'Chàng cắn hồ đào': Một thông điệp Giáng sinh dần rơi vào quên lãng
Truyện 'Chàng cắn hồ đào' ban đầu không gây tiếng vang lớn nhưng âm nhạc của Tchaikovsky đã đưa nó trở thành màn trình diễn gần như nghi lễ của nhiều sân khấu mùa Giáng sinh.
Vở ballet The nutcracker của Tchaikovsky đã rất quen thuộc mỗi dịp Giáng sinh được dựng theo tác phẩm cùng tên của Alexandre Dumas, mà tác giả đã viết lại từ tiểu thuyết ngắn ra mắt năm 1816 của E.T.A. Hoffman, Chàng cắn hồ đào và Vua chuột.
Từ sách đến sân khấu
Chàng cắn hồ đào và Vua chuột (The Nutcracker and the Mouse King, hay Nussknacker und Mausekönig trong tiếng Đức) lấy bối cảnh Giáng sinh, khi Marie và các em của mình được cha đỡ đầu Drosselmeier tặng những món quà do chính tay ông làm. Marie đặc biệt yêu thích chàng cắn hồ đào - đã bị người em trai Fritz làm gãy hàm do kẹp một hạt quá lớn.
Ở lại lâu hơn để chơi cùng chàng cắn hồ đào sau khi cả nhà đã đi ngủ, Marie an ủi rằng sẽ nhờ cha đỡ đầu sửa lại hàm cho chàng. Lúc này em đột nhiên thấy chàng cắn hồ đào như sống dậy thành người thật. Em quyết định rằng đó chỉ là do trí tưởng tượng của mình. Nhưng ngay sau đó, em bị cuốn vào cuộc chiến của chàng với vua chuột bảy đầu, cuối cùng bất tỉnh khi ngã xuống trong lúc cố gắng giúp đỡ chàng.
Hiển nhiên, không ai trong nhà tin câu chuyện em kể. Nhưng sau đó, cha đỡ đầu mang chàng cắn hồ đào với chiếc hàm đã được sửa đến, và kể một câu chuyện tiết lộ cho Marie biết lý do hoàng tử trở thành chàng cắn hồ đào. Sau đó Marie lại lạc vào thế giới tưởng tượng kia, hỗ trợ chàng chiến thắng vua chuột.
Cả nhà vẫn không ai tin chuyện em kể, và em bị cấm nhắc đến từ "giấc mơ". Kết truyện, Marie giữ trọn lời hứa thủy chung với chàng cắn hồ đào, rằng sẽ yêu chàng ở bất kỳ nhân dạng nào chăng nữa.
Hơn 200 năm qua, tác phẩm của E.T.A đã được cải biên, chuyển thể thành nhiều tác phẩm điện ảnh, kịch nghệ. Dù giữ lại phần lớn nét chính của nguyên tác, các bản chuyển thể vẫn có những khác biệt đáng kể.
Alexandre Dumas đã chuyển đổi phiên bản gốc thành một câu chuyện nhẹ nhàng hơn và bớt đáng sợ hơn, lấy tên ngắn gọn Chàng cắn hồ đào. Và năm 1892, sân khấu Nga đã giới thiệu vở ballet hai hồi dựa trên tác phẩm của Dumas.
Bản thân truyện Chàng cắn hồ đào ban đầu không gây tiếng vang lớn nhưng cuối cùng âm nhạc của Pyotr Ilyich Tchaikovsky đã đưa nó trở thành màn trình diễn gần như nghi lễ của rất nhiều sân khấu mỗi mùa Giáng sinh.
Âm nhạc và vũ điệu từ vở ballet đã đi vào văn hóa đại chúng phương Tây, là nguồn cảm hứng của nhiều hình thức nghệ thuật bao gồm điện ảnh.
Thông điệp về trí tưởng tượng bị lãng quên
Từ trang sách lên sân khấu, tác phẩm được điều chỉnh để phù hợp hơn với thị hiếu số đông công chúng. Tên nhân vật Marie được đổi thành Klara. Chuyến phiêu lưu của em ngọt ngào và thuần dịu hơn. Và gia đình của em - Silberhaus (tiếng Đức có nghĩa là “Ngôi nhà bạc”) trong vở ballet - cũng ngọt ngào hơn.
