Chàng lãng tử viết du văn
'Miền sau cánh cửa' là cuốn sách đầu tiên của Trần Nhật Minh sau gần 30 năm làm báo. Tác phẩm gồm 252 trang với 38 bài viết gắn với bao chuyến đi, bao số phận con người, bao câu chuyện vui buồn ngồn ngộn chất liệu tươi mới của đời sống. Tôi muốn gọi 38 bài viết này là những bản du văn của một tâm hồn lãng tử.
Lướt qua nhan đề từng bài viết, có thể thấy Trần Nhật Minh là người ưa xê dịch. Sinh ra và lớn lên ở phố, nơi làm việc hằng ngày bây giờ cũng nằm trên một con phố trung tâm, cách Hồ Gươm chỉ vài bước chân, nhưng hễ cứ "hở ra" là anh đi, đi càng xa thì càng thích. Khi lên núi, Trần Nhật Minh có các bài: “Chợt ghi ở núi”, “Lên non”, “Sắc núi”, “Sa Pa mù sương”. Về với bản làng, anh viết “Những chặng dừng sương giá”, “Tỉnh Mường”, “Đường vượt nghèo”, “Bản bên bờ sóng”. Ra biển, anh có “Lênh đênh”, “Đời phà”, “Hướng ra biển”, “Đời ven bể”, “Những người đàn ông canh biển”...
Bàn chân của anh lang thang từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến những tỉnh miền Tây ("Những chuyến xe đò"), đến tận điểm cực Nam của Tổ quốc ("Thư về Cà Mau")... Anh kể về những chuyến đi tới Yangon (Myanmar), Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản). Đi, với Trần Nhật Minh, chính là một thái độ sống. Đi để hiểu, để khám phá, làm giàu thêm vốn sống mỗi ngày. Đi cũng là để thêm yêu quê hương đất nước mình. Anh viết về đặc trưng của mỗi vùng miền, từ cái ăn cái mặc cho tới giá trị văn hóa cần được lưu giữ. Đó có thể là cá anh vũ ở Việt Trì (Phú Thọ), rượu San Lùng ở Lào Cai, thịt chuột đồng quay lu ở Đồng Tháp, cỗ lá và những chiếc cồng, nhà lang ở Hòa Bình...
Anh kể về nhiều người mà anh từng gặp. Có những mảnh đời khiến chúng ta day dứt như những câu chuyện ở bản Chiềng Ơn khi "cơn bão" ma túy kéo về. Có những nhân vật không được gọi tên cụ thể, có lẽ anh muốn tránh đi một phần ký ức nhiều xa xót, chỉ biết rằng con người ấy đã vượt qua những chìm đắm lầm lạc để quyết tâm làm lại cuộc đời (Phố hướng về phía sông). Trần Nhật Minh kể với chúng ta vẻ đẹp tâm hồn bình dị mà xúc động của bao con người ở bao vùng miền. Đó là những người muốn lưu giữ giá trị văn hóa như ông Sùng A Tồ và điệu khèn của người Mông, như Hiếu "Mường" và ước mơ lưu giữ giá trị văn hóa của người Việt cổ, anh Nguyễn Văn Khắc và đội cà kheo vùng biển... Đó là những con người dũng cảm kiên cường gắn bó cả cuộc đời với biển đảo quê hương như thiếu tướng Bùi Sỹ Trinh, “Chúa đảo Trường Sa” Nguyễn Đức Thắng... Đó là những người nghệ sĩ như chú Hai ở Cà Mau, ông Sinh ở Cần Thơ, những người cả đời say sưa với tiếng đàn điệu hát và truyền vào đó đạo lý làm người.
Khi Trần Nhật Minh không đi xa mà ở ngay Hà Nội, anh tìm về giá trị xưa cũ. Những bài như “Miền sau cánh cửa”, “Mùa đông thương nhớ” có nhiều chi tiết làm người đọc xúc động, như tờ báo cũ chèn vào mái ngói để chống rét, hai cụ già là những trí thức mẫu mực sống thanh bần trong một gian nhà cũ với tấm phản sờn tróc... Những trang văn như thế của anh, tôi tin đã và sẽ đánh thức thiện tính trong mỗi người đọc.
Có thể thấy, động và tĩnh là hai mảng song hành, hòa quyện trong Trần Nhật Minh từ con người đến trang văn. Khi động thì di chuyển không ngừng để tích nạp năng lượng cuộc sống. Khi tĩnh thì sâu lắng tột cùng để dâng lên những cảm xúc yêu thương.
“Miền sau cánh cửa” của Trần Nhật Minh có thể xem là một cuốn sách ân tình. Anh từng chia sẻ trên trang cá nhân, rằng anh tập hợp các bài viết và in thành cuốn sách này như một sự lưu giữ những năm tháng đã qua. Trong những năm tháng ấy có biết bao ấm áp, chân tình mà anh dành cho gia đình, quê hương, bè bạn, và anh cũng được những người mà anh từng gặp gỡ, gắn bó đáp lại y như vậy. Tôi tin những câu chuyện, những trang văn của anh sẽ được đón nhận và chia sẻ với sự đồng cảm lớn lao.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/988087/chang-lang-tu-viet-du-van