Chặn xung đột giữa voi và người

Từ đầu năm 2023 đến nay, voi rừng lại thường xuyên xuất hiện ở các khu dân cư trên địa bàn xã Thanh Sơn (H.Định Quán) để kiếm thức ăn và phá hoa màu, tài sản của người dân. Thậm chí, một số con voi rất hung dữ, tấn công gây nguy hiểm cho người dân.

Những nơi đã có hàng rào điện tử hoạt động ổn định thì voi rừng không ra được khu vực dân cư. Ảnh: Tư liệu

Những nơi đã có hàng rào điện tử hoạt động ổn định thì voi rừng không ra được khu vực dân cư. Ảnh: Tư liệu

* Nỗi lo voi rừng tấn công

Gần nhất, vào sáng 8-4, anh Lê Văn Liêm (34 tuổi, ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) đang chăn thả bò trong khu vực rừng trồng keo thuộc tiểu khu 101 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà Đồng Nai quản lý thì 2 voi rừng xuất hiện tấn công bò nhà. Anh Liêm tìm cách xua đuổi thì 1 con voi đực quay lại tấn công anh, khiến anh bị chấn thương nặng, gãy chân, trầy xước cơ thể. Ngoài ra, voi rừng còn quật chết 1 con bò cái, phá 1 căn chòi và nhiều diện tích hoa màu của người dân xung quanh.

Nhận được thông tin, Đội Phản ứng ứng nhanh, lực lượng kiểm lâm, chủ rừng cùng người dân địa phương đã cùng nhau xua đuổi voi trở lại rừng.

Theo Hạt Kiểm lâm H.Định Quán, từ đầu năm 2023 đến nay, voi rừng đã ra khu dân cư hàng chục lần, gây thiệt hại hoa màu, tài sản của người dân. Đặc biệt, voi đã xuất hiện tới 12 lần trong 1 tháng gần đây (từ ngày 15-3 đến ngày 15-4).

Nhiều năm qua, tình trạng voi rừng xuất hiện trên địa bàn xã Thanh Sơn phá hoại hoa màu, tài sản, tấn công người dân vẫn thường xảy ra, khiến người dân nơi đây không khỏi lo lắng.

Cách đây 9 năm, khi ông Nguyễn Thành Thê (ngụ ấp 7, xã Thanh Sơn) đang nằm ngủ thì giật mình tỉnh giấc vì nghe tiếng động mạnh từ bên ngoài. Ông Thê ra mở cửa thì phát hiện con voi ngà lệch đang dùng vòi giật phá nhà mình. Ông lên tiếng kêu cứu hàng xóm đến hỗ trợ thì con voi hung dữ dùng vòi quật căn nhà ngã sập hoàn toàn và đè cả ông Thê bên trong đống đổ nát. Tuy nhiên, ông Thê may mắn sống sót vì các cây gỗ ngã đổ nhưng không đập vào người ông.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ấp 7, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) cho hay: “Đa số người dân ở xã Thanh Sơn đều sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Việc voi rừng thường xuyên ra phá hoại hoa màu khiến bà con gặp nhiều khó khăn trong cải tạo phục hồi cây trồng, nguy hiểm đến tính mạng”.

* Chủ động phòng tránh xung đột với voi rừng

Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Phạm Thị Hương cho hay, mùa khô, khi nguồn nước, thức ăn trong rừng trở nên khan hiếm thì voi rừng thường ra khu vực nương rẫy của dân để tìm kiếm thức ăn. Một số con voi rất hung dữ, sẵn sàng tấn công người dân. Do đó, UBND xã Thanh Sơn thường xuyên thông tin trên loa phát thanh đề nghị các hộ dân sinh sống ở khu vực đàn voi thường xuyên xuất hiện cần thực hiện các biện pháp đề phòng nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản.

Voi rừng quật chết một con bò và phá căn chòi cùng nhiều hoa màu xung quanh vào sáng 8-4. Ảnh: T.Nhân

Voi rừng quật chết một con bò và phá căn chòi cùng nhiều hoa màu xung quanh vào sáng 8-4. Ảnh: T.Nhân

Cụ thể, khi đàn voi rừng xuất hiện thì người dân chủ động tránh xa, không sử dụng các loại công cụ, vũ khí đe dọa, tấn công, tránh làm voi rừng kích động trở nên hung dữ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân; không chăn thả gia súc, gia cầm tại các khu vực ven rừng và các khu vực đàn voi thường xuyên xuất hiện. Người dân làm nương rẫy phải cẩn trọng, không đi sớm về muộn, đặc biệt không ngủ lại chòi, lều tạm trong rừng.

Theo Hạt Kiểm lâm H.Định Quán, các lực lượng, tổ đội phản ứng nhanh từ huyện đến xã, đơn vị chủ rừng tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng tránh xung đột giữa voi với người trong thời gian tới. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo đến người dân ở thôn ấp, ven rừng phòng tránh xung đột với voi rừng; theo dõi chặt chẽ 24/24 giờ tình hình hoạt động, di chuyển của đàn voi rừng trong ngày để kịp thời thông báo, khuyến cáo, cảnh báo đến người dân biết chủ động phòng tránh xung đột với voi rừng.

Tuy nhiên, điều người dân mong chờ nhất là dự án hàng rào điện tử sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bởi hàng rào điện chưa được khép kín nên voi rừng trong thời gian qua vẫn lách qua các điểm còn trống để vào khu dân cư ăn, phá hoa màu, tài sản của dân.

Thực hiện dự án Khẩn cấp bảo tồn voi của Thủ tướng Chính phủ, năm 2017, Đồng Nai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo tồn voi rừng, trong đó có dự án Xây dựng tuyến hàng rào điện dài 50km dọc theo bìa rừng (từ xã: Mã Đà, Phú Lý của H.Vĩnh Cửu đến một phần xã Thanh Sơn, H.Định Quán). Hơn 6 năm đưa vào vận hành, hàng rào điện đã phát huy tác dụng tích cực, ngăn không cho voi ra vườn rẫy và bảo vệ được nhiều diện tích cây trồng, hoa màu của người dân.

Thấy được tính hiệu quả của dự án, cuối năm 2021, lãnh đạo tỉnh giao Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai tiếp tục xây dựng hàng rào điện tử giai đoạn 2 (đoạn từ xã Thanh Sơn của H.Định Quán đến xã Tà Lài của H.Tân Phú) với chiều dài hơn 25km. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện dự án trong thời gian qua có gặp vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng nên chưa thể hoàn thành theo kế hoạch như ban đầu.

Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Lê Việt Dũng cho biết, đoạn hàng rào điện tại xã Thanh Sơn đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục cuối cùng và dự kiến hoàn thành để đưa vào hoạt động vào dịp lễ 30-4. Còn đoạn hàng rào điện ở xã Tà Lài được chính quyền địa phương nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để sớm thi công trong thời gian tới.

“Hy vọng dự án Khẩn cấp bảo tồn voi của Thủ tướng Chính phủ sẽ hoàn thành vào giữa năm 2023. Lúc đó, hàng rào điện tử bao kín toàn khu rừng và bảo vệ được khoảng 19 ngàn ha đất canh tác nông nghiệp và khoảng 60 ngàn người dân ở quanh rừng” - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai LÊ VIỆT DŨNG cho biết.

Thành Nhân - Văn Tuấn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202304/chan-xung-dot-giua-voi-va-nguoi-3163794/