Chàng tân kỹ sư phần mềm bước từ phòng lab ra thế giới
Hồ Lê Minh Thạch chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình trở thành một kỹ sư phần mềm, song chính nền tảng kiến thức vững chắc có được từ RMIT Việt Nam và trải nghiệm với khóa học về khoa học máy tính của Harvard đã dấy lên đam mê lập trình và tiếp thêm sức mạnh để anh theo đuổi sự nghiệp này.
Thạch thuộc nhóm 2% sinh viên Đại học RMIT toàn cầu được Phó chủ tịch Hội đồng trường vinh danh vì Thành tích học tập xuất sắc năm 2024 và là Thủ khoa ngành Kỹ sư (Kỹ thuật phần mềm) Khóa 2025 của Đại học RMIT Việt Nam. Anh được một công ty Australia mời về làm việc ngay sau khi tốt nghiệp nhờ thành tích nổi trội và các mối quan hệ có được từ RMIT.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ sư (Kỹ thuật phần mềm) Hồ Lê Minh Thạch nhận bằng tốt nghiệp tại buổi lễ diễn ra ở Melbourne, Australia (Hình: NVCC)
Anh chia sẻ rằng hành trình đến với kỹ thuật phần mềm của anh không phải lúc nào cũng rõ ràng.
“Hồi trước, tôi là một học sinh bình thường, không rõ muốn làm gì trong tương lai. Mãi đến tháng cuối cùng của cấp trung học phổ thông vào năm 2020, tôi tình cờ biết đến CS50, khóa học khoa học máy tính miễn phí của Harvard khi giáo viên dạy hướng nghiệp khuyến khích tôi tìm hiểu một số lựa chọn nghề nghiệp khác nhau. Sau khi thử xem sao, tôi nhận ra mình yêu thích lập trình và biết rằng làm việc trong ngành kỹ thuật phần mềm là định hướng nghề nghiệp mà mình muốn theo đuổi.
Trong quá trình học đại học, Thạch gặp không ít thách thức nhưng cũng đạt được nhiều thành tựu giúp anh trưởng thành lên từng ngày. Một trong những dự án nổi bật nhất của Thạch được thực hiện trong khuôn khổ học môn Kiến trúc và thiết kế hệ thống. Thạch và nhóm của mình đã áp dụng mô hình kiến trúc cấp độ doanh nghiệp tương tự như mô hình được sử dụng tại Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB). Đồ án cuối khóa của anh – một hệ thống hỏi đáp thông tin y khoa AI sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và Kỹ thuật tạo tối ưu hóa truy xuất (RAG) – đã dành giải Dự án Kỹ thuật phần mềm và Công nghệ thông tin tốt nhất trong buổi triển lãm đồ án tốt nghiệp của Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ.
Tích lũy kinh nghiệm làm việc và chuẩn bị cho tương lai
Ngoài việc học, tích lũy kinh nghiệm làm việc cũng được Thạch rất coi trọng. Nhờ Ngày hội Thông tin việc làm do trường tổ chức, anh đã dành được một vị trí thực tập tại Ngân hàng Quốc gia Australia tại Việt Nam vào năm 2022 và sau đó được giữ lại làm nhân viên chính thức dù chưa chính thức tốt nghiệp. Làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và nói tiếng Anh giúp Thạch phát triển cả chuyên môn kỹ thuật lẫn kỹ năng giao tiếp.

Thạch thăm ngân hàng ANZ trong một chuyến công tác đến Australia. (Hình: NVCC)
“Kinh nghiệm làm việc là vô giá vì tôi không chỉ học về lập trình mà còn về cách làm thế nào để hợp tác hiệu quả với đồng nghiệp ở những địa điểm khác nhau”, Thạch chia sẻ.
