Chàng sinh viên trường Y Hà Nội trưởng thành qua các bài báo quốc tế
'Mỗi một bài báo quốc tế là một sự trưởng thành về kiến thức và kỹ năng. Càng nghiên cứu em càng thấy mình chỉ như một hạt cát giữa đại dương y học'
Thay đổi tư duy từ bài báo khoa học
Đó là chia sẻ của Lê Đại Minh, sinh viên năm 6 ngành Y Đa khoa, trường Đại học Y Hà Nội. Minh đã trực tiếp tham gia nghiên cứu và hoàn thiện 5 bài báo khoa học trong nước và 5 bài báo khoa học được đăng tải trên những tạp chí Y học quốc tế danh tiếng. Minh còn là chủ nhiệm CLB tiếng Anh trường Đại học Y Hà Nội từ 2019-2021 và đạt 8.0 IELTS.
Bước chân vào trường học có điểm tuyển cao nhất cả nước, Lê Đại Minh cũng giống nhiều sinh viên khác, có cho mình một chút tự hào. Tuy nhiên, chỉ sau ba tháng va chạm với môi trường đại học khắc nghiệt, Minh đã tự nhìn nhận và quyết tâm lấy lại cường độ học tập, không hả hê với thành tích của mình nữa.
“Lần đầu tiên chúng em đối diện với lượng kiến thức lớn như vậy. Nếu tài liệu ôn thi vào đại học dày cỡ một ngón tay, thì mỗi kỳ thi ở trường Y, chúng em phải "tiêu hóa" số kiến thức dày gấp 3-5 lần như vậy.”
Năm 2018 Lê Đại Minh tham gia “Hội nghị hợp tác sinh viên Y khoa Đông Nam Á” với vai trò diễn giả. Chuyến đi đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của Minh về bài báo khoa học.
Minh thấy các bạn từ Thái Lan nghiên cứu về thói quen ăn muối của một khu vực dân cư. Từ đó tổng hợp các triệu chứng lâm sàng liên quan tới tới sử dụng muối như tăng huyết áp, các yếu tố nguy cơ tim mạch,... của người trong khu dân cư đó. Và họ viết thành một bài nghiên cứu khoa học.
“Khi đọc sản phẩm nghiên cứu của các bạn, nghe chia sẻ về ý tưởng và phương pháp nghiên cứu, em thấy rằng nghiên cứu khoa học không phải điều gì quá xa vời. Nếu mình thực sự quyết tâm, có cơ hội mình có thể làm được.”
Dám nghĩ lớn và nghĩ xa, cậu sinh viên lúc đó không ngừng học hỏi để tạo dựng nền tảng vững chắc cho bản thân, để khi cơ hội đến đủ điều kiện nắm lấy.
Bài báo khoa học đầu tiên Lê Đại Minh tham gia viết khi là sinh viên năm 2 là “Tỉ lệ rối loạn lo âu lan tỏa và một số yếu tố liên quan ở sinh viên Đại học Y Hà Nội năm học 2018 – 2019”. Bài báo khảo sát 1723 sinh viên, nhằm xác định tỉ lệ có biểu hiện rối loạn lo âu và một số yếu tố liên quan ở sinh viên năm đầu và năm cuối Đại học Y Hà Nội vào năm học 2018 – 2019.
Khi bài báo đầu tiên được đăng tải, Minh không giấu được sự thỏa mãn vì mình đã trải qua rất nhiều thứ để có thể xuất bản được bài báo. Để đăng được bài báo phải mất thời gian khá dài trải qua quá trình kiểm duyệt khắt khe. Ngoài ra, Minh cũng thấy hãnh diện và nhẹ nhõm. Minh thấy vui nhất là khi bài báo của mình được mọi người sử dụng, trích dẫn, điều đó chứng minh kết quả nghiên cứu của Minh và các bạn trong nhóm đã góp được một cái gì đó cho khoa học mặc dù nhỏ nhưng vui.
Minh nhớ rất rõ lời nói của thầy hiệu trưởng cấp 3,“Thành công trong việc học, đó là càng học càng cảm thấy mình còn nhiều thiếu sót". Câu nói để thấy rằng kiến thức là vô hạn, sức học của con người là hữu hạn.
