Chàng Phong 'điên' đa tài
Chàng nghệ sĩ Tây Phong từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường đã nổi tiếng cá tính, thích sáng tạo độc lập và chống lại các khuôn mẫu xơ cứng. Biệt danh Phong 'điên' cũng ra đời từ đó. Chất 'điên' đáng yêu của người luôn muốn đem lại những điều mới lạ cho nghệ thuật từ dân gian đến hiện đại, từ dân dã tới bác học.
Tôi biết nghệ sĩ Tây Phong qua một chương trình biểu diễn âm nhạc hiện đại kết hợp quan họ và những chất liệu sáng tạo hiện đại. “Liền anh” Tây Phong mái tóc dài tới thắt lưng với những luyến láy ngẫu hứng khiến khán giả không ngớt vỗ tay kinh ngạc…
Lang thang trong làn điệu cổ
Tây Phong đam mê nhạc cổ tới mức mỗi lần cà phê với bạn bè, anh lại lẩy mấy câu quan họ lời xưa. Nghệ sĩ quan họ Lệ Thúy, người xây dựng nhiều chương trình hát quan họ tại TPHCM nói: “Tây Phong rất đam mê quan họ, một liền anh am hiểu về lịch sử dân ca và có kỹ thuật hát vang rền nền nẩy như một nghệ sĩ quan họ chính gốc vậy”.
Tây Phong vốn người gốc Hải Phòng, lớn lên và học hành ở Miền Nam. Anh nói: “Tôi tốt nghiệp chuyên ngành thanh nhạc tại Nhạc viện TPHCM, từng đầu quân cho một đoàn ca nhạc chuyên nghiệp của thành phố. Nhưng rồi cái máu phiêu lưu, mạo hiểm, thích khám phá, thích tìm tòi vốn cổ cứ kéo tôi đi”.
Nhạc sĩ Vương Nông, một người em, người bạn học cùng Tây Phong trong nhạc viện kể: “Khó có ai đam mê âm nhạc như Tây Phong. Lúc chúng tôi còn là sinh viên, anh ấy đã mở quán nhạc để chơi, hát. Ban đầu, quán của anh ấy mở ở quận 7, phong cách quá hiện đại và có phần lập dị nên không phù hợp với cuộc sống ngoại thành. Tới lúc quán chuyển vào thành phố, lập tức khán giả tới rất đông, phần nhiều là khán giả trẻ”.
Tây Phong cùng Vương Nông và bạn bè lập một ban nhạc rock. Họ tham gia cuộc thi các ban nhạc rock tại TPHCM và đoạt giải nhất.
Được nhiều người khen ngợi và được nhìn nhận tốt về chuyên môn, nhưng anh chàng “Phong điên” dường như chưa thể tìm được ngôi nhà nghệ thuật của mình. Anh rời bỏ đoàn ca múa nhạc, rời bỏ ban nhạc, một mình độc hành đi tìm kiếm những nẻo đường nghệ thuật cho riêng mình. Sở thích của “Phong điên” là gặp gỡ các nghệ nhân hát chèo, tuồng, cải lương, quan họ… xin trở thành học trò của họ. Anh có thể hát rất nhiều làn điệu cổ của các vùng đất khác nhau, những thứ tưởng chừng mai một không dễ gì còn nghe thấy nữa.
Dấn thân vào nhạc kịch
Khi học thanh nhạc ở Nhạc viện TP.HCM, Tây Phong sáng lập nhóm nhạc riêng (tiền thân của nhóm AC&M sau này) rồi lập ban nhạc rock, tiếp theo là khám phá nhạc jazz. Dường như anh muốn thử nghiệm tất cả.
Tốt nghiệp nhạc viện, Tây Phong thi vào trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, theo học ngành đạo diễn sân khấu. Bạn bè hỏi: “Này Phong điên, ca sĩ chưa đủ sao mà còn theo đuổi ngành sân khấu để làm gì?”.