Giáo sư người Đức Jack Zipes nhận xét trên NPR: “Điều thú vị là những cái tên mà Hoffmann thỉnh thoảng sử dụng trong Chàng cắn hồ đào và Vua chuột”. Trong câu chuyện của Hoffman, gia đình có cái tên với sắc thái trái ngược Stahlbaum, nghĩa là "cây thép". Marie, nhân vật chính của Hoffmann, “bị giam cầm trong gia quy, gia đình em tuân theo các lễ nghi truyền thống, và em phần nào cảm thấy bị điều này kìm kẹp”.
Cha đỡ đầu Drosselmeier mang đến những món đồ chơi tuyệt vời và khơi dậy trí tưởng tượng của bọn trẻ trong lễ Giáng sinh. “Rất khó để dịch từ ‘Drosselmeier’, nhưng đó là người khuấy động mọi thứ”, Jack Zipes nói.
Đáng lưu ý hơn, Zipes cho rằng điều đã mất đi trong hầu hết bản chuyển thể The Nutcracker chính là thái độ của Hoffmann đối với trí tưởng tượng, hiện thực và thời thơ ấu.
Ở đoạn kết câu chuyện nguyên tác của Hoffmann, Marie “chuyển sang một thế giới khác, hoặc có vẻ như cô bé đang đi vào một thế giới khác, một thế giới do chính cô bé chọn”. Trong khi đó vở ba lê dẫu vẫn giữ được tinh thần “hoang dã” từ nguyên tác, lại tràn đầy “điệu nhảy và niềm vui, nhưng phần kết không đọng lại ẩn ý sâu sắc”. Tương tự phiên bản của Dumas - “một kết thúc mượt mà, ngọt ngào.”
Zipes nhận xét, Hoffmann muốn đảm bảo rằng độc giả của mình biết rằng Marie nhận thức được sự tương phản giữa cuộc sống bị luật lệ ràng buộc ở gia đình Stahlbaums và thế giới trong mơ của Chàng cắn hồ đào.
Đó là “một thế giới của trí tưởng tượng, một thế giới do cô bé lựa chọn, nơi em cũng có thể đưa ra những quyết định phù hợp hơn với trí tưởng tượng của mình”. Đối với Marie, không gì có thể sánh được với việc xa nhà, thoát khỏi cuộc sống gia đình buồn tẻ của mình.
Tác giả Hoffmann vốn được đặt tên Ernst Theodor Wilhelm Hoffmann, nhưng ông đã đổi Wilhelm thành Amadeus vì ngưỡng mộ Mozart. Hoffman không chỉ viết về âm nhạc mà còn sáng tác âm nhạc. Ông cũng là một họa sĩ.
Tên tuổi Hoffmann được biết đến nhiều nhất ở vai trò tác giả của những câu chuyện ma quái vượt qua ranh giới giữa tưởng tượng và hiện thực. Những câu chuyện nổi tiếng đã truyền cảm hứng cho các nhà soạn nhạc trong suốt thế kỷ 19 - ví dụ điển hình là vở opera The Tales of Hoffmann của Jacques Offenbach.
Hoffmann từng viết rằng âm nhạc “tiết lộ một vương quốc nhân loại chưa biết đến: một thế giới không có điểm chung nào với thế giới bên ngoài, thế giới vật chất bao quanh nó và lạc vào đó, ta bỏ lại phía sau mọi cảm giác khái niệm trước kia, để cúi mình trước những điều khôn tả”.
Các câu chuyện của Hoffman thách thức độc giả giải phóng đứa trẻ bên mình khỏi những lề thói thường ngày vốn bị thế giới thực chi phối. Dẫu vậy, bản thân ông lại không phải là người nổi loạn. Ông học luật và trở thành thẩm phán. Nghệ thuật không phải là nghề nghiệp nuôi sống ông.