“Mỗi một bài báo quốc tế là một sự trưởng thành và càng nghiên cứu em càng thấy mình chỉ như một hạt cát giữa “đại dương” y học. Cảm giác thỏa mãn ban đầu dần mất đi. Thay vào đó là quyết tâm, sự hào hứng và thận trọng để bơi giữa “đại dương” có hàng nhìn con cá lớn như vậy.” Lê Đại Minh nhìn nhận.
Những bài báo ban đầu Minh và nhóm bạn gồm ba người được các thầy cô gợi ý đề tài, liên hệ đăng bài, các em làm nội dung, thu thập dữ liệu theo chỉ dẫn của giảng viên. Khi đã có sự cứng cáp hơn, nhóm nghiên cứu của Lê Đại Minh đã chủ động đề xuất đề tài với giảng viên hướng dẫn.
Từ một đề tài có tính mở, Lê Đại Minh và các bạn cùng ngồi lại, lên kế hoạch một cách cụ thể, phân chia công việc cho từng người. Sau khi đã có kế hoạch chi tiết, các em nộp lại cho giảng viên xét duyệt góp ý.
“Trung bình mỗi một đề tài chúng em làm hết sáu tháng tới một năm, có thể dài hơn. 50% thời gian là để nhóm em lên kế hoạch triển khai, khi đã có phương hướng cụ thể, nhóm dành 40% thời gian tiếp theo để thu thập, phân tích dữ liệu và 10% cuối cùng hoàn thiện bài báo.”
Ban đầu để đăng tải các bài báo, Minh được giảng viên hỗ trợ liên hệ. Về sau nhóm của Minh đã tự lập danh sách tạp chí khoa học, so sánh những bài viết có cùng dung lượng như nghiên cứu của mình sau đó chủ động gửi tới các tạp chí này.
“Không ít lần chúng em phải trải qua xét duyệt khắt khe của các tạp chí khoa học. Có đề tài khi nộp nhóm rất tự tin nhưng khi họ yêu cầu sửa, mới thấy còn nhiều lỗi. Nhưng cả nhóm đều vượt qua để thành quả được công bố.”
Bác sĩ Phạm Thanh Tùng, giảng viênv trường Đại học Y Hà Nội, người đã đồng hành cùng Lê Đại Minh từ những ngày đầu khi em chưa có kỹ năng gì về nghiên cứu khoa học chia sẻ:
“Minh là sinh viên chăm chỉ và rất nhạy bén. Không chỉ tham gia nghiên cứu thông thường mà còn là người đứng đầu nhóm sinh viên, chủ động trong hoạt động nghiên cứu. Trong những nghiên cứu đã đăng tải thì Minh và các bạn trong nhóm chủ động tự phân tích số liệu và viết bài sau khi qua đào tạo và hướng dẫn thầy cô. Các đề tài nghiên cứu của Lê Đại Minh và nhóm đã cung cấp các dữ liệu sơ khởi để các trường đại học tiếp tục các nghiên cứu sâu hơn hoặc đề ra một số giải pháp nhằm cải thiện chất, nâng cao chất lượng về nhiều mặt trong y tế.”
Bác sĩ Tùng đã hướng dẫn Minh từ những điều nhỏ nhất, cho phép sinh viên được quyền sai, quyền được học. Thầy không bao giờ làm hộ Minh mà chỉ sửa lỗi sai, tạo cơ hội và gợi ý ý tưởng, tư vấn cho nhóm làm việc
Lê Đại Minh luôn tâm niệm những sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình không chỉ dừng lại ở mức độ tham khảo, mà còn có ý nghĩa lâm sàng, góp phần vào dòng chảy phát triển của y học trong nước cũng như quốc tế.
Luôn chủ động để gặp nhiều may mắn và cơ hội
Lê Đại Minh là cựu học sinh chuyên Tin của trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN). Lớp 10 Minh tham gia dự tuyển Tin học của trường. Tuy nhiên càng làm việc với máy tính, em càng cảm thấy mình không quá phù hợp với ngành học này.
“Thời gian đầu học về tin học, học về code và thuật toán rất thú vị và đã cho em nhiều kiến thức bổ ích, em còn sử dụng tới tận bây giờ. Nhưng dần dần em nhận thấy mình không thực sự phù hợp với ngành đó. Các bạn trong đội tuyển có thể ngồi cả ngày để xử lý những thuật toán khó. Em không thể làm được như vậy. Nhưng đối với em, việc tiếp xúc với con người giúp em có nhiều năng lượng và cảm hứng.” Lê Đại Minh chia sẻ.
