Chặng đường 25 năm đổi mới

Tỉnh Phú Thọ được thành lập năm 1891 dưới thời Pháp thuộc. Sau gần 8 thập kỷ ra đời, đầu năm 1968, Phú Thọ chính thức hợp nhất với Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú.

Cuối năm 1996, đồng thời với việc tái lập tỉnh Phú Thọ, Bộ Chính trị ban hành Quyết định 117, ngày 12/12/1996 thành lập Đảng bộ Phú Thọ và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ gồm 35 đồng chí. Khi thành lập, Đảng bộ Phú Thọ có 17 đảng bộ trực thuộc với trên 58 nghìn đảng viên sinh hoạt tại 779 tổ chức cơ sở đảng. Lịch sử gần như có sự trùng hợp quan trọng. Năm 1947 diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ I. Tròn nửa thế kỷ, vào năm 1997 diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần đầu sau khi tái lập tỉnh (Đại hội XIV). “Đại hội lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng và sâu sắc, là Đại hội đầu tiên sau khi tỉnh Phú Thọ được tái lập. Đó là Đại hội của sự chuyển tiếp thế kỷ, đưa nhân dân tỉnh ta vào thời kỳ CNH-HĐH đất nước”.

Các chỉ tiêu cơ bản về đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên đều đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã đề ra. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên bình quân đạt gần 91%; tỷ lên đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân hàng năm hơn 89%. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực, chủ động nắm bắt thời cơ, làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công cuộc đổi mới, xóa đói giảm nghèo. Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Phú Thọ đã cụ thể hóa bằng các Nghị quyết, kế hoạch phát triển KT-XH theo từng năm, từng nhiệm kỳ. Bằng tất cả sự nỗ lực, các cấp, các ngành trong đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước; tích cực động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phát triển sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Trong các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh từ XIV đến XIX, đầu tư kết cấu hạ tầng luôn được xác định là khâu đột phá, là cơ sở nền tảng cho sự phát triển KT-XH. Sự phát triển về mạng lưới giao thông đã đem lại những đổi thay đáng kể cho Phú Thọ.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư đã kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn bình quân chung của cả nước (tính riêng bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 7,58%, trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu tác động rất nặng nề của đại dịch COVID-19 vẫn tăng 6,22%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.

Phú Thọ hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới trước 3 năm so với mục tiêu đề ra; đến nay, toàn tỉnh đã có 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 4 đơn vị cấp huyện là: Huyện Lâm Thao và huyện Thanh Thủy đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh bình quân đạt 15,7 tiêu chí/xã. Các khu, cụm công nghiệp được hình thành, phát triển với quy mô và tỷ lệ lấp đầy cao nhất khu vực miền núi phía Bắc.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ "Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2020"
Chất lượng giáo dục được nâng lên, Phú Thọ luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có nền giáo dục khá của cả nước. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, quy mô, mạng lưới trường, lớp học được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường và sắp xếp tinh gọn, từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; tỉ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 89,7%. Chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học có nhiều tiến bộ; tiếp tục duy trì chất lượng giáo dục đại trà, chú trọng giáo dục mũi nhọn, số lượng, chất lượng học sinh giỏi Quốc gia, hàng năm đều đứng trong tốp 10 cả nước. Công tác xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục, xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia đạt kết quả tích cực.

Hệ thống y tế từ tỉnh đến xã không ngừng được củng cố và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay Phú Thọ có mạng lưới y tế từ tỉnh đến xã khá hoàn thiện, với trên 6.000 cán bộ y tế, trên 90% trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2012- 2020. Công tác xã hội hóa về y tế được đẩy mạnh, tỉ lệ giường bệnh xã hội hóa chiếm 51,6%. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên cả về chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần, thái độ phục vụ và chăm sóc người bệnh. Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến hết năm 2020 đạt 93%; 100% xã, phường đạt tiêu chí Quốc gia về y tế năm 2020. Các chương trình y tế quốc gia được thực hiện có hiệu quả. Công tác y tế dự phòng được quan tâm chỉ đạo, hoạt động giám sát các bệnh truyền nhiễm, bệnh dịch nguy hiểm được chủ động thực hiện thường xuyên, đặc biệt tích cực cùng cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19.

Qua chặng đường gần 25 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ tiếp tục củng cố vững chắc khối đại đoàn kết, nỗ lực thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, ý thức trách nhiệm, tính chủ động sáng tạo của nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chính quyền các cấp hiệu lực, hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát huy sức mạnh, khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế, giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ và các thành phần kinh tế; phấn đấu xây dựng Phú Thọ ngày thêm giàu mạnh, khẳng định tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Việt Hà - Trình bày ảnh: Ngọc Tùng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202109/chang-duong-25-nam-doi-moi-179360