Chàng họa sĩ với nét cọ truyền thần

Vẽ chân dung là một thể loại hội họa có từ lâu đời, song để có được một chân dung nghệ thuật đòi hỏi người họa sĩ phải biết bắt cái thần của nhân vật. Nói cách khác, vẽ tranh truyền thần là sự kết hợp giữa tài năng hội họa và mĩ cảm nhân trắc học. Vì thế thể loại này còn được gọi là vẽ truyền thần. Trần Thế Vĩnh, một họa sĩ trẻ Quảng Trị gần đây được biết đến là người vẽ tranh chân dung ấn tượng, được giới chuyên môn đánh giá cao, tranh của anh được nhiều nhà sưu tập tuyển chọn.

 Họa sĩ trẻ say mê từng nét cọ với nhân vật của mình

Họa sĩ trẻ say mê từng nét cọ với nhân vật của mình

Nuôi dưỡng niềm đam mê

Trần Thế Vĩnh sinh năm 1986, người làng Phúc Lộc, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong. Thừa hưởng truyền thống hiếu học và nghệ thuật của gia đình, cha Vĩnh là thợ vẽ trang trí, nên Vĩnh say mê sắc màu từ nhỏ. Học giỏi ngôn ngữ, từng được giải tiếng Anh và là học sinh chuyên Anh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thừa sức thi vào những trường đại học kinh tế nhưng Vĩnh lại chọn hội họa tại Trường Đại học nghệ thuật Huế.

Năng khiếu càng phát huy khi chọn được môi trường phù hợp, kiến thức ở đại học nghệ thuật giúp Vĩnh hiểu thêm về các trường phái hội họa. Những cuộc giao lưu với giới nghệ sĩ ở Huế cho Vĩnh thêm những trải nghiệm về nghệ thuật đương đại. Chàng trai quê nghèo không ngừng dấn thân, hầu như đêm nào Vĩnh cũng thức để vẽ và nghiên cứu sách triết học, nghệ thuật. Nhờ vốn tiếng Anh, Vĩnh tiếp cận được với các du khách tới Huế. Nhờ đó những bức tranh thời sinh viên của anh đã được các du khách chọn sưu tập. Thành công bước đầu giúp Vĩnh tự tin hơn với nghề đã chọn.

Trong khi gia đình khó khăn, Vĩnh vẫn nuôi dưỡng đam mê. Cứ cuối tuần anh lại ra đường đi bộ dọc sông Hương vẽ kí họa chân dung cho khách du lịch. Mỗi bức lúc đó chỉ hai mươi nghìn đồng, cũng đủ ăn cơm và mua màu vẽ.

 Trần Thế Vĩnh (bên phải) và tác phẩm “Hạnh phúc” đạt giải đặc biệt Dogma 2013

Trần Thế Vĩnh (bên phải) và tác phẩm “Hạnh phúc” đạt giải đặc biệt Dogma 2013

Chính từ những buổi đi kí họa chân dung, chàng sinh viên nghệ thuật nhận ra khả năng “bắt thần” nhân vật của mình. Năm 2013, Vĩnh vẽ bức chân dung tự họa Hạnh phúc chất liệu sơn dầu trên bố. Tranh tự họa Vĩnh với đôi mắt nhắm bình an, đón nhận, trên mái tóc xồm xoàm là cặp chim đẻ trứng. Ẩn ý đất lành chim đậu, hay là sự sinh sôi chỉ có được khi tâm ta hạnh phúc. Bức chân dung đã đoạt giải đặc biệt của cuộc thi Dogma, một giải thưởng danh giá về chân dung tự họa.

Vĩnh dành hai năm, từ 2013 đến 2015 cho việc vẽ chân dung tự họa và kết thúc bằng triển lãm cá nhân Bắt đầu từ đâu? năm 2016. “Khi người họa sĩ tự vẽ mình chính là lúc họ đang tự soi gương, từng giờ từng khắc” - Vĩnh chia sẻ - “Sự soi lại mình đó là hành trình vừa tự đặt câu hỏi, cũng là tự trả lời cho chính mình, rằng tôi là ai, tôi đến từ đâu, tôi có thực sự là tôi không khi vạn vật vô thường, tâm ta cũng vô thường”. Thành công bước đầu đó của Vĩnh như ghi nhận cho những nỗ lực phản ánh tâm thế thời đại thông qua chân dung tự thân.

Nét cọ truyền thần

Từ năm 2018, Vĩnh vẽ một chuỗi tranh sơn dầu các chân dung văn nghệ sĩ. Những bức tranh Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Lê Uyên Phương, Phạm Đình Chương, Phùng Quán… đăng lên facebook được giới chuyên môn đánh giá cao và hàng trăm lượt chia sẻ. Tranh chân dung văn nghệ sĩ của Vĩnh được các nhà sưu tập săn đón. Bức tranh Bùi Giáng được những người từng gặp ông như nhà văn Nguyễn Quang Lập nhận xét là “lấy được cái thần của Bùi Giáng, tinh khôn một cách ngơ ngác”. Nhiều nhà sưu tập đưa ra giá cao để có bức tranh này nhưng Vĩnh chưa muốn chuyển nhượng.

