Chàng kỹ sư và anh nông dân trẻ Hà Tĩnh bắt tay xử lý nước thải chăn nuôi
Với những trăn trở về môi trường trong chăn nuôi, chàng kỹ sư Nguyễn Ngọc Tú (SN 1983, Thạch Lạc, Thạch Hà, Hà Tĩnh) và anh nông dân Phan Công Vũ (SN 1986, phường Hưng Trí, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã cùng nhau thực hiện ý tưởng: xử lý nước thải chăn nuôi đảm bảo môi trường.
Ngược ngàn lên vùng núi xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh), nơi đặt “đại bản doanh” chăn nuôi của ông chủ trẻ 8X Phan Công vũ với 18 ha chăn nuôi lợn khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP, cũng đúng kỳ kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi của kỹ sư Nguyễn Ngọc Tú.
Dẫn chúng tôi tham quan bể xử lý nước thải trong trang trại, anh Phan Công Vũ kể lại thời điểm cả hai cùng đồng ý bắt tay thực hiện dự án: “Tôi với anh Tú quen nhau cũng khá lâu rồi và biết anh là người đam mê nghiên cứu nên cùng anh bắt tay hợp tác. Đang là người chăn nuôi có quy mô hơn 1.000 con lợn, thực sự tôi thấy hệ thống trước đây chỉ mới giải quyết khâu làm Biogas và vẫn còn mùi hôi khó xử lý kèm theo đó tiêu tốn lượng nước, lãng phí điện. May thay, khi bày tỏ trăn trở với anh Tú, tôi nhận được sự gật đầu cho một cuộc thử nghiệm khi anh ấy sẽ là người sáng chế còn tôi là người triển khai đầu tiên…”.
Tháng 5/2019 đánh dấu mốc quan trọng khi hệ thống được chính thức đưa vào vận hành tại HTX Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Hoàng Phát (trại chăn nuôi của anh Phan Công Vũ) với công suất trung bình từ 50-80m3/ngày.
“Còn nhớ lần đầu tiên mang nước ở bể xử lý đi xét nghiệm, rất lo lắng và hồi hộp, đến lúc nhận được kết quả, thực sự hai anh em không dám tin vào mắt mình khi các chỉ số xử lý vi khuẩn gần như tuyệt đối. Sự thành công này còn có thể tiết kiệm giúp tôi hàng trăm triệu đồng tiền chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải tương đương. Chi phí đầu tư ở trại của tôi mất khoảng 300 triệu nhưng nếu làm các hệ thống khác thì phải mất gần 1 tỷ đồng”- anh Vũ nhẩm tính.
Theo chia sẻ của hai anh, hệ thống xử lý nước thải này khác hơn nhiều so với các phương pháp khác với hệ thống hoàn toàn tự động theo các cảm biến mực nước và thời gian cài đặt.
Theo đó, hệ thống sẽ tìm và nuôi được các chủng vi khuẩn có tính năng xử lý ưu việt nhất, làm mất mùi hôi thối của nước thải chăn nuôi. Bể xử lý đơn giản, cho nên chủ trang trại có thể tự xây dựng để tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, nguồn nước thải qua xử lý có thể tái sử dụng lại cho việc vệ sinh chuồng, mặt bằng không chiếm nhiều diện tích đất và chi phí thấp (chỉ bằng 1/3 chi phí so với một số phương pháp xử lý trại lợn tương tự ở các tỉnh khác).
Báo cáo phân tích mới nhất cho thấy, hệ thống xử lý nước thải tại HTX Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Hoàng Phát đều đạt chỉ số theo Quy chuẩn quốc gia về nước thải chăn nuôi (QCVN 62:2018/BTNMT, tính tại cột B dành cho nước thải chăn nuôi).
Được biết, sau qua trình chạy thử nghiệm thành công, hiện mô hình xử lý của anh Tú và anh Vũ đã được nhiều đơn vị đến tham quan, học tập.
Ông Hồ Sỹ Huy Thảo, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh chia sẻ: “Lúc đầu nghe, tôi cũng không tin về hiệu quả đạt cũng như chi phí tiết kiệm của công trình, nhưng khi tận mắt chứng kiến cũng như xem kết quả giám định mẫu nước sau xử lý, thực sự đây là công trình đáng nhìn nhận và đầu tư. Tháng 11/2019, công ty chúng tôi đã quyết tâm đầu tư vào công trình xử lý này với công suất 200m3/ngày, đó là một trong những nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề xử lý nước thải chăn nuôi trong thời gian qua của công ty…”.
Thu Trang