Chặng đường gian khó với những hồi ức sâu đậm (Kỳ I)

Như vậy, sau 13 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định đầu tư, NMLD Dung Quất đã hoàn thành và đi vào hoạt động thương mại. 13 năm ròng rã đầy cam go, kiên trì, vất vả, mệt mỏi và đầy căng thẳng đối với chúng tôi.

Tháng 8/1994, khi Phòng Chế biến Dầu khí thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam) được thành lập để xúc tiến các hoạt động khâu sau (downstream activities) của Petrovietnam, tôi rời Văn phòng Tổng công ty để chuyển sang phụ trách Phòng Chế biến Dầu khí theo quyết định của Tổng Giám đốc.

Các hoạt động dầu khí khâu sau của Petrovietnam khi đó hầu như chưa có gì, chỉ có hoạt động xuất khẩu dầu thô Bạch Hổ (Petrovietnam bắt đầu khai thác dầu ở mỏ Bạch Hổ từ năm 1996) và kinh doanh một số loại dầu nhờn trên cơ sở pha trộn từ dầu gốc nhập ngoại. Hoạt động chế biến, kinh doanh sản phẩm khí cũng chưa có vì tới năm 1995 đường ống dẫn khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào bờ mới đi vào hoạt động. Các tổng kho xăng dầu, hệ thống cây xăng, đội tàu vận chuyển sản phẩm dầu… cũng chưa có. Và cũng trong năm 1994, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 658/QĐ-TTg ngày 9/11/1994 chọn Dung Quất - Quảng Ngãi làm địa điểm xây dựng Nhà máy Lọc dầu (NMLD) số 1 trong Khu kinh tế trọng điểm miền Trung.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Sau khi có quyết định của Chính phủ về địa điểm xây dựng nhà máy, trong những năm 1995 - 1996, với chủ trương kêu gọi đầu tư nước ngoài, Petrovietnam đã cùng với các đối tác nước ngoài có uy tín trong lĩnh vực lọc - hóa dầu như Total (Pháp), LG (Hàn Quốc), Petronas (Malaysia), Conoco và Stone & Webster (Mỹ), CIDC và CPC (Đài Loan - Trung Quốc) hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) rồi Báo cáo nghiên cứu khả thi chi tiết (DFS) Dự án MNLD số 1 nhưng tới cuối năm 1996 các đối tác nước ngoài xin rút khỏi dự án do không xin được ưu đãi từ Chính phủ về thuế, các chính sách bù lỗ và không được tham gia tiêu thụ sản phẩm xăng dầu tại Việt Nam. Sau 2 năm tiếp tục tìm kiếm đối tác liên doanh không đạt kết quả, đầu năm 1997, Petrovietnam lập DFS theo hình thức Việt Nam tự đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ. Tháng 7/1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định đầu tư Dự án NMLD số 1 tại Dung Quất với tổng mức đầu tư tạm tính 1,5 tỷ USD và giao cho Petrovietnam làm chủ đầu tư.

Thập niên 90 của thế kỷ XX đã diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng tại khu vực châu Á, do khả năng tự thu xếp tài chính trong nước hạn chế, dự án gặp khó khăn về nguồn vốn nên tháng 8/1998 Chính phủ Việt nam và Liên bang Nga đã thống nhất thành lập Công ty Liên doanh NMLD Việt - Nga (Vietross) để xây dựng và vận hành NMLD số 1 tại Việt Nam với tổng mức đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD.

Trong những năm 1999 - 2003, Vietross đã thuê Foster Wheeler, một công ty của Anh có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế và xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu trên thế giới lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) NMLD Dung Quất và lập đầu bài chia nhà máy thành 7 gói thầu để tổ chức đấu thầu theo hình thức EPC. Tới thời điểm 2003, Vietross đã trao 6 gói thầu cho các công ty xây dựng của Việt Nam và Nga, riêng gói thầu lớn nhất là gói thầu về công nghệ của nhà máy (Gói thầu số 1) được công ty tổ chức đấu thầu quốc tế.

Nhưng sau đó, do phát sinh một số vấn đề không thống nhất được về phương thức triển khai dự án giữa các phía tham gia trong quá trình triển khai nên tháng 1/2003, Vietross chấm dứt hoạt động. Với quyết tâm xây dựng NMLD Việt Nam, tháng 2/2003, Thủ tướng Chính phủ quyết định tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức Việt Nam tự đầu tư. Trên cơ sở đó, Petrovietnam đã thành lập Ban Quản lý Dự án NMLD số 1 để thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Do nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong quá trình tổ chức đấu thầu nên đến đầu tháng 3/2002, gói thầu số 1 mới được hai phía tham gia liên doanh là Petrovietnam và Công ty Dầu khí Zarubezhneft (Liên bang Nga) quyết định thành lập Tổ chuyên gia hai phía để kiểm tra hồ sơ dự thầu của Tổ hợp Technip, là một trong hai tổ hợp nhà thầu tham gia đấu thầu. Phía Nga cử ông Matveev V.N., Phó Tổng Giám đốc làm Tổ trưởng Tổ kiểm tra, còn phía Việt Nam khi đó đang trong bối cảnh “có bão lớn” nên tôi được chỉ định làm Tổ trưởng.

