Chanathip - biểu tượng Thái Lan và bài học cho bóng đá Việt
Những kẻ thách thức bóng đá Việt Nam trong hơn một năm rưỡi vươn mình thành thế lực vừa qua không hề có Chanathip Songkrasin của đội tuyển Thái Lan.
Đó là sự thật mà tất cả cần biết. Chanathip đã không có mặt trong đội hình Thái Lan thua Việt Nam tại King’s Cup. Chiến thắng vùi dập 4-0 của U23 Việt Nam trước U23 Thái lan tại Mỹ Đình cũng không hề có bóng dáng ngôi sao này vì anh đã quá tuổi.
Song cầu thủ số 1 của người Thái sẽ thống lĩnh hàng công “Voi chiến” trong cuộc đấu nảy lửa với thầy trò HLV Park Hang-seo tại vòng loại World Cup 2022. Ở giải đấu quan trọng nhất năm của người Thái, Chanathip đang là điểm tựa lớn nhất.
Niềm tự hào của người Thái
Ngày 1/9/2018, sân nhà Sapporo Dome của Consadole Sapporo nhộn nhịp hơn thường lệ. Hơn 30.000 CĐV đã tới để được tận mắt chứng kiến một trong những huyền thoại lớn nhất lịch sử, Andres Iniesta, thi đấu trong màu áo Vissel Kobe để đối đầu với đội bóng vùng Hokkaido.
Song, Iniesta và Vissel Kobe đã thua. Consadole Sapporo và Chanathip Songkrasin đã chơi một trận tuyệt vời khi khống chế cựu tiền vệ của Barca, buộc đối thủ phải nhận thất bại 1-3.
Bà Theerangon, Trưởng thư ký Đại sứ quán Thái Lan tại Nhật Bản không giấu được sự vui mừng khi sẵn sàng khoe đoạn video về trận đấu đó với phóng viên của tờ Number Bunshun. Bà nói đó là một trong những video yêu thích nhất của mình.
Giống bà Theerangon, nhiều người Thái Lan khác tại Nhật Bản coi ngôi sao sinh năm 1993 là niềm tự hào. Tại Lễ hội Tuyết hồi đầu năm ở Sapporo, một bức tượng tuyết của Chanathip được dựng lên. Tất cả những người ủng hộ Consadole Sapporo đều thừa nhận Chanathip là siêu sao của đội bóng.
Tiền vệ của Thái Lan tới đây vào giữa mùa J.League 2017 theo dạng hợp đồng cho mượn từ Muangthong. Đội bóng Nhật Bản lúc đó đang trong cảnh chật vật khi chỉ giành điểm 8 trong tổng số 18 trận đã đấu từ đầu mùa và đối mặt với cuộc chiến chống xuống hạng.
Hiệu ứng Chanathip giúp đội bóng Nhật Bản thăng hoa trong nửa cuối mùa để cán đích ở vị trí thứ 11, cao nhất trong lịch sử đội bóng.
Ở J.League 2018, mọi thứ còn trở nên tuyệt hơn với cầu thủ người Thái Lan. Anh ghi 8 bàn để giúp Consadole Sapporo kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 4. Tiền vệ Thái Lan có tên trong đội hình tiêu biểu của giải đấu ở vị trí cầu thủ tấn công lệch trái, một vinh dự chưa từng có cầu thủ Đông Nam Á nào làm được.
Mùa hè 2018, Consadole Sapporo phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng của CLB khi chi 6,1 triệu USD để mua đứt Chanathip từ Muangthong. Chanathip cũng nghiễm nhiên đi vào lịch sử bóng đá Thái Lan với tư cách cầu thủ có giá trị đắt nhất.
Phẩm chất - sự khác biệt của Chanathip
Song những con số thống kê ấn tượng ấy vẫn là không đủ để nói về Chanathip. Keita Sugimoto, cựu cầu thủ người Nhật Bản từng thi đấu tại Thái Lan thừa nhận với Number Bunshun rằng Chanathip là người thành công hơn cả tại Nhật Bản nếu so sánh với hai người đồng hương ở đội tuyển Thái Lan là Theerathon Bunmathan và Teerasil Dangda.
Theo Sugimoto, bí quyết của Chanathip chính là tính cách khiêm nhường nhưng đầy nỗ lực của tiền vệ này: “Người Thái Lan có khí chất riêng, nhưng Chanathip thì giống người Nhật Bản hơn. Anh ấy lịch thiệp, ít khi cười, song luôn chú ý tới những thứ xung quanh mình và thực sự nghiêm túc tập trung vào điều mình cần phải làm”, Sugimoto nói.
“Trong nhiều trường hợp, một cầu thủ ngôi sao có thể bị đánh gục vì cái tôi lớn không thể chịu được sự khác biệt vì môi trường. Tuy nhiên Chanathip, thì không như vậy”, Sugimoto nói thêm.
HLV trưởng của Consadole Sapporo, ông Mihailo Petrovic thì thừa nhận điểm mạnh lớn nhất của Chanathip bên cạnh khả năng tư duy và xử lý bóng nhanh là sự chăm chỉ.
Chanathip thực sự nghiêm túc tập trung vào điều mình cần phải làm
Keita Sugimoto, cựu cầu thủ Nhật Bản, từng chơi tại Thai League
“Cậu ấy không ngại việc tập luyện. Thông thường thì trong môi trường như Nhật Bản, điều này không được chú ý nhiều. Tuy nhiên, Chanathip là trường hợp đặc biệt, vì cậu ấy còn tập chăm hơn cả cầu thủ bản địa. Chanathip sẵn sàng làm tất cả, từ lao vào đội hình đội bạn để cướp bóng, tạo khoảng trống và tự ghi bàn”, ông Petrovic nhấn mạnh.