Mạnh về các môn tự nhiên, nhưng Minh lại rất thích đọc lịch sử. Khi đọc về lịch sử ngành Y Việt Nam, câu chuyện về những tấm gương trong ngành Y như giáo sư Tôn Thất Tùng, giáo sư Đặng Văn Ngữ làm em cảm thấy rất ấn tượng, thôi thúc Minh muốn thử sức để trở thành người như thế. Các bác sĩ lớn là tấm gương củng cố cho động lực chọn ngành Y của Minh.
Minh cũng bày tỏ mong muốn học để thi vào Y của mình với cô giáo dạy Sinh học ở trường. Biết được trăn trở của học trò, cô giáo đã tận tình chỉ dạy, động viên và cổ vũ Minh theo đuổi tới cùng nghề cứu người.
“Trong giờ giảng, tôi quan sát có một học sinh rất chú tâm lắng nghe. Nếu có phát hiện gì mắt em liền sáng lên và ghi chép lại rất tỉ mỉ. Khi trả lời câu hỏi của giáo viên em cũng điềm tĩnh và chững chạc. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về Lê Đại Minh. Không lâu sau Minh tới gặp trực tiếp tôi và xin học sâu hơn về môn Sinh. Minh nói rằng “Học với cô em rất thích vì cô giúp em hiểu bản chất kiến thức mà không cần ghi chép quá nhiều, em muốn xin theo cô học môn Sinh để thi vào trường Y”. Cô giáo Bùi Thanh Vân, giáo viên môn Sinh học trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên cho biết.
Cho tới năm ba đại học, được đi lâm sàng tại các bệnh viện, Minh mới chính thức xác nhận con đường mình chọn đã đúng. Cậu sinh viên trẻ đã cảm nhận được mình thực sự yêu nghề Y.
“Khoa đầu tiên em đi lâm sàng là Chấn thương chỉnh hình ở Bệnh viện Đại học Y. Tại đây em được học tập dưới sự chỉ dẫn của những bác sĩ có yêu cầu cao, nghiêm khắc nhưng rất tâm huyết với sinh viên. Ví dụ khi em và các bạn đi khám cho bệnh nhân, lúc làm chưa đúng, các thầy luôn hướng dẫn lại một cách vô cùng tỉ mỉ và chi tiết". Được học những buổi lâm sàng đầu tiên từ người thầy có tâm như vậy nên em rất thích lâm sàng.”
Lê Đại Minh chia sẻ hình mẫu một bác sĩ mà em hướng tới đầu tiên cần phải giữ được sự trong sáng với nghề và cái tâm với người bệnh. Là một người trẻ Minh nghĩ rằng mình cũng cần sẵn sàng đổi mới và sáng tạo. Bên cạnh đó em cũng rèn luyện cho mình bản lĩnh, quyết đoán, cẩn thận, chính xác trong từng quyết định.
Đối với Minh em quan niệm làm ngành y là phải chủ động. Khi tiếp cận bất cứ người bệnh nào, mọi bác sĩ đều cần phải chủ động đi tìm gốc những vấn đề của bệnh nhân để giúp họ giải quyết một cách toàn diện, không thể chờ đợi bệnh nhân đến với mình khi đã quá muộn. Đấy là điều rất cơ bản mà bác sĩ nào cũng cần phải làm.
“Chủ động là bắt buộc. Càng chủ động thì sẽ có càng nhiều điều tích cực đến với mình. Em nghĩ chủ động giúp em gặp được nhiều may mắn và cơ hội.”
Tới đây Lê Đại Minh sẽ bước vào kỳ thi nội trú, đó là quãng thời gian căng thẳng. Minh sẽ phải dành nhiều thời gian làm việc tại bệnh viện hơn. Với các bài báo khoa học cũng được Minh cùng các bạn trong nhóm cân đối thời gian. Nhưng Minh khẳng định sẽ không từ bỏ việc viết các nghiên cứu khoa học vì đó là một phần trong công việc của một bác sĩ.
Minh chia sẻ, thực tế, giữa lâm sàng và nghiên cứu luôn có một khoảng trống chưa liền mạch. Nhưng, thực ra nghĩa vụ của một nhà lâm sàng cũng là làm nghiên cứu. Những ý tưởng sát với thực tế nhất thường lại đến từ các nhà lâm sàng. Em muốn có thể đóng góp phần nào giúp thu hẹp khoảng trống đó lại. Em hy vọng mình có thể làm được.