Chàng 'Đan Kô' của người Rục
Lời tòa soạn: Họ là những đảng viên trẻ đầy nhiệt huyết mang trong mình lý tưởng cao cả với một tinh thần phụng sự quê hương, đất nước, cộng đồng. Sự có mặt của họ ở những vùng sâu, vùng xa đã thắp lên ngọn lửa của niềm tin, lan tỏa và truyền cảm hứng tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đi đầu khai mở một cách nghĩ, cách làm mới xua tan bóng đêm của đói nghèo và lạc hậu. Nền tảng tư tưởng của Đảng được bảo vệ bằng việc làm thiết thực, cụ thể, hiệu quả. Tiền Phong xin được giới thiệu về họ.
26 tuổi, Long là thế hệ thứ 2 của tộc người Rục kể từ khi rời hang đá. Dù không xé toang lồng ngực, lấy trái tim làm ngọn đuốc soi đường cho đoàn người vượt rừng sâu như chàng Đan kô, nhưng với bầu nhiệt huyết của người trẻ, Long đã và đang dẫn dắt tộc người của mình từng bước vượt thoát đói nghèo, lạc hậu.
Nghị lực phi thường
Sinh năm 1996, Cao Xuân Long là con thứ 2 trong gia đình người Rục có 8 anh chị em ở bản Mò o, Ồ ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Năm lên 10 tuổi, cha của Long qua đời khi trên đường đưa đến bệnh viện, để lại 8 đứa con nheo nhóc cho người mẹ cũng suốt ngày đau yếu. “Khi cha mất, chị đầu mới 12 tuổi, còn đứa em út mới 8 tháng tuổi. Tộc người Rục ngày đó, cả năm không có lấy một bữa no cơm trắng. Hàng xóm láng giềng ai cũng đói, muốn giúp nhau cũng không có gì mà giúp. Có cha cả nhà còn đói, cha mất là cả một thảm họa” - Cao Xuân Long tâm sự.
Bà Hồ Thị Pấy (SN 1972), mẹ của Long lúc đó mới 34 tuổi, nhiều lần gục ngã bên bờ suối vì kiệt sức sau những đêm thức trắng mò cua, bắt ốc. “Nhiều lần đứt hơi tưởng không thể sống nổi, nhưng nhìn đàn con nheo nhóc, đói khát, mình lại gượng dậy được, vào rừng đào củ sắn, củ mài, chặt cây nhúc, cây đoác làm bột thay cơm, tối thì ra suối mò con cua, con ốc về làm thức ăn…” - bà Pấy nhớ lại.
Năm 1959, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình phát hiện tộc người Rục sống trong hang đá giữa rừng Phong Nha – Kẻ Bàng. Người Rục ngày đó lấy săn bắt, hái lượm để mưu sinh; lấy bột nhúc, bột đoác thay cơm; lấy vỏ cây làm khố… Sau một thời gian tiếp cận và vận động, người Rục được đưa về định cư ở thung lũng Rục Làn. Tuy nhiên, vốn quen cuộc sống “người rừng”, người Rục nhiều lần quay trở lại hang đá.
Mặc dù thời điểm đó không hề ý thức được việc học để làm gì, nhưng không hiểu sao, Cao Xuân Long vẫn thăm thẳm hằng ngày đến trường, mặc cho bạn bè cùng trang lứa bỏ học theo cha mẹ vào rừng kiếm cái ăn. Nhà xa trường học, ngay từ lớp 1, Long đã phải ở nhờ nhà bà con để đến lớp. “Hồi đó, người lớn tối nào cũng phải vào rừng săn bắt, hái lượm, em ở nhà với mấy đứa nhỏ. Hằng ngày, em dậy từ 4 giờ sáng, một mình cà sắn, đâm bồi xong thì để đó, trưa mọi người về nấu ăn. Có hôm đi học về đói quá, em hái quả rừng ăn, bị ngộ độc, ngất ở dưới bờ suối, có người nhìn thấy vác về nhà, cho uống lá rừng súc ruột, rồi cũng tỉnh lại” - Long kể.
Cực khổ là vậy nhưng trong đầu Cao Xuân Long chưa một lần nghĩ đến việc bỏ học. Học hết tiểu học ở trường bản, lên THCS, Cao Xuân Long phải về thị trấn Quy Đạt, cách nhà hơn 25 km học nội trú. Học ở đây, Long được Nhà nước nuôi ăn, cái bụng không còn đói cồn cào như trước, nhưng quãng đường đi - về mỗi dịp cuối tuần lại quá vất vả, khiến bạn học của Long cứ thế rơi rớt dần. “Không có tiền mua xe đạp, cũng không có tiền để đi xe khách, thế là em cứ cuốc bộ cắt rừng để đi - về. Với kỹ năng đi rừng như em mà cũng mất hơn 5 giờ đồng hồ để từ trường về nhà, hoặc từ nhà đến trường. Có hôm gặp mưa lũ thì mất cả ngày, trèo bao nhiêu đèo, lội bao nhiêu suối, thế mà may sao không bị lũ cuốn trôi” - Long nhớ lại.
