Chặng cuối gian nan

Tiến trình Brexit (Anh rời Liên hiệp châu Âu - EU) đang đi đến chặng cuối cùng với những thách thức và trở ngại vô cùng lớn khi các nhà lãnh đạo Anh và EU vẫn bất đồng sâu sắc về cách thức chia tay sao cho êm thấm. Trong khi đó, Thủ tướng Anh B.Johnson cũng vấp phải sự phản đối gay gắt từ chính nội bộ đảng cầm quyền cũng như Hạ viện Anh về kế hoạch đưa nước Anh rời EU bằng mọi giá của ông.

Nguy cơ nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào, còn gọi là "Brexit cứng" đã gia tăng nhanh chóng trong những ngày gần đây, khi các nhà lãnh đạo Anh và EU đều không chấp nhận nhượng bộ và bày tỏ quan điểm cứng rắn về vấn đề này. Ngày 5-9, Thủ tướng Anh tuyên bố, ông "thà chết" còn hơn phải trì hoãn kế hoạch đưa Anh rời EU dự kiến vào ngày 31-10 tới. Thời gian qua, ông Boris Johnson luôn tìm cách đàm phán lại thỏa thuận Brexit mà EU đạt được với người tiền nhiệm T.May cuối năm 2018, nhất là điều khoản "chốt chặn".

Trong khi đó, EU vẫn thể hiện quan điểm cứng rắn, kiên quyết không đàm phán lại với Anh. Trưởng đoàn đàm phán EU M.Barnier tuyên bố khối này sẽ không thay đổi thỏa thuận "ly hôn" với Anh và khẳng định yếu tố gây tranh cãi nhất của thỏa thuận Brexit, gọi là cơ chế "chốt chặn" nhằm duy trì đường biên giới Bắc Ireland mở trong mọi hoàn cảnh hậu Brexit, là mức độ linh hoạt tối đa mà EU có thể đưa ra. Ông nhấn mạnh điều khoản này vẫn phải là một phần trong bất kỳ thỏa thuận Brexit nào.

Trước đó, các nhà lãnh đạo Anh và EU đã liên tiếp đá "quả bóng trách nhiệm" về Brexit cho nhau. Các hãng tin AFP và Reuters cho biết, trước và trong Hội nghị cấp cao G7 diễn ra tại Pháp vừa qua, Thủ tướng Anh B.Johnson và Chủ tịch EC D.Juncker đã "đấu khẩu" gay gắt về tác nhân phải chịu trách nhiệm nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận. Hai bên cáo buộc nhau là "ngài không thỏa thuận" (chỉ người gây ra Brexit không thỏa thuận).

Tuy nhiên, khó khăn với Brexit còn tiếp tục đến từ ngay trong nội bộ nước Anh. Thủ tướng Anh đã vấp phải sự phản đối trong đảng cầm quyền cũng như Hạ viện nước này. Hạ viện Anh vừa thông qua một dự luật có thể ngăn cản ông B.Johnson đưa Anh rời khỏi EU dù không đạt được thỏa thuận với liên minh này, tiếp đó bác bỏ đề xuất của ông về việc tiến hành bầu cử trước thời hạn để giải quyết bế tắc chính trị. Dự luật này sẽ buộc ông B.Johnson phải đề nghị EU hoãn Brexit đến ngày 31-1-2020 nếu tại Hội nghị cấp cao EU vào ngày 17-10 tới không đạt được một thỏa thuận.

Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng B.Johnson cho biết, sẽ tiếp tục kêu gọi tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay liên quan Brexit. Bộ trưởng Anh phụ trách điều phối kế hoạch Brexit không thỏa thuận M.Gove vừa cho biết, ông sẽ đệ trình một đề nghị liên quan tổng tuyển cử sớm để được đưa ra bỏ phiếu vào chiều 9-9 tới.

Bất đồng về Brexit còn diễn ra gay gắt ngay trong gia đình Thủ tướng Anh. Ðể phản đối Brexit, em trai của Thủ tướng là ông Jo Johnson cũng vừa tuyên bố từ chức Quốc vụ khanh Bộ Kinh doanh. Ông Jo Johnson là người kiên quyết phản đối Brexit và trái quan điểm với anh trai mình. Trong tuyên bố từ chức, ông Jo Johnson cho biết, căng thẳng không thể giải quyết được giữa "tình cảm gia đình và lợi ích quốc gia" khiến ông đưa ra quyết định từ chức.

Trong bối cảnh nêu trên, giới phân tích và phía EU đánh giá khả năng xảy ra kịch bản Brexit không thỏa thuận ngày càng cao. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) thừa nhận khả năng cao về một kịch bản "Brexit cứng" sẽ diễn ra vào ngày 31-10 tới. Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs cũng đã nâng mức dự báo khả năng xảy ra kịch bản "Brexit cứng" từ 20% lên 25% do khả năng Nghị viện Anh bị đình chỉ hoạt động kéo dài.

Ðể đối phó việc Anh rời EU không thỏa thuận, EC vừa công bố một loạt biện pháp nhằm đối phó với kịch bản tồi tệ nêu trên. Trong đó, EC đề xuất dùng tới Quỹ Ðoàn kết châu Âu (FSE), vốn trước đây chỉ được sử dụng để đối phó với các thảm họa thiên nhiên, và Quỹ hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng từ toàn cầu hóa (FEM). Các biện pháp này được cho là sẽ có tác dụng giảm bớt những tác động tiêu cực từ một Brexit không có trật tự.

Với những động thái cứng rắn từ Anh và EU cũng như tình hình nội bộ phức tạp của nước Anh về Brexit nêu trên, xem ra tiến trình Anh rời EU dù đã về sát vạch đích, nhưng vẫn vô cùng gian nan và khó đoán. Nhận định về tình hình Brexit hiện nay, các hãng tin AFP và Reuters vừa dẫn lời giới phân tích cho rằng, trong vòng hai tháng tới, Anh và EU sẽ còn phải vượt qua "ngọn núi cao" nếu muốn điều hòa quan điểm của đôi bên về Brexit.

THĂNG LONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41483002-chang-cuoi-gian-nan.html