Chàng trai 9X lập nghiệp từ niềm đam mê điêu khắc gỗ

Từ niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật điêu khắc gỗ, năm 2016, anh thanh niên Đỗ Văn Cần (xóm 17, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn) quyết chí lập nghiệp từ một xưởng gỗ nhỏ tại quê nhà. Bằng đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, anh đã chế tác ra những sản phẩm gỗ độc đáo, có giá trị nghệ thuật đồng thời đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Với niềm đam mê điêu khắc gỗ, anh Đỗ Văn Cần (xóm 17, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn) quyết chí lập nghiệp.

Với niềm đam mê điêu khắc gỗ, anh Đỗ Văn Cần (xóm 17, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn) quyết chí lập nghiệp.

Sinh năm 1990, trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc dân dụng nên từ nhỏ, anh Cần đã học cách cầm cưa, cầm đục chế tác các sản phẩm gỗ đơn giản. Lớn lên, anh càng thêm yêu và say mê nghề mộc, đặc biệt là nghề điêu khắc gỗ nghệ thuật, một nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần cù, đặc biệt là sự sáng tạo của người thợ.

Sau khi học xong cấp 3, vì "miếng cơm manh áo" mà anh phải rời quê hương vào Tây Nguyên làm thuê. Chính tại đây, anh gặp người thầy trong nghề mộc, người giúp thổi bùng niềm đam mê điêu khắc gỗ trong anh. Quyết chí học bằng được nghề điêu khắc gỗ, anh lặn lội theo thầy ra tận Đồng Kỵ (tỉnh Bắc Ninh) - "cái nôi" của nghề gỗ thủ công mỹ nghệ, để học nghề. Thời gian sau đó, anh theo thầy làm công để tích lũy kinh nghiệm cũng như gom góp tiền quyết lập chí riêng.

Đến năm 2016, khi kinh nghiệm và số vốn dắt lưng đã đủ, anh trở về quê nhà tại xã Đồng Hướng (huyện Kim Sơn) lập nghiệp. Kể về thời gian đầu mở xưởng gỗ, anh Cần tâm sự: Được sự ủng hộ của gia đình, tôi mở một xưởng gỗ tại xóm 12, xã Đồng Hướng. Tuy có vị trí đẹp sát đường giao thông, nhưng thời kỳ đầu xưởng gỗ của tôi có rất ít khách hàng. Một phần là bởi khách hàng chưa biết đến sản phẩm của mình và giá trị thực của các tác phẩm điêu khắc gỗ.

Dù vậy nhưng anh Cần không nản chí, anh tự sáng tạo ra các tác phẩm từ nhỏ nhất như tượng danh nhân nổi tiếng đến các sản phẩm lớn như tranh gỗ với các nét đục đẽo tinh xảo, sắc nét. Dần dần khách yêu nghệ thuật truyền tai nhau và đến xưởng mua hàng càng nhiều.

Theo anh Cần, điêu khắc là nghề thủ công mỹ nghệ cao cấp, ngoài khéo tay, có óc sáng tạo, nghề điêu khắc cũng đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì và thực sự đam mê với nghề. Khi học nghề, ngoài các kỹ thuật cơ bản, người thợ phải rèn luyện trí tưởng tượng để biết cách tạo dáng, phác thảo ra sản phẩm ngay từ trong suy nghĩ.

Cũng là tạo tác trên gỗ, nhưng nghề điêu khắc gỗ khác với nghề mộc dân dụng ở chỗ nghề điêu khắc gỗ đòi hỏi sự kiên trì, sự khéo léo, óc sáng tạo và có tính nghệ thuật nhiều hơn. Trong khi nghề mộc dân dụng có thể sử dụng máy móc sản xuất ra sản phẩm hàng loạt giống nhau thì mỗi tác phẩm điêu khắc nghệ thuật ra đời là duy nhất.

