Chàng rể Mỹ 'mê' bánh chưng Việt
Sau một lần ăn thử, chàng trai người Mỹ Jordan mê mẩn món bánh chưng Tết của người Việt Nam. Anh luôn tấm tắc: 'Bánh chưng là số 1!'.
Ngạc nhiên và thích thú
Nguyễn Thị Trà (32 tuổi, quê Nghệ An), chồng cô là Jordan (41 tuổi). Cặp đôi hiện đang sinh sống tại bang Connecticut, Mỹ. Năm 2016, cô gái xứ Nghệ sang Hàn Quốc du học và gặp Jordan, khi đó đang là giáo viên tiếng Anh. Sau thời gian dài sinh hoạt tại một câu lạc bộ tiếng Anh, cả hai dần trở nên thân thiết. Những cuộc gặp gỡ, những cuộc gọi, dòng tin nhắn ngày một nhiều hơn. Từ một cô gái tôn thờ chủ nghĩa độc thân, chị Trà phải lòng chàng trai ngoại quốc với vẻ ngoài điển trai, thông minh, hóm hỉnh, hơn mình gần 10 tuổi này. “Trà là một cô gái thông minh và độc lập, đó cũng chính là điểm hấp dẫn, cuốn hút tôi. Để tán đổ cô gái này, tôi quyết định đi từ tình bạn đến tình yêu, dù hơi mất thời gian và tâm sức hơn”, Jordan chia sẻ về quá trình chinh phục nửa kia của cuộc đời.
“Lửa gần rơm…”, năm 2018, cặp đôi xác nhận tình cảm. “Anh ấy thật thà, chân thành và luôn cố gắng làm cho tôi vui, hạnh phúc. Đó là điều khiến tôi quyết định gắn bó với anh”, chị Trà tâm sự. Thời điểm này, Hàn Quốc đang diễn ra Thế vận hội mùa đông, bố mẹ Jordan sang đây du lịch và thăm các con. Để ghi điểm với bố mẹ chồng tương lai, chị Trà tự tay vào bếp chuẩn bị mâm cơm tươm tất. “Tôi nhớ, khi ấy trong tủ lạnh còn một chiếc bánh chưng Tết, tôi mang ra, cắt thành từng miếng nhỏ đem rán giòn. Không ngờ, đĩa bánh chưng vàng rộm, thơm lừng ấy lại hấp dẫn mọi người. Ai cũng tấm tắc khen ngon. Khi tôi giới thiệu đây là món bánh truyền thống, không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam, được làm thủ công và nấu trong 8 giờ đồng hồ, mọi người đều ngạc nhiên và tỏ ra thích thú”, chị Trà nhớ lại.
Sau lần thưởng thức ấy, Jordan trở thành tín đồ của bánh chưng Việt Nam, đặc biệt là món bánh chưng rán. Anh luôn tấm tắc: “bánh chưng là số 1!”. “Chồng mình rất thích ăn bánh chưng rán với xì dầu. Mỗi lần ăn chỉ sợ mập nhưng miệng thì nói, tay vẫn cầm lên ăn lấy ăn để. Dù đang ngủ hay làm bất cứ việc gì, chỉ cần vợ gọi “Jordan, ăn bánh chưng không? Chậm là hết nhé”, ngay lập tức anh có mặt. Mỗi lần rán bánh chưng, anh còn dặn tôi cắt miếng bánh mỏng hơn để được nhiều hơn và ăn lâu hết hơn”, chị Trà kể. Ở Mỹ, bánh chưng khá đắt nên mỗi khi có dịp quan trọng, vợ chồng trẻ mới mua vài cái. Do đó, Jordan rất mong chờ đến ngày Tết cổ truyền quê vợ, để có thể ăn bánh chưng thỏa thích. Cũng nhờ tích cực khen bánh chưng ngon mà khi đến chúc Tết các gia đình người Việt Nam ở Mỹ, Jordan luôn được mời ăn bánh, thậm chí còn được “quà” mang về. “Tôi hiểu ngày Tết cổ truyền quan trọng đối với vợ tôi cũng như cộng đồng người Việt, vì đây là dịp để mọi người trong gia đình sum họp sau một năm bươn chải với bề bộn công việc”, Jordan bày tỏ.
“Vợ tôi giải thích, Tết cổ truyền của người Việt rất quan trọng, mọi người đi làm xa đều muốn trở về gia đình để sum họp. Tất cả phiền muộn, lo lắng giận hờn đều gác lại. Cả năm ai cũng bận rộn rồi, bây giờ có thời gian dành cho nhau, ngồi ăn chung, cùng nhau đi thăm từng nhà, mừng tuổi và chúc nhiều điều tốt lành”.
