Chặng đường sự nghiệp không yên ả của 'búp bê' Ngân Thương
Có thời điểm, Đỗ Thị Ngân Thương được ví như biểu tượng của thể thao Việt Nam, với thành tích và sức hút vượt xa phạm vi của môn thể dục dụng cụ (TDDC). Nhưng sau những câu chuyện mới đây của đội tuyển quốc gia, cái tên của Ngân Thương một lần nữa được nhắc đến theo cách chẳng ai mong muốn.
Những câu chuyện đáng nhớ
Hai tháng đầu năm 2024 là khoảng thời gian chấn động ở đội tuyển TDDC nữ Việt Nam. Sau khi VĐV Phạm Như Phương lên tiếng về tình trạng thu chi thiếu minh bạch của đội tuyển, Cục Thể dục Thể thao đã vào cuộc. Kết quả điều tra dẫn đến kết luận 4 HLV đội tuyển quốc gia bị mất việc.
Trong số các HLV bị kỷ luật, có một người chưa từng được nhắc tên ở những bài viết trước đó: Đỗ Thị Ngân Thương. Với những người yêu mến và theo dõi thể thao thành tích cao Việt Nam nhiều năm qua, cái tên Ngân Thương hẳn mang về rất nhiều hồi ức đáng nhớ của một thời vang bóng.
21 năm trước, cô bé 15 tuổi Ngân Thương vụt sáng trên bầu trời thể thao thành tích cao. Là một trong những VĐV được đầu tư hướng đến SEA Games đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Ngân Thương bước ra đấu trường quốc tế từ rất sớm. Thành công, vì thế, cũng đến với cô như một lẽ tất yếu.
Nếu Như Phương (2 HCB, 2 HCĐ tại SEA Games 31 trên sân nhà) được ví như tài năng lớn của TDDC Việt Nam, Ngân Thương hẳn xứng đáng với tên gọi "thiên tài". Trong 10 năm thi đấu thể thao thành tích cao, Ngân Thương đã giành 9 HCV ở 5 kỳ SEA Games khác nhau. Đó là thành tích rất khó tái lập.
Bên cạnh việc chinh chiến và gặt hái thành công ở đấu trường SEA Games, Ngân Thương còn là một trong những VĐV TDDC đầu tiên của Việt Nam tham dự Thế vận hội. Cô thậm chí còn làm được điều đó ở 2 kỳ Olympic khác nhau, Bắc Kinh 2008 và London 2012.
Dấu chấm buồn hiếm hoi trong sự nghiệp thi đấu của Ngân Thương diễn ra tại Olympic 2008, thời điểm cô bị kết luận dương tính với doping. Câu chuyện Ngân Thương mắc doping cũng dở khóc dở cười. Trước thềm giải đấu, "búp bê TDDC" sử dụng thuốc hỗ trợ giảm cân để có vóc dáng đẹp hơn. Cô không hề biết loại thuốc đó chứa chất cấm.
Điều may mắn cho Ngân Thương ở thời điểm ấy là mặt bằng chung của VĐV Việt Nam trong việc nhận thức phòng, chống doping còn thấp. Sau nhiều ngày xem xét, Cơ quan phòng, chống doping quốc tế cho phép Ngân Thương sớm trở lại thi đấu. Vì thế, cô đã khép lại sự nghiệp đỉnh cao của mình một cách trọn vẹn với cơ hội tham dự kỳ Thế vận hội thứ hai.
Sau khi Ngân Thương nghỉ thi đấu, người đồng đội cùng thời với cô là Phan Thị Hà Thanh đã tiếp bước người đàn chị chinh chiến đấu trường quốc tế. Những gì Hà Thanh làm được thậm chí còn ấn tượng hơn cả Ngân Thương. Họ chính là những gương mặt vàng, là một phần lịch sử rực rỡ của TDDC Việt Nam.
Điều sai không ai ngờ tới
Tại SEA Games 2005, Ngân Thương giành HCV nội dung toàn năng nữ. Cô đã đổi màu thành công tấm huy chương giành được trên sân nhà 2 năm trước. Người đồng đội cùng bước lên bục nhận huy chương toàn năng nữ với Ngân Thương năm ấy là Nguyễn Thùy Dương (HCB). Phan Thị Hà Thanh nhận HCĐ cầu thăng bằng, nội dung Ngân Thương cũng giành HCV.