Từ các gốc cây, thân cây... người thợ sáng tạo ra những sản phẩm dựa theo hình dạng, màu sắc, vân gỗ hay chính những vết sần sùi trên từng khối gỗ. Từ đó tạo ra những chi tiết sống động, đậm nét văn hóa của người Việt Nam. Do vậy dù cùng kích thước, hình dáng hay chất liệu gỗ nhưng nét đẹp, cái "hồn" của mỗi tác phẩm đều có sự khác biệt, không có tác phẩm nào giống tác phẩm nào.

Vừa thoăn thoắt tay dùi, tay đục chế tác sản phẩm "Cầu gỗ bát mã", anh Cần nói tiếp: Quy trình để sáng tạo ra một tác phẩm gỗ điêu khắc trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên, người thợ phải tưởng tượng ra cách sắp xếp, bố trí các họa tiết, chi tiết theo yêu cầu của khách hàng để lựa chọn phôi gỗ phù hợp; sau đó là công đoạn phá thô, rồi đến làm tinh xảo sắc nét, hoàn thiện sản phẩm. Hầu hết các công đoạn đều làm bằng thủ công, vì vậy khi chọn gỗ cũng phải thật tỉ mỉ, gỗ loại tốt, ít cong vênh, có độ dẻo, dai, không nứt và không bị mối, mọt. Hầu hết các sản phẩm điêu khắc gỗ tại xưởng của anh Cần đều là khối gỗ loại 1, được nhập từ Tây Nguyên về. Vì vậy, tùy từng sản phẩm điêu khắc gỗ có giá từ vài chục triệu cho đến vài trăm triệu đồng.

Anh Cần giới thiệu các sản phẩm của xưởng gỗ với cán bộ Đoàn xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn.

Hiện nay, xưởng gỗ của anh Cần cung cấp đủ loại mặt hàng, từ đồ gỗ nghệ thuật như: tượng Phật, tượng Phúc - Lộc - Thọ, tượng các linh thú, tranh đồng quê, tranh vinh quy bái tổ, tranh tứ quý.... đến các sản phẩm đồ gỗ dân dụng. Anh Cần cho biết: Đầu năm 2020, tôi được vay 300 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi qua kênh của Đoàn thanh niên. Tôi dùng số vốn đó để mua thêm máy cắt CNC để mở rộng sản xuất, cung cấp thêm các sản phẩm gỗ dân dụng như giường, tủ, bàn ghế và một số loại tranh gỗ phổ thông... Qua đó giúp đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo thêm thu nhập. Tuy vậy, các sản phẩm điêu khắc gỗ nghệ thuật vẫn là sản phẩm chủ đạo, định hướng cốt lõi mà xưởng gỗ của tôi theo đuổi.

Năm 2022, lợi nhuận từ xưởng gỗ cho gia đình anh Cần thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Không chỉ góp phần phát triển kinh tế gia đình, với niềm đam mê nghề điêu khắc gỗ, anh Cần đã đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều thanh niên trên địa bàn xã, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 4 thợ lành nghề với mức lương từ 7 -15 triệu đồng/tháng. Những lúc cao điểm, xưởng còn thuê thêm từ 4- 5 lao động thời vụ.

Với những đóng góp trong nghề, anh Cần đã được công nhận danh hiệu Nghệ nhân điêu khắc gỗ mỹ nghệ. Tháng 3 vừa qua, anh cũng là một trong số 89 điển hình được vinh danh là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2023.

Trước khi chia tay chúng tôi, anh Cần tâm sự: Gần 20 năm trong nghề, tôi rất buồn khi chứng kiến nghề mộc truyền thống nói chung, nghề điêu khắc gỗ dần mai một. Vì vậy, tôi mong muốn sẽ tiếp tục phát triển xưởng gỗ, chia sẻ niềm đam mê điêu khắc gỗ đến nhiều bạn trẻ hơn nữa, để giữ gìn nghề truyền thống này, giúp làm đẹp cho đời.

Bài, ảnh: Thái Học

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chang-trai-9x-lap-nghiep-tu-niem-dam-me-dieu-khac-go/d20230420145531267.htm