Chặng đường tiếp theo của Julian Assange

Người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange, đã được thả khỏi nhà tù ở Anh sau khi đạt được thỏa thuận 'nhận tội' với Bộ Tư pháp Mỹ hôm 24/6. Ông Assange sau đó đã lên chuyến bay khởi hành tại sân bay Stansted ở London vào tối cùng ngày để đến nơi dự phiên tòa cuối cùng trước khi quay trở về Australia.

Các công tố viên Mỹ cho biết trong hồ sơ tòa án rằng ông Assange, 52 tuổi, đã đồng ý nhận tội hình sự duy nhất là “âm mưu lấy và tiết lộ các tài liệu quốc phòng bí mật của Mỹ”. Dự kiến ông sẽ bị kết án tại phiên điều trần trên đảo Saipan thuộc Quần đảo Bắc Mariana vào lúc 9 giờ sáng giờ địa phương ngày 26/6.

Theo thỏa thuận (phải được thẩm phán chấp thuận), ông Assange có thể sẽ được ghi nhận đã thụ án trong 5 năm qua và không phải đối mặt với án tù mới. Thỏa thuận nhận tội được đưa ra vài tháng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đang xem xét yêu cầu từ Australia về việc từ bỏ nỗ lực truy tố Assange của Mỹ.

Stella Assange, vợ của Julian Assange, phát biểu bên ngoài Tòa án Công lý Hoàng gia, Tòa án Tối cao Anh ở trung tâm London ngày 26/3/2024.

Stella Assange, vợ của Julian Assange, phát biểu bên ngoài Tòa án Công lý Hoàng gia, Tòa án Tối cao Anh ở trung tâm London ngày 26/3/2024.

Trong một lá thư gửi thẩm phán liên bang tại tòa án quận Quần đảo Bắc Mariana, một quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng phiên tòa được chuyển đến Saipan vì nơi này “gần với quốc tịch của bị cáo”. Quan chức này nói thêm rằng sau khi phiên tòa tuyên án kết thúc, ông Assange dự kiến sẽ tới Australia.

WikiLeaks cho biết trên X rằng ông Assange đã rời nhà tù Belmarsh vào sáng 24/6, sau 1.901 ngày bị giam cầm ở đó. Trang này cho biết ông sẽ đoàn tụ với vợ mình, bà Stella tại Australia. Bà Stella cũng đã xác nhận trên X rằng “Julian được tự do!”. Bà vui mừng không kể siết và cảm ơn những người ủng hộ ông Assange.

Một phát ngôn viên của chính phủ Australia không xác nhận hay phủ nhận thỏa thuận nhận tội nhưng cho Canberra biết về các thủ tục pháp lý, đồng thời nói thêm: “Thủ tướng Albanese đã nói rõ, vụ án của ông Assange đã kéo dài quá lâu và không có gì cả, có được nhờ việc anh ta tiếp tục bị giam giữ”. Mẹ của ông Assange, bà Christine, hoan nghênh những diễn biến này và nói rằng: “Tôi rất biết ơn vì thử thách của con trai tôi cuối cùng cũng đã kết thúc”.

Việc ông Assange bị truy tố và phải trải qua 12 năm giam lỏng và ngồi tù liên quan đến sự việc năm 2010 trang WikiLeaks do ông sáng lập đã công bố hàng trăm nghìn tài liệu quân sự mật của Mỹ về các cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và Iraq - những vi phạm an ninh lớn nhất thuộc loại này trong lịch sử quân sự Mỹ - cùng với hàng loạt điện tín ngoại giao nhạy cảm. Ông Assange đã bị truy tố trong giai đoạn ông Donald Trump nắm quyền. Bên cạnh đó, ông Assange cũng bị cáo buộc liên quan đến việc trang WikiLeaks phát hành hàng loạt tài liệu bí mật của Mỹ bị rò rỉ bởi Chelsea Manning, nhà phân tích tình báo quân đội Mỹ, người cũng bị truy tố theo Đạo luật Gián điệp (Espionage Act).