Anh còn tham gia vào nhiều cuộc thi khác nhau, bao gồm Apple Swift Student Challenge năm 2024 (là sinh viên duy nhất từ Việt Nam dành chiến thắng), cuộc thi Nhà sáng lập tương lai và cuộc thi thiết kế thúc đẩy hòa nhập cho người khuyết tật Accessibility Design Competition. Trải nghiệm qua các cuộc thi đã giúp anh củng cố thêm kỹ năng giải quyết vấn đề và làm việc nhóm với các bạn ở các lĩnh vực khác nhau.
Một trong những điều quan trọng Thạch rút ra được trên hành trình này chính là tầm quan trọng của việc cân bằng giữa năng lực kỹ thuật với kỹ năng mềm. “Là một kỹ sư giỏi không phải chỉ biết viết code giỏi mà còn phải có khả năng truyền đạt và làm việc với đồng nghiệp trong nhóm. Đi thực tập sớm và tích lũy kinh nghiệm thực tế là những điều hết sức quan trọng để tích lũy những năng lực này”, Thạch chia sẻ.
Sáng kiến trong nước, tác động quốc tế
Ngoài cân đối giữa học hành và làm việc, Thạch còn phát triển Time Jar, một ứng dụng thúc đẩy hiệu suất làm việc, đã nhanh chóng được cộng đồng quốc tế chú ý khi đạt 470 lượt tải về chỉ sau hai tuần ra mắt trên kho ứng dụng.

Ứng dụng năng suất làm việc Time Jar của Thạch đạt 470 lượt tải về trên toàn cầu chỉ sau hai tuần. (Hình: NVCC)
“Tôi cực kỳ hứng khởi khi thấy người dùng từ khắp nơi trên thế giới sử dụng ứng dụng và chia sẻ phản hồi của họ. Kết quả này khiến tôi vững tin hơn rằng những gì mình đang xây dựng không chỉ cho bản thân mà còn cho một cộng đồng những người coi trọng tập trung sâu vào công việc và năng suất làm việc”, Thạch chia sẻ.
Dự án thể hiện được tính linh hoạt về mặt kỹ thuật của anh khi kết hợp được những công nghệ mới nhất của Apple. Dựa trên kỹ năng thiết kế UI/UX được mài giũa tại RMIT, Thạch đã tạo ra một trải nghiệm vừa tiện dụng, vừa có giao diện đẹp. Dự án này còn thể hiện cam kết của anh trong giải quyết các nhu cầu của cộng đồng trong nước.
“Tôi thấy thị trường ứng dụng năng suất làm việc vẫn thiếu những ứng dụng có hỗ trợ tiếng Việt”, Thạch giải thích.
“Điều này thúc đẩy tôi dành ra năm nay để ra mắt thêm nhiều công cụ phù hợp hơn với cộng đồng người Việt”.
Việc Đại học RMIT chú trọng kết hợp giữa thông thạo kỹ thuật với nhận thức văn hóa đã tiếp thêm sức mạnh để Thạch tạo ra những giải pháp kết nối công nghệ toàn cầu với nhu cầu trong nước.
Nhờ hai năm cọ xát với doanh nghiệp, ngay khi ra trường Thạch đã được một doanh nghiệp tại Australia nhận vào làm chính thức, tận dụng những gì tích lũy được khi làm việc với NAB và ngân hàng ANZ. Thạch tin rằng nhờ tiếp xúc với văn hóa làm việc của Australia, cộng thêm tấm bằng từ RMIT, anh đã tạo được lợi thế lớn cho bản thân.
Hướng tới tương lai, Thạch hy vọng sẽ trở thành chuyên viên Kiến trúc giải pháp hoặc Trưởng phòng Kỹ thuật. Trước mắt, anh đặt mục tiêu tiếp tục học hỏi và đóng góp ý nghĩa cho ngành của mình.
Ngẫm về hành trình đã qua, Thạch khích lệ các bạn sinh viên hãy tận dụng cơ hội trong quá trình học tập.
“Hãy tham gia và các dự án, đi thực tập và chăm chỉ tham gia hoạt động giao lưu kết nối. Kiến thức kỹ thuật là quan trọng, nhưng kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo sẽ giúp bạn nổi bật”.