Tây Phong nói với tôi: “Nhạc kịch là một nghệ thuật tôi rất yêu thích, nhưng nếu chỉ học ở nhạc viện, tôi vẫn chưa thể hiểu và tự tin về nghệ thuật này. Tôi muốn tìm hiểu xem một vở nhạc kịch được hình thành với kịch bản, sân khấu và khán giả như thế nào?”. Anh vui vẻ kể: “Thật may mắn cho tôi, và có lẽ cũng là cái duyên phận, tôi vừa tốt nghiệp ngành đạo diễn sân khấu thì được mời làm đạo diễn một vở nhạc kịch!”.
Vở opera Cuộc sống Paris ra đời năm 1866 (do nhà soạn nhạc người gốc Đức Jacques Offenbach viết nhạc, kịch bản và lời hát của Henri và Ludovic Halévy), dưới bàn tay đạo diễn của Tây Phong và với phần trình diễn của các nghệ sĩ Nhà hát HBSO như Duyên Huyền, Khánh Ngọc, Đào Mác, Trung Kiệt, Thành Tâm, Nam Khánh, với sự chỉ huy của nhạc trưởng Patrick Souillot (Pháp) đã để lại trong người xem nhiều ấn tượng mới lạ. Đạo diễn Tây Phong cho biết: “Tôi đã cố gắng Việt hóa vở Opera “Cuộc sống Paris” để người diễn, người xem có thể dễ dàng hiểu, đồng cảm và có nhiều suy nghĩ về cuộc sống đô thị hiện đại”.
Tự do với sân khấu thử nghiệm
“Tôi may mắn được tham gia mấy khóa đào tạo đạo diễn hiện đại, sáng tác các tác phẩm kịch hiện đại tại Nhật Bản. Đó là các lớp sáng tác tập hợp nhiều nghệ sĩ trẻ tên tuổi từ khắp thế giới và chúng tôi đưa ra nhiều ý tưởng mới mẻ. Khi trở về Việt Nam, tôi cố gắng đưa càng nhiều càng tốt những gì mới mẻ nhất của sân khấu hiện đại vào các vở kịch của tôi và các dự án tôi tham gia”.
Năm 2022 Tây Phong tham gia dự án Đà Lạt Mộng Mơ (tập trung hơn 100 nghệ sĩ và người làm sáng tạo với 57% các tác phẩm được thực hiện dưới hình thức âm nhạc/trình diễn thể nghiệm và video). Vở kịch “Giấc mơ người coi chim” của nhóm Nhà Chung, do Tây Phong đạo diễn để lại nhiều ấn tượng tốt.
Vở “Người coi chim” nguyên tác: Le Gardien Des Oiseaux, tác giả: Francois Amant-Jean), theo Tây Phong là một vở kịch có thể thức tỉnh con người, vươn tới những khát khao và tự do. Anh nói: “Tôi thích nhất là hình ảnh người coi chim mở toang chiếc lồng cho những chú chim bay đi. Không gì có thể đẹp hơn hình ảnh về sự tự do của con người cũng như vạn vật”.
Sống cùng Tấm, Cám
Các nghệ sĩ thường đùa: “Tây Phong vì nghệ thuật quên tất cả!”. Quả thực ít ai có thể trải qua những ngày tháng “tu luyện” như anh. Tây Phong ăn chay trường. Anh chàng vẫn độc thân, dành thời gian ở nhà để nuôi cá và mèo.
Trong đợt giãn cách vì COVID-19, Tây Phong lên quán nhạc, cũng là sân khấu nhỏ của anh rồi bị kẹt lại. Một mình anh sống trong quán, suốt mùa dịch, chỉ ăn rau và gạo được phường cứu trợ. Khi hết giãn cách, xung quanh quán của nghệ sĩ cây cối mọc xanh um. Ấy thế mà “Phong điên” vẫn vui vẻ, vì theo anh “được trải qua một “khóa tu” ngay giữa lòng thành phố”.
Tây Phong đam mê cổ tích, lịch sử. Anh chàng đọc kỹ từng chữ trong truyện Tấm Cám để đạo diễn vở “Tấm và hoàng hậu” (Kịch bản: Phát Nguyễn, sản xuất: Việt Linh). Tây Phong nói: “Xưa người ta luôn chia ra hai phe thiện, ác, nhưng tôi thấy cả Tấm và Cám đều có bi kịch của mình, họ đều đáng thương. Thậm chí, nói cho cùng thì nghệ thuật phải vượt lên sự hận thù đã ngàn năm ăn sâu trong truyện cổ tích. Chúng ta nên nhìn Tấm và Cám với con mắt của người hôm nay”.
