Chàng rể Trung Quốc thích đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam

'Đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam rất vui và náo nhiệt, khắp nơi đều là hoa. Người người, nhà nhà đều gói bánh chưng, đi chợ sắm Tết'.

Đây là cảm nhận của Dư Phong, chàng rể Trung Quốc lấy vợ và sinh sống ở Việt Nam tính đến nay đã 22 năm.

Dư Phong, người tỉnh Giang Tây, Trung Quốc sang Việt Nam từ năm 2002

Dư Phong, người tỉnh Giang Tây, Trung Quốc sang Việt Nam từ năm 2002

Dư Phong, người tỉnh Giang Tây, Trung Quốc sang Việt Nam từ năm 2002, khi đó anh sang Việt Nam để giới thiệu và buôn bán hàng gốm sứ nổi tiếng của Giang Tây. Khi đó chị Vũ Thị Ánh Tuyết còn đang là cô sinh viên năm cuối Khoa tiếng Trung, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội vừa tranh thủ đi dịch nâng cao trình độ ngoại ngữ và cũng là để kiếm thêm thu nhập.

Ấn tượng với cô gái nhanh nhẹn, xinh xắn, hoạt bát lại có duyên nên anh Phong thuê chị Tuyết làm phiên dịch. Sau thời gian cộng tác, làm việc với nhau, hai người nảy sinh tình cảm, yêu nhau, rồi quyết định cưới nhau.

Khi biết tin, bố mẹ hai bên đều không phản đối nhưng không khỏi băn khoăn, nhất là phía gia đình chị Tuyết. Cả bố và mẹ chị đều không khỏi chạnh lòng khi nghĩ tới viễn cảnh con gái sẽ phải xa gia đình làm dâu nơi đất khách quê người. Bằng tình yêu và sự chân thành, chu đáo, Dư Phong đã chinh phục được bố mẹ và gia đình chị Tuyết. Niềm vui như được nhân đôi khi biết tin vợ chồng anh sẽ sinh sống và lập nghiệp tại Việt Nam sau khi kết hôn.

Nói về quyết định này, Dư Phong cho biết, ban đầu anh cũng định đưa vợ về sinh sống, làm ăn tại Trung Quốc, sau đó hai vợ chồng bàn bạc và nhận thấy Việt Nam đang trên đường phát triển, đồng nghĩa với việc sẽ mở ra nhiều cơ hội. Chỉ cần biết nắm bắt, hai người sẽ tạo dựng được cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Cũng may, quyết định này được bố mẹ Dư Phong và gia đình anh ủng hộ.

Vợ chồng anh Phong, chị Tuyết

Vợ chồng anh Phong, chị Tuyết

Dư Phong chia sẻ: “Tôi thấy người dân Việt Nam rất nhiệt tình, thân thiện, môi trường sống rất tốt nên quyết định lập nghiệp tại Việt Nam”.

Dư Phong hiện đang làm quản lý cho một doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại Thái Bình chuyên về chế biết thủy, hải sản xuất khẩu. Công việc tuy có bận nhưng anh đều tranh thủ thời gian giúp vợ làm việc nhà, chăm sóc con cái. Anh cũng thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ bà con hàng xóm nơi vợ chồng anh sinh sống. Lối sống chan hòa, mộc mạc, giản dị của anh được bà con đánh giá cao.

Kể từ khi yêu và cưới nhau, hai người luôn bên nhau đồng cam, cộng khổ chưa rời nhau quá một ngày. Đến nay, hai vợ chồng đã có ba cháu. Cháu lớn đã là sinh viên đại học năm thứ nhất.

Thời gian khó khăn nhất của hai vợ chồng anh chính là vào năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, khi đó Dư Phong về Trung Quốc thăm gia đình, do ảnh hưởng của đại dịch khiến anh không thể quay lại Việt Nam. Một nách ba con, chị Tuyết vừa phải đi làm vừa phải chăm sóc các con nhỏ. Thương vợ, nhớ con mà không thể nào làm gì được, hàng ngày anh chỉ biết động viên chị Tuyết, nói chuyện với các con qua điện thoại.

Với Dư Phong, đây là khoảng thời gian anh không bao giờ quên. Cũng nhờ trải qua giai đoạn khó khăn đó, cùng với sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của anh Phong nên chị Tuyết trưởng thành hơn rất nhiều. Hiện chị đang làm giám đốc một trung tâm xúc tiến thương mại, chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Thái Bình cũng như hỗ trợ xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp địa phương. Hai vợ chồng luôn cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Hàng năm, hai vợ chồng anh Phong, chị Tuyết đều thu xếp đưa các con về Trung Quốc thăm gia đình bên nội (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Hàng năm, hai vợ chồng anh Phong, chị Tuyết đều thu xếp đưa các con về Trung Quốc thăm gia đình bên nội (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Hàng năm, hai vợ chồng anh Phong, chị Tuyết đều thu xếp đưa các con về Trung Quốc thăm gia đình bên nội, thường là vào dịp các cháu nghỉ hè, cũng có năm vào dịp Tết. Nhưng Dư Phong cho biết, anh vẫn thích đón Tết ở Việt Nam, vì theo anh tuy có một số phong tục giống như ở Trung Quốc nhưng Tết ở Việt Nam có điều gì đó rất đặc biệt, rất riêng.

“Tết ở Việt Nam rất vui, rất náo nhiệt, khắp đường phố đều chăng đèn, kết hoa, người người, nhà nhà đi sắm Tết, gói bánh chưng. Có nhiều phong tục cũng gần giống như đón Tết ở Trung Quốc như đi chúc Tết, nghênh xuân… Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc mọi ngời đều mạnh khỏe, vạn sự như ý!”, anh Phong bày tỏ.

Hà Thắng/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chang-re-trung-quoc-thich-don-tet-nguyen-dan-o-viet-nam-post1075316.vov