Nhiều người ủng hộ quyền tự do báo chí đã lập luận rằng việc buộc tội ông Assange là mối đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận.

Trong tài liệu tòa án nộp cho tòa án quận Quần đảo Bắc Mariana trước khi tòa tuyên án hôm 26/6, chính phủ Mỹ đã trình bày chi tiết về cáo buộc âm mưu thu thập và tiết lộ thông tin quốc phòng nằm ở trọng tâm của thỏa thuận nhận tội. Cáo trạng cáo buộc ông Assange âm mưu “cố ý và bất hợp pháp” với Chelsea Manning để “nhận và lấy được các tài liệu, bài viết và ghi chú liên quan đến quốc phòng… cho đến cấp độ mật”.

Khi tin tức về thỏa thuận nhận tội lan truyền vào tối 24/6, nhiều người bày tỏ nhẹ nhõm rằng thời gian bị giam cầm kéo dài nhiều năm của ông Assange sắp kết thúc. Nhưng cũng có những lo ngại rằng việc kết án, dù chỉ một tội danh, có thể có tác động xấu và lâu dài đối với hoạt động báo chí điều tra và an ninh quốc gia.

Jameel Jaffer, giám đốc điều hành của Knight về Tu chính án thứ nhất tại Đại học Columbia, nơi bảo vệ quyền tự do báo chí, nói rằng thỏa thuận nhận tội đã ngăn chặn tình huống xấu nhất là một cuộc truy tố toàn diện. Jaffer cảnh báo rằng kết quả này có thể “phủ bóng đen lên những thể loại báo chí quan trọng nhất, không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới”.

Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích thỏa thuận này, cho rằng đây là một “sự sai lầm về công lý”. Ông viết trên X: “Không nên có thỏa thuận nhận tội nào để tránh phải ngồi tù đối với bất kỳ ai gây nguy hiểm cho an ninh của quân đội chúng ta hoặc an ninh quốc gia của Mỹ”.

Ông Assange lần đầu bị bắt ở Anh vào năm 2010 theo lệnh bắt giữ của châu Âu sau khi chính quyền Thụy Điển cho biết họ muốn thẩm vấn ông về các cáo buộc tội phạm tình dục. Ông đã chạy vào lẩn trốn bên trong đại sứ quán Ecuador và ở đó 7 năm để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển. Ông bị lôi ra khỏi đại sứ quán vào năm 2019 và bị bỏ tù vì bỏ qua việc bảo lãnh. Ông đã ở trong nhà tù an ninh hàng đầu Belmarsh của London kể từ đó, từ đó ông đang đấu tranh chống dẫn độ sang Mỹ.

Vào tháng 2/2024, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tra tấn Alice Jill Edwards đã kêu gọi chính phủ Anh tạm dừng khả năng dẫn độ và nhắc lại mối lo ngại của bà về tình trạng sức khỏe của ông Assange và “khả năng ông phải nhận một bản án hoàn toàn không tương xứng ở Mỹ”.

Đánh dấu 5 năm ông Assange ngồi tù ở Belmarsh, Tổng thư ký Tổ chức Ân xá quốc tế Agnès Callamard cảnh báo rằng ông Assange nếu bị dẫn độ sẽ “có nguy cơ bị lạm dụng nghiêm trọng, bao gồm cả biệt giam kéo dài, vi phạm lệnh cấm tra tấn hoặc đối xử tệ bạc khác”.

Trước sức ép của dư luận quốc tế, tháng 4/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chính quyền của ông đang “xem xét” yêu cầu từ Australia bãi bỏ cáo buộc đối với người sáng lập trang WikiLeaks. Tuyên bố này được Thủ tướng Australia Anthony Albanese mô tả là một tín hiệu “đáng khích lệ”, nói thêm rằng ông Assange “đã phải trả một cái giá đáng kể” và “đủ rồi”.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chang-duong-tiep-theo-cua-julian-assange-i736060/