Chàng trai 9X hơn 5 năm theo đuổi Cổ phục Việt

Với mong muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống trong các vở diễn lịch sử, Nguyễn Trọng Tín đã ngày đêm tìm tòi, phục dựng lại các trang phục Việt cổ nhằm phục vụ cho giới nghệ sĩ sân khấu kịch.

Ngay từ năm lớp 10, anh Nguyễn Trọng Tín (27 tuổi, ngụ quận 12) đã bén duyên với sân khấu bằng các tiết mục mà anh tự tìm tòi, học hỏi. Đến khi rời quê lên TP. HCM, chàng trai 9X tiếp tục theo đuổi nghề, làm thêm nhiều công việc khác để kiếm thêm thu nhập và tham gia những chuyến lưu diễn khắp thành phố.

Bài liên quan

11 tác phẩm vào chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2022

Ra mắt ‘Tủ sách Hồ Chí Minh’ tại Khu di tích Phủ Chủ tịch

Chàng trai trẻ 10X với dự án “Lang Thang – Mang văn hóa đọc lan tỏa trong cộng đồng”

Sự kiện văn hóa nổi bật trong tuần: Đặc sắc chương trình nghệ thuật khai mạc SEA Games 31

Sau khi quen với ánh đèn sân khấu, anh Tín chuyển hướng hoàn toàn sang học diễn xuất. Từ đó, chàng trai có nhiều cơ hội tham gia vào các vở diễn ở TP. HCM qua công việc hậu cần.

Trong một lần đi diễn kịch tại chùa, các trang phục phù hợp với vở diễn lại không dễ tìm được ở thành phố. Điều này đã khiến anh Tín trăn trở làm sao để vở kịch của anh thật chỉn chu và lóe lên ý tưởng tự thiết kế trang phục cho các vở diễn.

“Lúc đầu gia đình cũng phân vân lắm, vì tôi có bao giờ đụng vào máy may bao giờ đâu. Thế nhưng tôi nghĩ thế này, nghề hát tuồng, cải lương sẽ không thể bị mai một đi. Các cô chú đi diễn, họ rất cần trang phục để diễn. Tuy nhiên thì hiện nay số lượng người làm các trang phục này dường như rất ít, chủ yếu là các cô chú ngày xưa đã lớn tuổi, giờ còn giữ nghề. Vì thế, là một người trẻ, lại có khả năng thì không có lí do gì tôi không gìn giữ nét văn hóa dân tộc, học hỏi văn hóa của nước khác”, anh Tín chia sẻ.

Thời gian đầu theo nghề, chàng trai trẻ đã từng thất bại nhiều lần vì chưa có kinh nghiệm. Cứ sai đến đâu, anh Tín chấp nhận bỏ và làm lại từ đầu, vì muốn mọi thứ phải thật chỉn chu thì người nghệ sĩ mới tự tin mặc đi diễn.

Bên cạnh đó, với ý muốn thiết kế những bộ trang phục vừa đẹp, vừa hợp với túi tiền của các nghệ sĩ, anh Tín đã quyết tâm lùng sục hết mọi ngóc ngách, từ chợ lớn đến chợ nhỏ, để tìm nguyên vật liệu thích hợp. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất, đôi khi, anh Tín phải mất cả ngày để đi tìm.

“Có những phụ liệu ở Việt Nam không có, tôi làm bằng tay luôn. Ví dụ như những hoa văn không có bán ngoài chợ thì tôi tự vẽ lên. Làm đến đâu, học đến đó, dần dần tôi cũng có nhiều kinh nghiệm hơn, các sản phẩm cũng trở nên thành công hơn”, chàng trai 9X nói.

Tùy theo độ chi tiết của trang phục, anh Tín thường mất 5-7 ngày hoặc thậm chí là vài tuần mới hoàn thành xong 1 bộ, trải qua các bước như: Tìm mẫu, thẩm định mẫu, lên ý tưởng, tìm nguyên liệu, vẽ, cắt, may…

Theo anh Tín, khó nhất là các họa tiết trên trang phục phải phù hợp với bối cảnh, thời gian của vở diễn.

Có một lần, một đoàn phim nổi tiếng liên hệ anh thiết kế trang phục nhưng lại không hiểu rõ tính chất lịch sử của nó. Anh đã không ngần ngại từ chối lời mời, vì anh cho rằng, người xem phim rất khắt khe với trang phục của diễn viên, nếu trang phục mà bị chỉ trích sẽ ảnh hưởng tới người thiết kế, sau đó sẽ ảnh hưởng tới cả đoàn phim.

“Nghề này phát triển tư duy của tôi rất nhiều. Tôi chỉ cần nhìn vào một bức hình thôi là trong đầu y như ‘máy chiếu 3D’. Nó mô phỏng được người mặc mẫu trang phục này sẽ như thế nào, hình dung được tổng thể bộ đồ. Khi làm những trang phục lịch sử, tôi phải tìm tòi về các họa tiết thời Trần, Lý, Đinh,… đều có kiểu dáng khác nhau. Ví dụ hình con chim thời Trần sẽ khác thời Lý, tôi phải tìm hiểu qua các mái đình, chén, dĩa ngày xưa để xác định cho đúng”, anh Tín bộc bạch.

Ngoài ra, việc thiết kế trang phục phải đúng các yếu tố lịch sử sẽ giúp truyền tải được cái nhìn đúng hơn về các đặc điểm, thời kỳ cho người xem.

Để phục dựng lại một bộ trang phục cổ Việt, trước hết cần phải tôn trọng văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Đến với nghề này, khi học hỏi các tư liệu điều nhầm lẫn nghiêm trọng nhất và làm mất đi bản sắc văn hóa người Việt chính là nhầm lẫn giữa cổ phục Việt – Trung.

Được biết, tùy theo yêu cầu của khách hàng, giá của mỗi bộ cổ phục thường dao động từ vài triệu đến vài chục triệu. Về giá thuê, anh Tín cho biết trung bình sẽ có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Riêng mức giá dành cho các sinh viên, chàng trai đều sẽ giảm giá để phù hợp với túi tiền của các em.

Sau 5 năm theo đuổi nghề, anh Tín đã thành công và có những khách hàng cố định chủ yếu là giới nghệ sĩ sân khấu kịch, cải lương như: Vũ Luân, Kim Tử Long, Bình Tinh...

Trong thời gian tới, chàng trai 9X đang ấp ủ một dự án về show diễn cổ phục thời Lạc Long Quân, Âu Cơ, đồng thời kết hợp các nghệ sĩ cải lương, các tiết mục ảo thật để tạo nên buổi trình diễn đáng nhớ.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chang-trai-9x-hon-5-nam-theo-duoi-co-phuc-viet-post195064.html