Sau khi nghỉ thi đấu, Ngân Thương, Thùy Dương và Hà Thanh đều chuyển sang công tác huấn luyện. Họ là những gương mặt không thể thiếu trong đội ngũ HLV đội tuyển TDDC quốc gia. Nhưng vì một lý do nào đó, những HLV này không thể giúp đội tuyển đạt được vinh quang rực rỡ như thời họ còn thi đấu.
SEA Games 2015 là kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á cuối cùng mà TDDC nữ Việt Nam có nhà vô địch. Khi ấy, Phan Thị Hà Thanh đã đóng vai người hùng bất đắc dĩ. Cả 3 tấm HCV TDDC nữ Việt Nam giành được đều mang tên Hà Thanh. Cô như một ngôi sao đơn độc khi Ngân Thương giải nghệ. Và khi Hà Thanh nối bước đàn chị, thành tích đội tuyển lập tức đi xuống.
Có bột mới gột nên hồ. Những VĐV như Ngân Thương, Hà Thanh, Thùy Dương đều rất xuất sắc. Họ sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn để vươn đến đỉnh cao. Nhưng khi họ trở thành HLV, giá trị xưa cũ đã không thể truyền lại đến học trò, những người sinh ra đủ đầy trong thế kỷ XXI.
Sau kết luận của Cục TDTT, Ngân Thương và Thùy Dương không còn là HLV tại đội tuyển quốc gia. Hà Thanh được đôn lên làm HLV trưởng một cách bất đắc dĩ. Hẳn những người chị em năm nào đang cảm thấy vô cùng bối rối, khi mọi thứ diễn ra theo cách không ai mong muốn. Đội tuyển rơi vào cảnh thiếu VĐV tài năng trong những năm qua, và giờ còn thiếu HLV.
Xét về mặt quy định, Ngân Thương hẳn đã sai khi có liên đới đến việc nhận tiền từ VĐV. Nhưng bản chất câu chuyện xuất phát từ thành tích của đội tuyển TDDC nữ không còn như trước. Vì thế, Ngân Thương càng có trách nhiệm lớn hơn. Bởi cô là một nhân tố trong việc đưa thành tích của TDDC nữ Việt Nam vượt quá xa những nền tảng vốn có.
Sau 3 thập niên hình thành và phát triển tại Việt Nam, một môn thể thao tầm cỡ như Olympic chỉ ghi nhận ít hơn 10 đơn vị đầu tư, phát triển. Ở chiều ngược lại, những môn không xuất hiện trong Olympic (cũng như ASIAD) lại ngày một nở rộ và thu hút ngân sách Nhà nước. Đó mới là nghịch lý thể thao Việt Nam cần giải quyết trong tương lai gần.
TDDC nam hướng đến mục tiêu Olympic
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam không có VĐV thể dục dụng cụ nữ nào đủ khả năng chinh phục HCV SEA Games. Vì thế, những mục tiêu như giành huy chương ASIAD và giành suất Olympic thực sự là đích ngắm quá tầm. Ở chiều ngược lại, trọng trách vươn ra thế giới đang đặt trên vai những đồng nghiệp nam như Nguyễn Văn Khánh Phong, Trịnh Hải Khang.
Tại 2 giải Cúp TDDC thế giới vừa qua ở Ai Cập và Đức, các thành viên đội tuyển Việt Nam đều có kết quả tích cực. Điều đó giúp TDDC Việt Nam có thể tự tin hướng đến việc giành 1, thậm chí 2 suất đến Olympic Paris. Họ sẽ tiếp tục tham dự 2 giải Cúp TDDC thế giới khác trong thời gian tới.
Khác với TDDC nữ, nơi nhiều gia đình không sẵn sàng để con gái theo đuổi một môn thể thao quá nhiều rủi ro, TDDC nam lại có lực lượng VĐV kế cận với chất lượng tương đối tốt. Sau khi Trương Minh Sang giải nghệ, anh có những đàn em tiếp bước như Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành. Hiện tại, họ cũng đã rời tuyển quốc gia để lứa đàn em thể hiện.