Chặng đường 10 năm của nền nông nghiệp 'xứ lụa'

'Thành tựu 10 năm của nông nghiệp 'xứ lụa' là nông dân đã mạnh dạn thay đổi tư duy, nhận thức; chuyển từ sản xuất theo số lượng sang tập trung cho chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thị trường, từ đó đời sống của nông dân được nâng lên đáng kể, sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ ổn định' - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê chia sẻ.

Trong sản xuất lúa, nông dân đã lấy chất lượng làm mục tiêu hàng đầu

Đổi mới tư duy

Thời gian tới, TX. Tân Châu sẽ long trọng tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập, vui mừng đón nhận quyết định của Bộ Xây dựng công nhận TX. Tân Châu đạt chuẩn đô thị loại III. Quá trình 10 năm phát triển, TX. Tân Châu không ngừng “thay da đổi thịt”, bộ mặt đô thị thay đổi nhanh chóng, đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Tuy được công nhận là thị xã cách đây 10 năm, nhưng lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm một tỷ trọng lớn và hiện vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Do vậy, những năm qua, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi tư duy, nhận thức; mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng; ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, TX. Tân Châu đã hoạch định chiến lược phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, lấy thị trường tiêu thụ làm trọng tâm; lấy chất lượng làm khâu then chốt, đẩy mạnh vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác để sản phẩm làm ra tiêu thụ được dễ dàng.

Từ việc xác định rõ hướng đi, nên nông nghiệp của TX. Tân Châu có những bước phát triển vượt bậc thời gian gần đây, cụ thể trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả, sản phẩm làm ra từ những mô hình này đáp ứng nhu cầu của thị trường từ trong nước đến xuất khẩu, như: mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của nông dân Hồ Thanh Tuấn (xã Vĩnh Xương), Nguyễn Hữu Nhân (xã Phú Vĩnh); mô hình trồng dưa lưới kết hợp sung Mỹ của nông dân Võ Hoàng Nam (xã Châu Phong); trồng hoa kiểng trong nhà màng của nông dân Nguyễn Văn Gom, cơ sở sản xuất cây giống ứng dụng công nghệ cao của nông dân Lưu Văn Nhanh (xã Phú Vĩnh); mô hình tưới nước kết hợp bón phân bằng điện thoại thông minh của nông dân Huỳnh Văn Chúc (xã Lê Chánh)…

“Những năm qua, chính từ việc thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, nhận thức của nông dân đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn, giá trị cao; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang mô hình kinh tế hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị ngành hàng; từ sản xuất theo kinh nghiệm (mang nặng tính truyền thống) sang ứng dụng công nghệ cao (mang tính hiện đại) vào sản xuất; từ năng suất lao động thấp sang năng suất lao động với hàm lượng khoa học - công nghệ lớn trong mỗi sản phẩm; từ coi trọng về số lượng sản phẩm sang coi trọng chất lượng, giá trị, lợi nhuận, gắn với an toàn thực phẩm và phát triển mang tính bền vững. Từ đó, đời sống người dân không ngừng được nâng lên” - Bí thư Thị ủy Tân Châu Nguyễn Đắc Tài chia sẻ.

Đẩy mạnh chuyển dịch

Chặng đường 10 năm, nền nông nghiệp “xứ lụa” đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cụ thể tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt trên 45 triệu đồng/năm, tăng gần 20 triệu đồng so năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm xuống còn 4,26%. Hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng ở khu vực nông thôn như: điện, đường, trường, trạm… được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt được nhiều kết quả rất khả quan; cảnh quan, môi trường nông thôn từng bước được cải thiện, hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, dân chủ được phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Hiện nay, bà con nông dân đang cùng với chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sản xuất và bán ra cái thị trường cần, chứ không bán cái mình có. Cụ thể, 5 năm gần đây, ngoài nuôi cá, trồng rau xuất khẩu sang thị trường Campuchia, nông dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, như: vùng bờ bao Vĩnh Xương - Phú Lộc và một số địa phương khác đã chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu từ 168ha (năm 2015) lên 599ha (năm 2019). Cùng với cây xoài, các loại cây trồng khác đã có chỗ đứng trên thị trường, như: bưởi, cam xoàn, dừa… đang từng bước phát triển mạnh. Chính từ mạnh dạn chuyển dịch cây trồng nên trên địa bàn có mô hình sản xuất cho thu nhập trên 150 triệu đồng/công/năm, như: mô hình trồng bưởi da xanh xuất khẩu (xã Phú Vĩnh), trồng xoài cát Hòa Lộc (xã Vĩnh Xương)...

“Những năm gần đây, đời sống của nông dân không ngừng được nâng lên, có được điều này là nhờ người nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phá bỏ thế độc tôn cây lúa. Cụ thể, 1 công xoài cát Hòa Lộc mỗi năm cho trên 50 triệu đồng, nhờ đó mà đời sống người nông dân trên địa bàn thị xã khấm khá hơn nhiều so với trước đây” - ông Lê Văn Tiền (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) chia sẻ.

“Thời gian tới, TX. Tân Châu sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Phát triển nhiều mô hình mới gắn với thu hút đầu tư, trong đó chú trọng phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ở địa bàn nông thôn; phát triển các mô hình liên kết trong chuỗi giá trị nông sản; phấn đấu xây dựng ít nhất 1 thương hiệu nông sản. Tiếp tục thực hiện và phát triển 6 vùng quy hoạch ứng dụng công nghệ cao để đến năm 2020 có ít nhất 10% diện tích đất sản xuất ứng dụng công nghệ cao và đến năm 2030 đạt 30% diện tích” - Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Bùi Thái Hoàng chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chang-duong-10-nam-cua-nen-nong-nghiep-xu-lua--a260834.html