Là một người say mê đọc sách và tìm hiểu các vấn đề nghệ thuật, triết học, Vĩnh trân quý những người tiền bối. Từ đó Vĩnh tìm hiểu về cuộc đời họ, rồi truyền tải những gì cảm nhận được từ số phận của họ lên những bức tranh sao cho đúng bản chất, thần thái nhất. Công việc này đối với Vĩnh như một sự tri ân của một kẻ hậu bối trước những tiền bối tài năng, những người đã để lại nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc đời. Hiểu nhân vật trước khi vẽ, Vĩnh lựa chọn cách phối màu trên tranh chân dung sao cho khắc họa được đời sống, tâm trạng, tư tưởng nhân vật. Chẳng hạn vẽ các nhạc sĩ Lê Uyên Phương, Phạm Đình Chương… thì dùng tông màu tối, thể hiện nỗi bi sầu thế hệ của họ từ thời tân nhạc Việt. Chân dung nhà thơ Trần Vàng Sao với tông màu nóng, toát lên từ sâu thẳm nội tâm chí khí của “một người yêu nước mình”.

 Căn phòng nhỏ của Vĩnh là không gian sáng tác, trưng bày, thường xuyên đón những người yêu nghệ thuật

Căn phòng nhỏ của Vĩnh là không gian sáng tác, trưng bày, thường xuyên đón những người yêu nghệ thuật

Không chỉ là chân dung văn nghệ sĩ, Vĩnh còn vẽ chân dung các bậc trí giả như Tuệ Sĩ, Phạm Công Thiện, Nguyễn Hiến Lê… mà theo Vĩnh đó là những người đáng ngưỡng mộ và truyền cảm hứng. Và một trong những nhân vật truyền cảm hứng được Vĩnh đưa vào tranh là huấn luyện viên Park Hang-seo.

Chân dung sơn dầu Park Hang-seo có tên Người thầy của tôi, sơn dầu khổ 73x92cm, Vĩnh vẽ khi bóng đá Việt Nam đang có những thành công vang dội. Bức chân dung ngay lập tức gây sốt trên mạng xã hội, hàng chục lượt người chia sẻ trước trận chung kết AFF Cup 2018. Tác phẩm được đưa ra đấu giá tại nhà đấu giá nghệ thuật Chọn với giá chung cuộc 10.500 USD (tương đương 247 triệu đồng). Báo chí và Chuyển động 24h đều đưa tin về bức chân dung, tạo một hiệu ứng cộng hưởng nghệ thuật và sự kiện.

“Sống để vẽ và chỉ vẽ”

Vĩnh đã vẽ trên 30 bức tranh chân dung những nhân vật tiêu biểu trong giới nghệ sĩ, trí thức của Việt Nam và cảm hứng sáng tác ấy vẫn chưa dừng lại. Dự định của Vĩnh là hoàn thành 50 bức để làm một triển lãm cá nhân. Trước mắt, trong căn phòng thuê trọ ở Sài Gòn, Vĩnh vừa dùng làm xưởng vẽ, vừa như một gallery trưng bày các tác phẩm của mình. Căn phòng nhỏ ấy thường xuyên đón những người yêu nghệ thuật và các nhà sưu tập đến thưởng lãm.

Lập nghiệp ở Sài Gòn, mỗi năm Vĩnh về quê năm bảy bận. Lần nào về cũng mang màu theo để vẽ. Cuối năm, Vĩnh về ăn tết và vẽ từ lúc tới nhà cho đến ngày rời quê. Quý trọng anh em bạn bè, nên cứ tết là Vĩnh vẽ chân dung bạn bè trong làng. Vĩnh vẽ xuyên giao thừa và những bức chân dung đặc biệt đó rất “mát tay”, hễ năm nào Vĩnh vẽ ai thì qua năm người đó… lấy vợ.

Với Vĩnh, vẽ tranh là nghề, là nghiệp, nên chẳng thấy khó khăn gì. Tuy nhiên, khi vẽ bất cứ ai, bất cứ điều gì, chàng họa sĩ phải cảm thấy yêu, thấy thích thì mới vẽ, chứ tuyệt nhiên không cố gắng bắt buộc mình.

Như một tự sự về nghề, Trần Thế Vĩnh cho biết: “Từ thuở nhỏ tôi luôn ước mơ sẽ trở thành họa sĩ và ước mơ đó giờ đây đã thành hiện thực. Lựa chọn của tôi không bao giờ thay đổi, đó là sống để vẽ và chỉ vẽ mà thôi. Tôi coi hội họa như là nghiệp của mình, không thể thoát ra được. Tôi luôn ý thức về con đường mình đi và biết rằng, trên cuộc đời này, được sống với đam mê đó chính là hạnh phúc. Tôi vẽ là để thỏa mãn khát vọng, tư tưởng của chính mình và nếu việc vẽ của mình đem lại niềm vui, thẩm mĩ cho người khác thì càng tuyệt vời hơn nữa”.

Hoàng Công Danh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=142089