Rồi những tháng ngày trèo đèo lội suối cũng qua, Cao Xuân Long được về TP Đồng Hới học THPT tại trường dân tộc nội trú của tỉnh Quảng Bình. Rồi 3 năm học ở đây cũng trôi qua thật nhanh, năm 2014, cậu bé người Rục nhút nhát ngày nào cũng bước lên bục nhận bằng tốt nghiệp. Mặc dù rất muốn học tiếp lên cao đẳng hoặc đại học nhưng hoàn cảnh kinh tế không cho phép, Long khăn gói trở về nhà cùng mẹ tảo tần kiếm ăn nuôi bầy em nhỏ.
Sứ mệnh người dẫn đường
Trở về bản sau 12 năm “dùi mài kinh sử” đã giúp Cao Xuân Long hiểu thế nào là áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Dù làm rẫy hay chăn nuôi trâu bò, cách làm của Long luôn năng suất và hiệu quả hơn dân bản. “Cũng chẳng có gì to tát, trồng ngô, trồng sắn thì phải chăm sóc, bón phân; nuôi trâu, nuôi bò thì phải có chuồng trại, tiêm phòng bệnh tật… Không như cách làm của dân bản lâu nay, tất cả đều nhờ trời” - Long tâm sự.
Nhờ năng nổ trong làm ăn, nhiệt tình trong các phong trào, năm 2016, Long được bầu làm Phó Bí thư chi đoàn Bản Mò o, Ồ ồ. Sau 1 năm Long được kết nạp Đảng và được dân bản tín nhiệm bầu làm Trưởng bản. Chỉ sau mấy năm dưới sự dẫn dắt của Cao Xuân Long, bản Mò o, Ồ ồ như được lột xác, các phong trào luôn tốp đầu của xã Thượng Hóa. Năm 2019, Cao Xuân Long vinh dự được bầu làm Bí thư Chi bộ, kiêm trưởng Bản Mò o, Ồ ồ.
Từ đây, Long dốc hết “sở học” và nhiệt huyết của mình để dẫn dắt dân bản vượt thoát đói nghèo và lạc hậu. “Với dân bản không gì bằng “mắt thấy, tai nghe”. Muốn mọi người nghe theo, làm theo thì mình phải làm trước. Có chuồng trại, có tiêm phòng… trâu bò không bệnh tật; có chăm sóc, có bón phân… cây ngô, cây lúa năng suất cao hơn. Cứ thế, thành công một lần chưa tin nhưng thành công nhiều lần thì dân bản tin theo răm rắp” - Long bộc bạch.
Thiếu tá Đinh Lâm Viên, cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng được tăng cường tham gia sinh hoạt và làm Phó Bí thư chi bộ Mò o, Ồ ồ không ngớt lời khen dành cho Cao Xuân Long. Thiếu tá Viên cho hay, đến nay, tộc người Rục đã hơn 60 năm rời hang đá và thế hệ thứ 3 được sinh ra tại bản, nhưng tập tục săn bắt, hái lượm vẫn ăn sâu trong tiềm thức của họ. Trước khi xuất hiện “nhân tố” Cao Xuân Long, người Rục cơ bản vẫn co cụm, ẩn mình và nghiêng ngả trong men rượu, chẳng chí thú làm ăn. Đến gạo cứu đói cũng mang đi đổi rượu, hết gạo lại chếnh choáng vào rừng kiếm cái ăn.
Theo Thiếu tá Viên, Cao Xuân Long không chỉ nhiệt huyết với công việc chung mà còn có nhiều ý tưởng sáng tạo phù hợp tập tục, văn hóa và điều kiện kinh tế của người Rục. Mới đây nhất, Long đưa ra ý tưởng làm kiệt nuôi trâu bò và thành công ngoài mong đợi. Vốn lâu nay người Rục chăn nuôi trâu bò theo kiểu ngày thả rông, phá hoại hoa màu; tối chúng tập trung về nằm dọc đường phóng uế bừa bãi rất mất vệ sinh. Để cải thiện tình trạng này, Long đưa ra ý tưởng dùng dây thép gai, tận dụng cây rừng và cọc gỗ vây lại để thả trâu bò. Lợi dụng một phía là vách đá dựng đứng, chỉ việc vây phía ngoài với chiều dài hơn 3km, bản Mò o, Ồ ồ đã có một vùng đất rộng gần 100 ha để chăn thả trâu bò cách biệt.
Thiếu tá Viên tâm sự: “Nếu không phải là Long kêu gọi, động viên, thuyết phục dân bản thì không bao giờ làm được những công trình dạng như kiệt nuôi bò. Không đơn giản mà trước khi Long làm Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mò o, Ồ ồ, cả bản này đều thuộc diện đói nghèo, nhưng kể từ năm 2017 đến nay, dưới sự dẫn dắt của Long, bản Mò o, Ồ ồ có 77 hộ, nay đã có 39 hộ thoát nghèo, tỷ lệ thoát nghèo hơn 50% chỉ trong vòng 5 năm. Đây có thể nói là kỳ tích, mà công lao phần lớn là nhờ vào Long”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chang-dan-ko-cua-nguoi-ruc-post1548635.tpo