Thitipan Puangchan thì thừa nhận rằng chính Chanathip là người đã luôn truyền động lực cho anh trong những ngày tháng chơi bóng tại Nhật Bản. Tiền vệ của đội tuyển Thái Lan kể lại cách Chanathip cho mình những lời khuyên trong những ngày đầu tiên đất khách.
- Chanathip: "Ở Nhật Bản, 80% là không đủ như ở Thái Lan đâu. Cậu luôn phải cống hiến 100% sức lực cho từng trận đấu".
- Puangchan: "Đấy là cậu nói vậy thôi. Tôi thì mệt lắm rồi, tập ở Nhật Bản khó nhằn quá".
- Chanathip: "Không có đường tắt để tới thành công đâu bạn ơi".
Luôn chăm chỉ, nỗ lực để vươn mình, nhưng Chanathip chưa từng quên mình là ai. Dù đã là một ngôi sao của đội bóng, thậm chí trở thành một trong những tiền vệ hay bậc nhất tại J.League, Chanathip vẫn luôn dành thời gian cho những người hâm mộ.
Anh xuất hiện tại buổi họp báo đầu năm của Consadole Sapporo. Tiền vệ số một của đội tuyển Thái Lan lọt thỏm trước rừng CĐV đội bóng Nhật Bản. Khung cảnh ấy càng khiến Chanathip được những CĐV Nhật Bản yêu quý. Tính đến lúc này của mùa giải, Chanathip đã có 4 bàn cùng 6 kiến tạo, giúp Consadole Sapporo đứng thứ 7 trên BXH J.League.
Không có đường tắt nào để tới thành công.
Chanathip Songkrasin
Dẫu vậy thì thành tích không tốt trong một năm qua của bóng đá Thái Lan đã đặt nhiều sức ép lên vai Chanathip. “Tôi có cảm thấy sức ép về bóng đá Thái Lan, nhưng thực sự là tự hào nhiều hơn. Nếu tôi cố gắng hết sức và chơi thứ bóng đá hay nhất, mọi thứ sẽ khác đi”, anh nói.
Chanathip cũng tin rằng cách duy nhất để thành công trở lại với bóng đá Thái Lan là phải làm việc chăm chỉ. “Không có đường tắt nào để tới thành công cả. Chỉ có cố gắng thì đường tới thành công mới ngắn lại”, anh nói.
Bài học cho bóng đá Việt Nam
Những phẩm chất của Chanathip Songkrasin rất đáng ngưỡng mộ, song cơ hội để tới Nhật Bản không từ trên trời rơi xuống với cầu thủ người Thái Lan. Tất cả bắt đầu từ tháng 2/2017, khi Muangthong của Chanathip chạm trán ông lớn của bóng đá Nhật Bản, Kashima Antlers, tại vòng bảng AFC Champions League.
Cú sốc xảy ra khi Chanathip đã chơi tuyệt hay trận và giúp Muangthong thắng 2-1. Màn trình diễn ấn tượng này sau đó thu hút sự chú ý của Consadole Sapporo. Và Chanathip tới Nhật Bản chỉ nửa năm sau đó.
Cách Chanathip xuất ngoại rõ ràng có sự khác biệt lớn so với các trường hợp Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường của bóng đá Việt Nam. Trước khi tới Consadole Sapporo, Chanathip đã là cầu thủ hay nhất 2 kỳ AFF Cup liên tiếp, và khẳng định được tài năng ở giải đấu cấp cao nhất châu Á là AFC Champions League.
Trong khi đó, bộ ba cầu thủ của HAGL xuất ngoại trong những thương vụ mang màu sắc thương mại hơn là chuyên môn và sớm phải trở về Việt Nam không kèn không trống.
Hiếm có HLV nào dẫn dắt Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh lại có thể có những lời lẽ khen ngợi cho cầu thủ Việt Nam như cách Chanathip được ông thầy tại Cosadole Sapporo tôn trọng hết mực. Và Công Phượng hay Tuấn Anh cũng chưa biết AFC Champions League có màu sắc như thế nào để chứng minh năng lực của chính mình.
Ở khía cạnh khác, tại Nhật Bản, Chanathip sớm hòa nhập thành công bởi cộng đồng người Thái Lan tại đây. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox Sport từ cuối mùa giải trước, Chanathip thừa nhận anh đã được giúp đỡ rất nhiều khi mới tới Nhật Bản. Chính điều đó giúp Chanathip có được sự tập trung cho bóng đá.
Với bóng đá Việt Nam, hầu hết cầu thủ xuất ngoại đều gặp khó khăn trong việc định hình môi trường sống. Việc chưa được chuẩn bị đầy đủ để trở thành một "công dân toàn cầu" cả về ngôn ngữ, ẩm thực, lối sống gây khó khăn cho nhiều thế hệ cầu thủ Việt. Các CLB Việt Nam cũng chưa có những nỗ lực hỗ trợ đầy đủ cho hành trình tiến ra thế giới.
Những khác biệt nhỏ như thế là đủ để tạo ra ảnh hưởng lớn tới hành trình của một cầu thủ Việt Nam khi rời quê hương. Chanathip là một cầu thủ xuất sắc, song từng bước đi của ngôi sao người Thái Lan đều cho thấy sự ủng hộ lớn từ quê nhà.
Đó là điều mà bóng đá Việt Nam cần phải học hỏi. Quang Hải và CLB Hà Nội đang tạo ra những ấn tượng không thể phủ nhận tại AFC Cup, đấu trường cấp thấp so với AFC Champions League. Nếu có cơ hội nào đó để xuất ngoại, Quang Hải hay Văn Hậu xứng đáng được hưởng những điều tốt nhất để phát triển, như chính Chanathip đã có.