Jordan
Mong được ăn Tết Việt
Xa quê, xa gia đình, những ngày Tết, dù bận đến đâu, chị Trà cũng cố gắng dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, trang trí thật nhiều hoa tươi và tự tay chuẩn bị một số món ăn truyền thống, đậm hương vị quê nhà. Có lần, kiếm được ít bột nếp, chị Trà làm bánh cà - loại bánh được làm từ bột nếp, đường, trứng gà, bé bằng hòn bi ve. Khi thấy Jordan tò mò, chị Trà vừa làm vừa giải thích rằng, loại bánh này thường được bà làm cho ăn vào dịp Tết. Nghe xong, Jordan hóm hỉnh đặt tên cho món bánh cà là “Tết rồi”, thỉnh thoảng lại rủ vợ làm món “Tết rồi”. “Tôi rất yêu thích và tôn trọng văn hóa truyền thống của Việt Nam. Vì thế, Tết năm nào tôi cũng háo hức tham gia chuẩn bị cùng vợ. Hai vợ chồng đi chợ người Việt mua sắm đồ Tết và cùng nhau sửa soạn, đón một cái Tết đầm ấm bên nhau”, Jordan bộc bạch.
Ngoài bánh chưng, chàng trai gốc Mỹ còn đam mê ẩm thực Việt. Jordan nghiện đủ thứ từ phở, nem rán đến rau muống luộc chấm nước mắm tỏi, cà pháo... Anh chàng cũng cực mê xông lá và coi nước muối là “thần dược” khi chẳng may bị ho, cảm lạnh. “Cái gì hết không biết chứ gạo, nước mắm, nước tương mà hết thì Jordan lo lắm, chạy ra siêu thị người Việt mua ngay”, chị Trà nói thêm. Không chỉ đong nước nấu cơm chuẩn hơn vợ, Jordan còn cẩn thận ghi công thức nấu các món Việt Nam như thịt kho trứng, cá kho tộ,… để có thể tự vào bếp khi vợ vắng nhà. Có năm Tết, chị Trà bị “đuối”, chính Jordan là đạo diễn cho mâm cơm ngày Tết. Nhìn chiếc mâm đủ đầy bánh chưng, nem rán, thịt, cá..., chị Trà xúc động rơi nước mắt.
Dù là người Mỹ nhưng Jordan vẫn cảm nhận được sự độc đáo riêng có của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Tết năm nay, Jordan dự định sẽ tự tay gói bánh chưng dưới sự hướng dẫn của mẹ vợ.
Cô gái xứ Nghệ tâm sự rằng, luôn thấy mình may mắn khi có người chồng hiểu, tâm lý và yêu vợ hết mực. Người đàn ông này sẵn sàng làm mọi việc để vợ vui. Việc học và nói tiếng quê vợ cũng là cách anh thể hiện tình yêu với người phụ nữ đã chấp nhận xa gia đình, xa quê hương bản quán để đến với một đất nước xa lạ. “Có lần, anh tính làm vợ bất ngờ nhưng cuối cùng lại khiến tôi hết hồn với nồi cháo nấu ăn cả tháng mới hết. Đó là Tết cách đây 3 năm, tôi bị ốm, Jordan thương vợ, bảo cứ nghỉ ngơi để anh đi nấu cháo. Được một lát chạy vào hỏi “vợ ơi, vợ ơi, sao cháo nhiều thế, tràn hết cả ra rồi”. Hóa ra, anh bỏ hai bơ gạo vào nồi nấu cháo, gạo nở, anh chế thêm nước vào, càng chế càng nở, rồi tràn cả ra ngoài. Sau đó, tôi phải san cháo ra 2 cái nồi lớn hơn để nấu chín, rồi cất vào tủ lạnh ăn dần”, chị Trà kể.
Sau mấy năm lỡ hẹn với Tết cổ truyền ở quê vợ, phần vì dịch bệnh COVID-19, phần vì bận công việc, năm nay, hai vợ chồng Jordan lên kế hoạch về Việt Nam ăn Tết. Đây cũng là lần đầu tiên chàng rể người Mỹ được “diện kiến” bố mẹ vợ. “Cũng có chút hồi hộp và lo lắng nhưng trên hết là sự háo hức được về Việt Nam, được gặp gỡ nhiều người. Tôi đang tích cực học tiếng Việt để về có thể giao tiếp dễ hơn với mọi người. Thú thật, tôi rất mong được “ăn” Tết Việt, lúc đó tôi sẽ thoải mái ăn món mình thích nhất là bánh chưng rán. Mẹ vợ bảo, cứ về là mẹ sẽ gói bánh chưng cho ăn thỏa thích”, Jordan tâm sự.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chang-re-my-me-banh-chung-viet-post1606707.tpo