Nhạc sĩ Tiến Phúc, bạn thân của Tây Phong nói: “Anh Tây Phong đa tài, cái hay là việc gì anh làm cũng tới nơi tới chốn”.
Không chỉ đạo diễn, Phong “điên” còn đóng nhiều vai khó, điển hình là vở “Thành Thăng Long thủa ấy”. Vai phản diện Trần Thủ Độ do Tây Phong đóng như một biểu tượng của sự tham quyền cố vị, của tính gia trưởng, của những mưu mô đã tạo ra vô số những bất công, đau khổ cho người khác. Tây Phong nói: “Tôi có dự định tham gia một số vở kịch lịch sử. Bởi những bài học đau đớn của lịch sử có thể giúp thức tỉnh con người”.
Tiếp xúc với Tây Phong, thấy anh như một “lò nung” các ý tưởng, lúc nào cũng nóng bỏng các dự định. Tây Phong nói: “Tôi đang tham gia một vở kịch trong đó sử dụng rất nhiều làn điệu cổ độc đáo. Thậm chí, tôi muốn mời các nghệ nhân tới cùng tham gia vào vở kịch. Họ sẽ hát khi chúng tôi diễn. Tôi muốn sân khấu làm sống lại các di sản và các di sản cũng sẽ làm sống lại sân khấu của chúng tôi”.
Con người của tự tạo, tự tồn
“Nghệ sĩ sáng tạo là nghệ sĩ độc lập, vì thế anh ta phải tự sinh tồn, tự chiến đấu để sinh tồn và hầu như không thể dựa vào ai” - Tây Phong nói.
Là ca sĩ anh thành lập ban nhạc riêng, biểu diễn tạo ra nhiều dấu ấn. Ban nhạc của anh là tiền thân nhóm AC&M nổi danh sau này. Là một người tổ chức các dự án, Tây Phong xây dựng một tụ điểm biểu diễn ở đường Lê Văn Sĩ, quận 3, tồn tại đến nay đã được 15 năm. Từ đại dịch COVID-19 nổ ra tới nay, tụ điểm này đóng cửa chưa diễn lại, nhưng “ông chủ” Tây Phong vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng. Anh nói: “Tôi cố giữ lấy mảnh đất cắm dùi cho nghệ thuật của tôi. Chờ cơ hội để chúng tôi mở lại sân khấu, diễn những gì mình thích”.
Sau khi tốt nghiệp đạo diễn, Tây Phong tham gia thành lập sân khấu Nhà Chung, tập hợp những người thích nghệ thuật mới, nhiều chất trí tuệ và cũng giàu sự hài hước. Anh cho biết: “Nhà Chung là một trong những dự án nghệ thuật thể nghiệm mà chúng tôi chủ động hợp tác với tất cả các anh chị em nghệ sĩ ở tất cả mọi lĩnh vực. Trong việc duy trì các dự án chúng tôi luôn tìm những nhân tố đặc biệt, với thể loại kịch nghệ chúng tôi hướng đến các bạn trẻ”. Chính sân khấu này đã cho ra đời vở diễn “Giấc mơ người coi chim” được nhiều người yêu thích.
“Tôi ít thấy ai đam mê sáng tạo như Tây Phong. Ngoài nghệ thuật ra, dường như anh ấy không quan tâm đến bất cứ điều gì và năng lượng của anh như là vô tận”.
Nhạc sĩ Vương Nông nhận xét
Chia sẻ về công việc của mình, Tây Phong tóm gọn trong mấy chữ: “Tất cả các công việc đều liên quan đến nghệ thuật, tất cả công việc đều vì đam mê cháy bỏng với nghề”.
Chính ngọn lửa yêu nghề của những người như “Phong điên” đã và đang thắp lên nhiều dự án, nhiều tác phẩm mới ở thành phố phương Nam.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chang-phong-dien-da-tai-post1482224.tpo