Đây là thời gian để lại dấu ấn rất sâu đậm trong tôi vì bối cảnh làm việc lúc đó rất phức tạp, đầy sức ép, trách nhiệm và căng thẳng. Với đội ngũ chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan đến dự án lọc dầu của Việt Nam và Nga khoảng 60 người, cùng các công ty tư vấn Foster Wheeler (Anh), Quad (Mỹ), các tư vấn về luật và tài chính đã làm việc liên tục không ngừng nghỉ nhiều ngày tại khu nhà thuê biệt lập ở Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội). Chúng tôi đã phải xem kỹ lại hàng nghìn trang tài liệu dự thầu trong vòng bảo vệ, giám sát nghiêm ngặt của các lực lượng an ninh, hoàn toàn cách ly với bên ngoài.

Tới cuối tháng 3/2002, Tổ chuyên gia đã trình hai phía tham gia liên doanh báo cáo kết quả kiểm tra để xem xét và tiếp tục trình lên các cơ quan cấp trên căn cứ báo cáo này. Sau khi trao đổi, thống nhất với phía Nga, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn Tổ hợp nhà thầu do Công ty Technip France đứng đầu thực hiện gói thầu EPC số 1. Các anh Nguyễn Hoài Giang, Đinh Văn Ngọc, Nguyễn Việt Thắng, Nguyễn Quang Hòa, Đặng Việt Long, Phạm Văn Bắc… khi đó còn là những kỹ sư rất trẻ đã có nhiều đóng góp tích cực trong Tổ kiểm tra cũng như quá trình đàm phán, quản lý hợp đồng EPC sau này.

Sau 2 năm đàm phán và làm việc căng thẳng với Tổ hợp Nhà thầu thì tháng 5/2005, Hợp đồng EPC gói thầu số 1+4 (Khu Công nghệ và Nhập dầu thô SPM) đã được ký giữa Petrovietnam với Tổ hợp Nhà thầu Technip gồm các công ty Technip France, Technip Geoproduction (Pháp), JGC (Nhật Bản) và Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha) do Technip France đứng đầu. Sau đó 3 tháng, các gói thầu số 2 và 3 (Khu Bể chứa dầu thô và Khu Bể chứa sản phẩm) được giao thêm cho Tổ hợp Technip với tổng giá trị 4 gói thầu khoảng 2,5 tỷ USD và thời gian thực hiện 44 tháng (sau này được điều chỉnh lên 52 tháng do có một số phát sinh trong quá trình thực hiện).

Để giảm thiểu sự phức tạp do quá nhiều đầu mối tham gia, tiện lợi cho việc kiểm tra - giám sát trong quá trình xây dựng, đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án và quan trọng nhất là sự gắn kết, tích hợp thống nhất các hạng mục quan trọng trong và ngoài hàng rào nhà máy khi vận hành nên Petrovietnam đã quyết định hợp nhất và giao 4 gói thầu quan trọng cho một tổng thầu thực hiện. Do khối lượng công việc quá lớn và phức tạp, từ 4 trung tâm thiết kế dự kiến ban đầu, Tổng thầu đã phải thành lập thêm 5 trung tâm thiết kế tại châu Âu và châu Mỹ, đưa số trung tâm thiết kế nhà máy lên 9 trung tâm.

Sau hơn 4 năm thiết kế và xây dựng, tháng 2/2009 NMLD Dung Quất xuất mẻ sản phẩm xăng dầu đầu tiên ra thị trường và ngày 30/5/2010, NMLD Dung Quất chính thức được Tổ hợp Nhà thầu bàn giao cho chủ đầu tư và đi vào vận hành ổn định cho tới ngày hôm nay.

Như vậy, sau 13 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định đầu tư, NMLD Dung Quất đã hoàn thành và đi vào hoạt động thương mại. 13 năm ròng rã đầy cam go, kiên trì, vất vả, mệt mỏi và đầy căng thẳng đối với chúng tôi. Cam go vì chủ đầu tư phải đối mặt với các nhà thầu nước ngoài đầy kinh nghiệm trong khi chủ đầu tư và các nhà thầu Việt Nam lại hạn chế về kinh nghiệm, chưa từng thực hiện các dự án tương tự trước đó; rồi phương thức EPC khi đó là hoàn toàn mới mẻ đối với các nhà thầu xây dựng Việt Nam; vất vả và căng thẳng vì sức ép tiến độ, sức ép tâm lý, trách nhiệm do quá nhiều khó khăn mới nảy sinh khi triển khai xây dựng, có quá nhiều vướng mắc về cơ chế, quy định; thiếu quá nhiều loại định mức vật tư và đơn giá xây dựng cho chuyên ngành... Các khó khăn, vướng mắc này đã ảnh hưởng nhiều tới công tác giám sát, quản lý nhà thầu và tiến độ xây dựng; kiên trì vì 13 năm là thời gian rất dài đối với đội ngũ cán bộ non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong một dự án quá lớn, quá phức tạp ở điều kiện làm việc xa nhà, đầy thách thức và rủi ro.

(còn tiếp)

Hoàng Xuân Hùng

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/chang-duong-gian-kho-voi-nhung-hoi-uc-sau-dam-ky-i-553699.html