi tuần tra dọc biên giới Việt - Lào. Trong đêm, ánh đèn pin tuần tra rọi chiếu khắp các lối mòn trên bộ và dọc bờ sông Sê Pôn. Mọi hoạt động nơi vùng biên này đều được lực lượng chức năng kiểm soát. Thường lệ trong mỗi đêm, nhóm này đi tuần tra thì nhóm kia tranh thủ chợp mắt, đến giờ quy định thì đổi phiên.

Thượng úy Nguyễn Hồng Văn cho biết chốt 34 được giao nhiệm vụ quản lý hơn 1,5 km đường biên, dọc theo sông Sê Pôn. Khu vực này có một bến đò và hàng chục lối mòn nên tiềm ẩn nguy cơ xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới rất cao. "Ở đây ngày cũng như đêm, chúng tôi đều cắt cử nhau theo dõi, bám chắc vùng biên. Xác định chống dịch là nhiệm vụ chính trị nên khó khăn chỗ nào, chúng tôi khắc phục chỗ đó, cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao" - thượng úy Nguyễn Hồng Văn khẳng định.

Thượng tá Nguyễn Hoài Thương nhận định mùa này nước sông Sê Pôn rút cạn nên nhiều đối tượng lợi dụng để nhập cảnh trái phép. Từ đầu năm đến nay, chốt 38 đã phát hiện 5 vụ với 7 đối tượng nhập cảnh trái phép. Họ chủ yếu ở các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Bình Định qua làm ăn, sinh sống ở Lào nhưng vì tình hình dịch Covid-19 nên lén lút tìm cách về nước.

"Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ dựng lại chốt để an tâm thực hiện nhiệm vụ. Dù khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi luôn dặn lòng phải trách nhiệm, cố gắng hơn nữa. Chúng tôi cố gắng bao nhiêu thì phía sau đỡ bấy nhiêu, trong đó có người thân của mình" - thượng tá Nguyễn Hoài Thương bộc bạch.

Theo đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, đơn vị đã lập 86 chốt cố định trên tuyến biên giới Việt - Lào với 425 cán bộ, chiến sĩ tham gia để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép. Cùng với lực lượng biên phòng, 172 quân nhân thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh này cũng vừa được tăng cường lên các chốt, cùng chống dịch Covid-19.

Riêng tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, theo đại úy Nguyễn Xuân Thế, Chính trị viên phó của đồn, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý 272 vụ với 308 đối tượng nhập cảnh trái phép.

Thư kêu gọi: "Tổ quốc cần, cả nước chung tay"

Cả thế giới, trong đó có Việt Nam, đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng.

Hiện tại, toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đang đồng lòng, chung sức vào cuộc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Để tinh thần tương thân tương ái, đồng lòng, chung sức cùng nhau chống lại dịch Covid-19 được dấy lên mạnh mẽ trên mọi miền của Tổ quốc, từ ngày 5-5, Báo Người Lao Động phát động chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay".

Báo Người Lao Động hy vọng qua lời kêu gọi này, chương trình sẽ lan tỏa rộng rãi; người có tiền, góp tiền; người có của, góp của; người có sức, góp sức...

Toàn bộ sự đóng góp của cá nhân, tổ chức, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp... sẽ được Báo Người Lao Động sử dụng cho công tác phòng chống dịch Covid-19, bao gồm hỗ trợ trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm để bảo vệ thầy thuốc và các chiến sĩ bộ đội biên phòng đang ngày đêm căng mình bảo vệ tuyến biên giới, hỗ trợ người nhiễm và nghi nhiễm phải cách ly...

Mọi sự đóng góp xin chuyển vào tài khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM, số tài khoản: 117000004884, đơn vị tiếp nhận: Báo Người Lao Động. Nội dung: Ủng hộ chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay".

Ban Biên tập

Phát huy vai trò "lá chắn"

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển, đảo rộng lớn với hàng chục cảng biển, điểm neo và lượng người, phương tiện qua lại đông đúc.

Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, để tránh tình trạng vượt biên, nhập cảnh trái phép bằng đường biển, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường lực lượng tuần tra, bám sát các cảng, cửa khẩu đường biển để kiểm soát người, phương tiện ra vào.

Từ tháng 4-2021 đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 24 vụ với 25 đối tượng vi phạm về hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người nước ngoài có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Gần 320 lượt thuyền viên được đưa đi cách ly theo quy định.

Đại tá Trần Văn Trường, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: "Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng như Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng cường kiểm tra các cửa sông, cửa lạch, các hệ thống bến cảng, đặc biệt là khu vực cảng cá, nắm chắc số lượng thuyền viên ra vào bến. Tránh tình trạng lợi dụng trà trộn vào thuyền viên nhập cảnh, trao đổi thuyền viên trái phép trên biển đưa người nhập cảnh trái phép".

Ng.Giang

Bài và ảnh: ĐỨC NGHĨA

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/chan-xuat-nhap-canh-trai-phep-20210507215017528.htm